Xã hội   Xã hội

BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Thích ứng an toàn” để trở lại cuộc sống bình thường mới

Cập nhật ngày: 23/09/2021 - 09:26

BTNO - “Thích ứng an toàn” với dịch bệnh là việc từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, dịch vụ, giao thông đi lại... trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn và bảo đảm an toàn phòng dịch.

Để có thể triển khai các biện pháp thích ứng an toàn với dịch Covid-19 thì không thể nóng vội, chủ quan, duy ý chí mà phải dựa trên những căn cứ khoa học như tỷ lệ tiêm vaccine, năng lực y tế, diễn biến tình hình dịch bệnh, đồng thời phải nâng cao hơn nữa ý thức tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của người dân, bảo đảm "an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn".

Có thể nói rằng, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cũng như nhiều địa phương khác ở khu vực phía Nam, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh diễn ra hết sức nguy hiểm. Đến nay, Tây Ninh đã trải qua 4 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhờ chủ động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tập trung mọi nguồn lực trong phòng, chống dịch Covid-19 nên đã từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Để giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, sớm đưa các hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống người dân, tại cuộc họp chiều 13.9.2021, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND, Sở Chỉ huy, các cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị và từng thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục kiên trì thực hiện chiến lược, mô hình về phòng, chống dịch Covid-19 đang được triển khai.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện nhất quán, xuyên suốt, sâu rộng quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể; xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” nhằm tạo ra phong trào quần chúng mạnh mẽ, quyết tâm cùng với hệ thống chính trị thực hiện đạt “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, nhanh chóng kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, vừa triển khai thực hiện tốt phương án, kế hoạch khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống của người dân.

Tại cuộc họp này, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nguyễn Thành Tâm đã chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cần thực hiện ngay trong tình hình mới, trong đó có nhiệm vụ: Hãy lan toả thông điệp “thích ứng an toàn” để trở lại cuộc sống bình thường mới.

Theo đó, Tiểu ban Tuyên truyền đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng địa bàn dân cư và người dân kế hoạch tuyền thông chống dịch Covid-19, thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống “bình thường mới” và các quy định, hướng dẫn của ngành chuyên môn về các biện pháp phòng, chống dịch, góp phần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm ở từng cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh và từng người dân; khắc phục, không để tâm lý chủ quan, lơ là, tự mãn sau nới lỏng giãn cách, làm ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch.

 Để Tây Ninh “thích ứng an toàn” sớm trở lại cuộc sống “bình thường mới”, hãy lan toả nhiều thông điệp hiệu quả thông qua việc thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống dịch bệnh:

Công tác phòng, chống dịch đã và đang đi đúng hướng, phù hợp với diễn biến tình hình và điều kiện thực tế của tỉnh; các giải pháp đồng bộ về giãn cách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự được người dân đồng tình; đặc biệt với việc lấy xã, phường, thị trấn làm “pháo đài”, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, từ xa ngay tại xã, phường, thị trấn, công tác điều trị đã có những kết quả tích cực trong việc hạn chế các trường hợp tử vong.

Sau khi kết thúc các đợt giãn cách, để tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tiến tới mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, từng bước khôi phục kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh của địa phương sớm đưa cuộc sống trạng thái bình thường mới UBND tỉnh đã kịp thời điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với cấp độ nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Việc giãn cách xã hội để chuyển dần sang trạng thái “bình thường mới”; giãn cách xã hội là sự hy sinh, bởi vậy, việc giãn cách xã hội phải làm triệt để và trong thời gian ngắn, với phương châm “ai ở đâu thì ở yên đó” nhằm đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh; dứt khoát không để tình trạng giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, gây bức xúc xã hội.

Đừng xa lánh, kỳ thị người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong tỉnh đã được kiểm soát khả quan, công tác chăm sóc và điều trị cho các ca nhiễm ngày được nâng lên, số ca nhiễm khỏi bệnh ngày càng tăng. Các F0 khỏi bệnh là lực lượng có "tấm khiên miễn dịch”, họ có thể tham gia lao động, sản xuất cũng như hỗ trợ đắc lực, hiệu quả, thiết thực trong công tác phòng, chống dịch.

Bộ Y tế đã có lời kêu gọi những người mắc Covid-19 đã điều trị khỏi, cảm thấy đủ điều kiện sức khoẻ, đủ niềm tin và mong muốn chung tay góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch tích cực đăng ký tham gia chống dịch Covid-19 cùng ngành Y tế. Đồng thời, từ trải nghiệm của bản thân trong quá trình là bệnh nhân, các F0 đã khỏi bệnh có thể chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, động viên, tư vấn những người chung quanh biết cách tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, tăng cường sức khoẻ, phòng, tránh việc nhiễm bệnh… qua đó đóng góp thiết thực cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh của địa phương.

Các chuyên gia y tế cho rằng người an toàn nhất hiện nay đối với dịch Covid-19 là các trường hợp F0 được điều trị khỏi bệnh, họ hoàn toàn an toàn và đáng tin cậy đối với những người xung quanh. Tính đến nay, Tây Ninh có tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 xuất viện gần 6.000 trường hợp.

Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành Y tế của tỉnh đã tận tâm, tận lực chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân F0, hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều người khỏi bệnh xuất viện. Vì vậy, khi trở lại cuộc sống bình thường, mọi người dân không nên xa lánh, kỳ thị, sợ lây nhiễm bệnh Covid-19 từ người bị F0 khỏi bệnh; hãy tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà ngành chức năng và địa phương đề ra; quyết chung sức, đồng lòng giữ vững thành quả chống dịch của tỉnh nhà, sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Tập trung tuyên truyền và thực hiện tốt kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, không phân biệt loại vaccine, nhấn mạnh vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất; vận động người dân thực hiện xét nghiệm diện rộng để tách F0 ra khỏi cộng đồng; cập nhật đầy đủ dữ liệu tiến tới cấp thẻ xanh, thẻ vàng vaccine cho mọi người dân.

Tất cả các loại vaccine phòng Covid-19 được Bộ Y tế phê chuẩn lưu hành tại Việt Nam đều được kiểm định an toàn cho người sử dụng và hiệu quả cao trong việc đề phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2, giảm triệu chứng nặng của người bệnh khi mắc Covid-19.

Trong bối cảnh số lượng vaccine còn khan hiếm, người dân cần nhanh chóng tiêm vaccine khi đến lượt, không nên chần chừ và lựa chọn vaccine; tiêm vaccine sớm chừng nào sẽ tốt chừng đó. Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, điều quan trọng nhất là phải được tiêm vaccine chứ không phải là lựa chọn vaccine nào để tiêm, vì “vaccine tốt nhất là đã vaccine được cấp phép lưu hành và đến sớm nhất, kịp thời nhất”.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 là quyền lợi đối với bản thân, là trách nhiệm đối với cộng đồng, để cùng ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19. Con người còn có thể lựa chọn, phân biệt giữa các loại vaccine nhưng virus SARS-CoV-2 thì không chừa ai và không chờ ai. Hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt.

Qua việc tiêm chủng, mỗi chúng ta đóng góp cho cộng đồng để tạo nên miễn dịch cộng đồng. Khi đã đạt được độ bao phủ vaccine trong cộng đồng, người dân Tây Ninh sẽ sớm được trở lại cuộc sống bình thường, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được sản xuất ổn định trở lại, tiếp tục đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế.

Việc ứng dụng công nghệ phục vụ phòng chống dịch, kiểm soát dịch, kiểm soát cuộc sống trong khi chuyển trạng thái và phục vụ điều hành kinh tế xã hội sau dịch, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số không phải là giải pháp tạm thời để đối phó với dịch bệnh mà là giải pháp chiến lược, lâu dài.

Tây Ninh sẽ tiếp tục phát huy ứng dụng Tây Ninh Smart, 1022 Tây Ninh, cổng Zalo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tây Ninh, cổng Zalo 1022 Tây Ninh và cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, phục vụ mục đích tuyên truyền, phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin về phòng, chống Covid-19; hỗ trợ người lao động tự do khó khăn do dịch Covid-19; hỗ trợ đăng ký mua hàng thiết yếu trực tuyến; hỗ trợ người dân Tây Ninh ở TP. Hồ Chí Minh đăng ký về tỉnh; đăng ký tiêm chủng; quản lý người ra, vào tỉnh… trong công tác thông tin, tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh qua các ứng dụng công nghệ thông tin trong tình hình mới.

Phải tiếp tục có chính sách đưa người lao động ngoại tỉnh đang bị kẹt ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở về quê an toàn theo nguyện vọng và theo khả năng là vấn đề rất nóng và cấp thiết, trong bối cảnh giãn cách tiếp tục kéo dài.

Rất cần có sự chuẩn bị về chủ trương, cách làm và kế hoạch truyền thông cho vấn đề này. Hiện tại, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã cho chủ trương tổ chức đợt 2 đón người dân Tây Ninh từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương; giao Sở Chỉ huy triển khai, trên tinh thần làm từng bước, chặt chẽ; kiểm soát tốt việc đi lại và cách ly của người dân; nghiên cứu mở rộng việc tiếp nhận thông tin và tổ chức đón người dân đang làm việc tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… có mong muốn trở về địa phương.

Ngoài ra, để giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tiếp tục giữ vững thành quả công tác phòng, chống dịch, sớm đưa các hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ khác về an sinh xã hội; an ninh, trật tự phải bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; công tác giáo dục và đào tạo phải an toàn sức khoẻ, bảo đảm chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, kịp thời triển khai và hướng dẫn cho doanh nghiệp đủ điều kiện tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm…

Hãy thay đổi thói quen, nâng cao ý thức phòng dịch đối với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiếp tục sống chung với dịch bệnh. Đòi hỏi mỗi chúng ta phải điều chỉnh và giảm bớt nhiều hành vi sinh hoạt có “nguy cơ lây nhiễm cao” và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Nhìn lại 9 tháng qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát gần đây, các cấp uỷ, chính quyền của tỉnh Tây Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh sát sao, quyết liệt, huy động được sự ủng hộ, chia sẻ của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Mai Tuấn Kiệt