Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để thích ứng an toàn trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh, tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng là rất cấp thiết.
Cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch PC-Covid trên điện thoại thông minh.
Tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng, chống dịch trong bối cảnh “bình thường mới” như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại nơi công cộng, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc… Đó là cách ứng xử phù hợp khi dịch bệnh còn phức tạp để bảo đảm an toàn trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh.
Tăng tốc độ tiêm chủng
Để thích ứng an toàn trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh, tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng là rất cấp thiết. Đây cũng là một trong những niềm mong mỏi của đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị tới Đoàn ĐBQH tỉnh trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Giáo hữu Ngọc Hoả Thanh- Phó trưởng Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh cho biết: “Chúng tôi mong tỉnh quan tâm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho chức việc của tôn giáo Cao Đài- nhất là bộ phận tang tế sự để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch”.
Tương tự, cử tri huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Hoà Thành nêu nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục ngoại giao vaccine Covid-19, sớm cấp phép đưa vaccine phòng Covid-19 được sản xuất trong nước vào sử dụng nhằm chủ động nguồn vaccine tiêm chủng cho người dân.
Cử tri Trần Nghĩa Hiệp (xã Thái Bình, huyện Châu Thành) kiến nghị Nhà nước xã hội hoá, tiêm vaccine phòng Covid-19 có trả phí để đáp ứng nhu cầu của người dân- ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động, công nhân đủ điều kiện quay trở lại làm việc và sớm có vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.
Trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề vaccine phòng Covid-19, các ĐBQH cho biết Trung ương đã có các biện pháp tiếp cận đa dạng các loại vaccine, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch Covid-19. Việc cấp phép khẩn cấp vaccine sản xuất tại Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định để bảo đảm an toàn.
Đối với Tây Ninh, từ cuối tháng 10, số lượng vaccine được phân bổ về tỉnh nhiều, ngành Y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng tốc độ tiêm chủng lên mức cao nhất, đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Người dân trên địa bàn tỉnh làm thủ tục để tiêm vaccine phòng Covid-19.
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến ngày 20.10, toàn tỉnh đã tiêm được trên 1,1 triệu liều vaccine, trong đó mũi 1 gần 800.000 liều, mũi 2 trên 350.000 liều. Các địa phương kích hoạt tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn đạt công suất tiêm tối đa.
Để chấn chỉnh công tác tiêm chủng, mới đây, Sở Y tế có công văn đề nghị các địa phương rà soát tiêm chủng theo thứ tự và đúng đối tượng ưu tiên, bảo đảm kịp thời, an toàn, hiệu quả và miễn phí, nghiêm cấm việc thu tiền từ các tổ chức, đơn vị, cá nhân đến tiêm chủng bất kỳ hình thức nào. Sẽ không bỏ sót người dân nào đủ điều kiện tiêm, tạo điều kiện tiêm nhắc cho các trường hợp đã tiêm mũi 1 từ các địa phương khác trở về nơi cư trú.
“Bình thường mới”, đừng sống cũ
Luỹ kế đến 20.10, toàn tỉnh có trên 10.400 bệnh nhân Covid-19, trong đó, gần 9.000 bệnh nhân đã điều trị khỏi, xuất viện, hơn 1.200 bệnh nhân đang điều trị. Hiện nay xu hướng chung số ca được điều trị khỏi, xuất viện ngày càng tăng; các ổ dịch mới trong cộng đồng nhanh chóng được phong toả hẹp, truy vết, dập dịch; số lượng người dân, công nhân được tiêm vaccine phòng Covid-19 tăng nhanh theo ngày.
Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy dịch Covid-19 đang được kiểm soát và Tây Ninh sẵn sàng các điều kiện để đưa hoạt động đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh (SXKD) về trạng thái “bình thường mới”.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
Ngày 21.10, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP với quan điểm bảo đảm mục tiêu kép, sức khoẻ, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Trong công tác phòng, chống dịch, vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể để sản xuất kinh doanh an toàn, sinh hoạt an toàn.
Cài đặt ứng dụng phòng, chống dịch PC-Covid trên điện thoại thông minh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu, có thể bùng phát bất cứ khi nào với các biến chủng mới, bất cứ ai cũng có thể mắc Covid- ngay cả với những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Do đó, tuân thủ 5K - khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế và “Ứng dụng công nghệ thông tin” trong phòng, chống dịch là hai biện pháp được áp dụng ở cả 4 cấp độ dịch đối với tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp cũng như cá nhân.
Phương Thuý