Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thiền viện Đông Lai tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Khi còn là chùa cũ, Thiền viện Đông Lai có tên Đông Lai thiền viện.

Thiền viện Đông Lai tọa lạc tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Chùa cũ được xây dựng từ rất lâu đời vừa chật hẹp, không đủ chỗ cho phật tử khắp nơi đến cúng bái, vừa xuống cấp, nên sư trụ trì, Thượng tọa Thích Thiện Chí đã kêu gọi phật tử góp tiền xây chùa mới. Việc xây chùa mới kéo dài tới 4 năm vì thi công theo kiểu “cuốn chiếu” (có tiền tới đâu cho xây dựng tới đó). Thiền viện Đông Lai đã lạc thành vào ngày 13 tháng 3 âm lịch năm Quý Tỵ (nhằm ngày 22.4.2013).
Khi còn là chùa cũ, Thiền
viện Đông Lai có tên Đông Lai thiền viện. Bên phải trước cửa chùa có tượng Phật
Thích Ca trong tư thế nằm nghiêng, áp tay phải vào má, tượng dài 6m, nên tín đồ
gọi là chùa Phật Nằm.
Trong khi xây mới chánh điện, Thượng tọa Thích Thiện Chí
cho tu bổ lại tượng Phật nằm song song với xây dựng đài Quan Âm bên trái chánh
điện (diện tích 5,5mx7m), gồm tượng Đức Quan Âm, phía sau lưng tượng là hòn non
bộ lúc nào cũng róc rách dòng thác tuôn chảy.
Xây đài Quan Âm, Thượng tọa trụ trì muốn khách thập phương trước khi vào chùa, bái viếng Phổ Đà Quan Âm - một vị bồ tát luôn cứu giúp người gặp hoạn nạn, khó khăn.
|
Tiền điện Thiền viện Đông Lai. |
Thiền viện Đông Lai xây mới, bên ngoài vẫn theo phong cách kiến trúc chùa chiền Việt Nam, với ba lớp mái nhỏ dần, với những đầu đao truyền thống. Trước hàng hiên tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: “Hoằng pháp vi gia vụ/ Lợi sanh vi bổn hoài”. Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: “Đông độ Tây Thiên trụ đại pháp/ Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai”, tạm dịch nghĩa là: Tây Thiên là nơi đất Phật/ Người có duyên đến sẽ thoát được não phiền. Cặp đối này mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: “Đông” và “Lai”. Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai. Chánh điện sắp xếp khá hiện đại với bàn thờ Tam Thế Phật, gọn gàng, thếp vàng lộng lẫy, uy nghi. Dài hai tường chùa là phù điêu Thập Bát la hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật. Trần chùa cao thoáng.
Đặc biệt, việc xây mới, nới rộng khiến chùa thêm ngăn nắp, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhà vệ sinh tách biệt bên phải chánh điện, được lót gạch men bóng láng, có vòi nước, có bảng đề nghị để giày dép bên ngoài trước khi vào trong...
Từ năm 1999, khi Thượng tọa Thích Thiện Chí về trụ trì chùa, nhân kỷ niệm ngày sư ông cất chùa viên tịch, thượng tọa đã tổ chức đổ bánh xèo phục vụ miễn phí tín đồ. Từ đó đến nay, khách đến viếng chùa bất cứ lúc nào (từ 6 giờ sáng đến 7-8 giờ tối), bất kể ngày nào, cũng đều được thưởng thức món bánh xèo chay nóng hổi với dĩa rau xanh, thậm chí rau rừng tươi ngon. Chính vì vậy mà khách hành hương thường gọi chùa với tên chùa Bánh Xèo cho gần gũi, thân mật, bình dân như đức tánh của Thượng tọa Thích Thiện Chí.
Chùa có hai nơi sắp bàn đãi bánh xèo cho khách. Một nơi 20 bàn (200 ghế), nơi kia 10 bàn (100 ghế). Bàn ghế bằng inox sáng bóng, tinh tươm sạch sẽ. Chén đũa, ly cũng được giữ gìn vệ sinh để món bánh xèo đã ngon càng ngon hơn. Đặc biệt, vào các ngày rằm, mồng một âm lịch, chùa có phục vụ bánh tét chay cho khách thập phương, khoảng 800-900 đòn/ngày. Phần việc này do bà con phật tử cùng đến chùa gói.
Đáng quan tâm hơn, ngoài đổ bánh xèo, phục vụ bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Cơm chay với các món: chiên, xào, mặn, canh. Muốn thưởng thức cơm chay, khách phải đặt trước. Ngoài ra khách còn được phục vụ cà phê đá. Đâu đã hết, chùa rộng, nên khách hành hương còn được sắp xếp chỗ nghỉ qua đêm. Chính vì vậy mà khách hành hương viếng chùa ngày một đông.
Theo Báo Hậu Giang