BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiên đường mong manh

Cập nhật ngày: 19/02/2010 - 06:18

Cái tiệm uốn tóc nhỏ của cô bé nằm ngay góc đường, nép dưới sự che chở của cây me cổ thụ, xịch bên ngoài một chút là quán bánh canh, hủ tiếu nhỏ của mẹ cô, phía trước quán là mẹt bánh kẹp và thúng ổi. Đó là tất cả cuộc sống của mẹ con cô bé Đ.N.H, ngụ phường 4, Thị xã. Một cuộc sống bình dị mà có lúc tưởng đã vượt khỏi tầm tay!

Hỗ trợ vốn và xe đạp cho các nạn nhân trở về từ “thiên đường ảo mộng”.

"... Vào khoảng tháng 10 năm 2006, hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn, mẹ bệnh tim, chị bị bệnh động kinh sau khi bị tai nạn giao thông, bản thân tôi đang là công nhân, lương tháng 1,3 triệu đồng. Gần nhà có chị P hay la cà sang mua bánh kẹp của mẹ tôi, chị gợi ý mai mối cho tôi lấy chồng Singapore để có tiền giúp đỡ gia đình. Ban đầu, mẹ tôi rất sợ nên không đồng ý. Nhưng nhìn cảnh mẹ vừa nén cơn đau tim vừa tần tảo bán từng cái bánh kẹp, đổi lấy hai bữa cơm chay, còn chị hai thì thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh không tiền chạy chữa, tôi quyết định nghe theo những lời mật ngọt của chị P.

Chỉ sau hai tháng từ khi đưa chị P hai tấm hình, tôi đã có hộ chiếu, vé máy bay đi Singapore. Hành trang khi ra sân bay của tôi là 270.000 đồng tiền Việt Nam, ba bộ đồ và… món nợ hơn 20 triệu đồng (tiền nợ gia đình và nợ làm hồ sơ) nhưng viễn cảnh về “thiên đường” ở xứ lạ cộng thêm sự tự tin đầy nông nổi của một cô bé mới lớn đã khiến tôi mạnh dạn ra đi.

Nhưng không phải là Singapore. Ngồi máy bay chừng 15 phút, tôi đã phát giác ra mình đang trên đường tới Malaysia. Tôi vô cùng hoảng sợ nhưng không biết làm sao nên cũng đành nhắm mắt đưa chân. Tới Malaysia, tôi được một phụ nữ tên Nhung và chồng chị ta -gọi là papa đưa về nhà. Chị Nhung cho tôi điện thoại về nhà nhưng hăm doạ, không cho tôi nói thật, mà tôi cũng không muốn mẹ và gia đình lo lắng nên giấu chuyện mình bị lừa. Theo lời chị Nhung, chị sẽ mai mối cho tôi lấy chồng, biết đâu tôi sẽ gặp người tử tế và khá giả.

Nhưng một lần nữa, thiên đường lại sụp đổ. Chỉ sau hai tuần đến Malaysia, tôi được chọn làm vợ và được đưa đến sống cùng gia đình chồng. Đó là một gia đình nghèo, mẹ chồng thì khắt khe trong khi chồng tôi lại quá hiền lành, nhu nhược. Mỗi ngày, bắt đầu từ 4 giờ sáng, tôi phải thức dậy đi cạo mủ cao su với chồng, về nhà lại quần quật việc nhà cho đến hết ngày. Thất vọng nhưng tôi tự nhủ phải nhẫn nhục, chịu đựng. Tới ngày thứ 30 ở nhà chồng, tôi vẫn không đăng ký kết hôn được vì chưa có giấy độc thân. Hoá ra, chị P đã lừa tôi, dù đã nhận tiền nhưng chị ta không làm đầy đủ giấy tờ cho tôi.

Tặng quà cho một nạn nhân bị bán trở về

Gia đình chồng đồng ý cho tôi về nhà làm giấy tờ. Chị Nhung và papa bỏ tiền mua vé cho tôi về Việt Nam (với điều kiện tôi phải quay lại Malaysia để làm việc trả nợ, nếu không họ sẽ trả thù). Về Việt Nam tôi tìm chị P, yêu cầu chị ta làm lại giấy tờ để tôi sang Malaysia. Chạy tới chạy lui năm lần bảy lượt, nợ thêm không ít tiền, cuối cùng tôi cũng đã có giấy tờ để trở qua Malaysia làm giấy đăng ký kết hôn. Lúc này tôi đã quá ê chề, thất vọng nhưng không muốn làm cha mẹ, anh chị đau lòng nên tự an ủi -xem như mình lấy chồng bình thường vậy thôi.

Thế nhưng gia đình chồng tôi đang chuẩn bị cưới một cô gái Việt Nam khác! Họ trả tôi về nhà chị Nhung và papa. Tôi muốn về Việt Nam nhưng chị Nhung và papa không cho. Họ buộc tôi lấy chồng lần nữa, tôi không đồng ý nên bị nhốt và bị hành hạ tàn nhẫn. Tôi lén nghe được papa định bán tôi vào nhà chứa để lấy lại vốn. Tôi rất sợ hãi nên có ý định quyên sinh. Nhân có một chị quê ở Trà Vinh sắp bị trả về Việt Nam, tôi liền viết một lá thư nhờ chị đem về tìm cách gửi cho gia đình. Nhờ lá thư đó, gia đình tôi kêu cứu đến chính quyền địa phương và “kỳ tích” đã xuất hiện. Tôi được cứu thoát và đưa trở về Việt Nam.

Ngày trở về, ngồi trên máy bay, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Tới khi máy bay từ từ hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn thấy hai chữ Việt Nam và lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện, tim tôi như nhảy múa, nước mắt trào ra lúc nào không biết. Cảm giác như được sống lại lần nữa!"

Đó là câu chuyện của cô bé Đ.N.H, một trong hàng ngàn bi kịch lấy chồng ngoại thông qua môi giới bất hợp pháp của phụ nữ Việt Nam.

Trò chuyện với Đ.N.H

PV: Sau khi về nhà em làm gì?

- Em được Hội Phụ nữ và Sở Lao động - Thương binh & Xã hội giúp đỡ, hỗ trợ học nghề uốn tóc. Mẹ em vẫn bán bánh kẹp, buổi sáng bán thêm bánh canh, hủ tiếu. Hiện giờ cuộc sống của em và gia đình cũng ổn định. Em đang cố gắng vừa làm vừa học thêm để mở rộng tiệm. Hai năm qua em suy nghĩ nhiều, thật ra là không có thiên đường nào cả, chỉ có cuộc sống hiện tại và muốn có thiên đường thì chúng ta phải tự tạo ra bằng sức lao động của mình mà thôi. Mong rằng câu chuyện của em là bài học cho nhiều cô gái khác đang mộng lấy chồng nước ngoài để đổi đời!

PV: Năm mới, em có mong ước gì không?

- Em ước tiệm của em ăn nên làm ra. Mong mẹ em nhiều sức khoẻ. Em cũng mong chính quyền nên tuyên truyền nhiều hơn để các cô gái biết sự thật về chuyện lấy chồng nước ngoài, đó không phải là thiên đường để họ khỏi rơi vào bẫy của bọn cò mồi, môi giới. Em cũng mong chính quyền có cách xử lý những người như bà P., Nhung, papa… chuyên sống bằng nghề lừa gạt các cô gái trẻ.

LÊ DUY