Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thị xã Trảng Bàng: Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện
Thứ tư: 00:16 ngày 29/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân…

Trung tâm thị xã Trảng Bàng. (Ảnh: Hiểu Sinh)

Cùng với huyện Châu Thành, sáng 29.7, Đảng bộ thị xã Trảng Bàng tổ chức phiên trù bị Đại hội đại biểu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trảng Bàng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Phát huy truyền thống đó, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Trảng Bàng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, kinh tế - xã hội của Thị xã tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so nghị quyết. Năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ngày càng được khẳng định.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp ngày càng nâng cao. Từ một huyện với sản xuất nông nghiệp là chính, nay trở thành thị xã, công nghiệp, thương mại - dịch vụ phát triển ổn định và tăng trưởng khá, chất lượng sống của người dân được nâng cao.

Trong 5 năm, giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân hằng năm 2,21%. Huyện thực hiện tốt công tác chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, như dưa lưới, chuối xuất khẩu, hoa lan cắt cành, rau rừng.

Hiện Trảng Bàng có 21,3 ha dưa lưới trong nhà màng, hoa lan 90 ha, chuối 70 ha, rau rừng 8 ha, mít thái lá bàng 2,3 ha, dứa 41 ha, bắp giống 667 ha… Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 130,5 triệu đồng/ha/năm, tăng 24,28% so với năm 2015. Chăn nuôi có bước chuyển mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại; tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 26,31%, tăng 5,1% so với năm 2015.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 13,21%. Huyện thực hiện tốt công tác phối hợp với tỉnh để thu hút, kêu gọi đầu tư. Trên địa bàn Thị xã hiện có 3 khu công nghiệp và 1 khu chế xuất đang hoạt động, thu hút 250 dự án đầu tư.

Trong đó, có 202 dự án FDI và 48 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.219,66 triệu USD và 6.022,91 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động của địa phương. Ngoài ra, có 27 dự án ngoài các khu công nghiệp với ngành nghề dệt, may mặc, sản xuất sản phẩm từ da và từ cao su, nội thất bằng gỗ.

Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, trong nhiệm kỳ có 1.795 hộ kinh doanh thành lập mới, với tổng số vốn đầu tư là 302 tỷ 646 triệu đồng, luỹ kế đến nay có 8.219 hộ kinh doanh trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký là 907 tỷ 510 triệu đồng.

Huyện đã kết nối thành công, đưa đặc sản bánh canh Trảng Bàng vào khách sạn 5 sao Grand Sài Gòn để giới thiệu với người dân và du khách quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm rau rừng, muối tôm đưa vào bán tại hệ thống siêu thị của Satra, Big C...

Ông Trương Nhật Quang, Bí thư Thị uỷ Trảng Bàng chia sẻ, để đạt được những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ qua, cấp uỷ, chính quyền Thị xã đã đề ra và thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. Huyện huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Trảng Bàng được công nhận thị xã tháng 2.2020. Trảng Bàng giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh - thành phố lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của cả nước; thành phố Bình Dương - thành phố công nghiệp lớn khu vực Đông Nam bộ và Campuchia.

Bên cạnh đó, Trảng Bàng được tỉnh đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025; đầu tư các dự án lớn như đường 787, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh- Mộc Bài (đoạn qua Trảng Bàng). Cầu An Phước thông thương qua các xã cánh Tây. Khu công nghiệp Phước Đông- Bời Lời giai đoạn 3 đang triển khai toàn bộ trên địa bàn xã Đôn Thuận 933 ha.

Trảng Bàng phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở các khu, cụm cảng tổng hợp logistics tại xã Hưng Thuận… Huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế - nhất là cơ cấu, định hướng lại cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến công.

Đồng thời phát triển thương mại - dịch vụ tương xứng với tiềm năng, lợi thế; khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, trung tâm thương mại, du lịch sinh thái nghiên cứu quy hoạch và khuyến khích phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn cũng như có giải pháp khai thác phát triển kinh tế biên mậu.

Huyện tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã phát triển ổn định, hoạt động có hiệu quả; quy hoạch và hỗ trợ các làng nghề truyền thống phát triển.

Bí thư Thị uỷ Trảng Bàng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Trảng Bàng đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực; lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn và biết tận dụng thời cơ, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; đi sâu, sát cơ sở, gắn bó nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh.

Đồng thời phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của cấp uỷ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết ở ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hệ thống chính trị hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ổn định.

Trong nhiệm kỳ tới, thị xã Trảng Bàng chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng ổn định và bền vững; duy trì và nâng cao tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của giai đoạn trước, tiếp tục thu hút đầu tư; quan tâm phát triển về thương mại - dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch của Thị xã, gắn với chuỗi du lịch của tỉnh theo hướng khai thác du lịch điểm dừng chân, thưởng thức ẩm thực đặc sản, du lịch về nguồn.

Phấn đấu đến năm 2025, Trảng Bàng là đô thị phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Nhà máy điện năng lượng mặt trời KCN Thành Thành Công (ảnh: Hiểu Sinh)

Huyện sẽ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nhân dân; thực hiện tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đồng thời huy động linh hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư hoàn thiện về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, tập trung đầu tư kiến thiết xây dựng thị xã Trảng Bàng, phấn đấu đến năm 2025, Trảng Bàng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III, phấn đấu xây dựng đô thị Trảng Bàng theo hướng đô thị thông minh.

Ngô Mẫn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục