Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thị xã Trảng Bàng sẽ có 6 phường và 4 xã
Thứ hai: 18:15 ngày 12/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc thành lập thị xã Trảng Bàng và các phường phù hợp với định hướng quy hoạch vùng của tỉnh; tạo được thế và lực mới trong xu thế hội nhập, là cơ sở để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng theo tiêu chí cao hơn.

Một góc đô thị Trảng Bàng.

Trảng Bàng là một trong những huyện được hình thành rất sớm của tỉnh Tây Ninh, có diện tích tự nhiên hơn 340km2, gồm 10 xã (An Tịnh, An Hoà, Gia Lộc, Gia Bình, Lộc Hưng, Hưng Thuận, Đôn Thuận, Bình Thạnh, Phước Chỉ, Phước Lưu) và một thị trấn. Địa bàn huyện trải rộng phía Nam của tỉnh. Đây là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Tây Ninh đến thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận. Dân số của huyện gần 168.500 người. 

Huyện đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng đến 2 lần. Từ sau ngày miền Nam giải phóng đến nay, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, với động lực chủ yếu là công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Trên địa bàn có các khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, thu hút hàng chục ngàn lao động. Nông nghiệp ngày càng phát triển, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, ứng dụng công nghệ cao, hướng đến cánh đồng lớn và theo tiêu chuẩn VietGAP... 

Đặc biệt là những năm gần đây, nền kinh tế của huyện có mức tăng trưởng cao, hằng năm GDP đều tăng, giữ vững cân đối ngân sách. Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đồng thời, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên địa bàn cũng tăng. Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tốc độ đô thị hoá nhanh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn có xu hướng tăng dần hằng năm. 

Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý và kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị, các xã và thị trấn có bước phát triển rất nhanh. Từ đó, Trảng Bàng có đầy đủ các tiêu chuẩn để thành lập thị xã và các phường thuộc thị xã (theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

Việc thành lập thị xã Trảng Bàng và các phường phù hợp với định hướng quy hoạch vùng của tỉnh; tạo được thế và lực mới trong xu thế hội nhập, là cơ sở để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng theo tiêu chí cao hơn. Từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, mà việc thành lập thị xã là hết sức cần thiết. Đây cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trảng Bàng. 

Điều chỉnh địa giới hành chính Thị trấn khi lên phường

Theo UBND huyện, thị xã Trảng Bàng bao gồm toàn bộ diện tích đất đai và dân số của huyện hiện nay. Trong đó có 6 phường nội thị và 4 xã ngoại thị. 6 phường nội thị gồm An Tịnh, An Hoà, Lộc Hưng, Gia Bình, Gia Lộc và Trảng Bàng; 4 xã ngoại thị gồm Hưng Thuận, Đôn Thuận, Phước Bình (sáp nhập hai xã Bình Thạnh và Phước Lưu) và Phước Chỉ. Trong 6 phường, có 4 phường An Tịnh, An Hoà, Lộc Hưng, Gia Bình được thành lập trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng về diện tích tự nhiên và dân số của các xã này như hiện nay.

Riêng phường Trảng Bàng và phường Gia Lộc có điều chỉnh về diện tích và dân số. Trong 4 xã ngoại thị, 3 xã Hưng Thuận, Đôn Thuận, Phước Chỉ giữ nguyên hiện trạng về diện tích và dân số, còn lại xã Phước Bình là xã mới, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số 2 xã Bình Thạnh và Phước Lưu hiện nay. 

Chợ Trảng Bàng

Thị trấn Trảng Bàng có diện tích tự nhiên là 3,65km2 (dân số 16.947 người). Với diện tích này, thị trấn chưa đủ tiêu chuẩn để thành lập phường (tiêu chuẩn theo quy định của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH 13 là từ 5,5km2 trở lên). Trong khi đó, xã Gia Lộc có diện tích tự nhiên lên đến 30,25km2 và nằm tiếp giáp Thị trấn. Để thị trấn Trảng Bàng đạt tiêu chuẩn thành lập phường, cần có sự điều chỉnh địa giới hành chính giữa xã Gia Lộc và Thị trấn.

Cụ thể là sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện hữu của ấp Gia Huỳnh, thuộc xã Gia Lộc vào thị trấn Trảng Bàng. Từ đó, phường Trảng Bàng bao gồm toàn bộ diện tích và dân số của Thị trấn hiện hữu cộng với toàn bộ diện tích và dân số ấp Gia Huỳnh. Sau khi được sáp nhập, phường Trảng Bàng có tổng diện tích tự nhiên 6,65km2, bao gồm 5 khu phố Lộc An, Lộc Thành, Lộc Du, Gia Huỳnh 1 và Gia Huỳnh 2 (ấp Gia Huỳnh thuộc xã Gia Lộc được sáp nhập), dân số 19.911 người. 

 Phường Gia Lộc được thành lập trên cơ sở phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của xã Gia Lộc, sau khi tách ấp Gia Huỳnh sáp nhập vào Thị trấn. Phường Gia Lộc có diện tích tự nhiên 27,25km2, bao gồm 5 khu phố: Gia Lâm, Gia Tân, Lộc Khê, Lộc Trát, Tân Lộc, với dân số 17.908 người.  

Sáp nhập hai xã Bình Thạnh và Phước Lưu thành xã mới Phước Bình

Nằm ở cánh Tây của huyện Trảng Bàng, từ trước đến nay có 3 xã là Bình Thạnh, Phước Chỉ và Phước Lưu. Trong đó có hai xã biên giới giáp với nước láng giềng Campuchia (Bình Thạnh, Phước Chỉ) và một xã nội địa (Phước Lưu). Xã Bình Thạnh có diện tích tự nhiên 21,43km2, gồm 5 ấp Bình Hoà, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Quới và Bình Phú, với 10.538 nhân khẩu. Xã Phước Lưu có diện tích tự nhiên 13,22km2, gồm 5 ấp Gò Ngãi, Phước Tân, Phước Thành, Phước Lợi và Phước Giang, với 6.106 nhân khẩu. 

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi huyện Trảng Bàng thành lập thị xã, thì cả 2 xã Bình Thạnh và Phước Lưu đều không đạt tiêu chuẩn về diện tích (tiêu chuẩn quy định từ 30km2 trở lên). Riêng xã Phước Lưu cũng chưa đạt tiêu chuẩn về dân số (tiêu chuẩn quy định là 8.000 người). Chính vì vậy, việc sáp nhập 2 xã này là thực hiện theo chủ trương của Trung ương. Khi sáp nhập hai xã này lại, dự kiến lấy tên xã mới là “Phước Bình”. Xã Phước Bình có tổng diện tích tự nhiên 34,65km2, gồm 10 ấp, với tổng dân số 16.644 người. 

Được biết, nhằm bảo đảm sự đồng thuận và nhất trí cao giữa chính quyền và nhân dân, UBND huyện Trảng Bàng có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri trên toàn huyện về việc thành lập thị xã Trảng Bàng, các phường nội thị và các xã ngoại thị. Trong đó đáng lưu ý là việc mở rộng diện tích, tăng dân số của phường Trảng Bàng và việc sáp nhập hai xã Bình Thạnh và Phước Lưu thành một đơn vị hành chính, với tên xã mới là Phước Bình.

Sau khi sáp nhập và điều chỉnh địa giới, một số loại giấy tờ có liên quan đến công dân sẽ phải chuyển đổi cho phù hợp với đơn vị hành chính mới. Trình tự, thủ tục, địa điểm thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ được xây dựng kế hoạch cụ thể để hướng dẫn, thực hiện nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích cho người dân. 

N.H

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục