Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lễ thượng cờ Lăng Bác nhiều năm qua đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của vùng đất Thủ đô, thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều người dân. Đây là một nghi lễ cấp quốc gia được Chính phủ phê duyệt vào ngày 19.5.2001, đúng dịp kỷ niệm 111 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các chiến sĩ chuẩn bị lễ thượng cờ.
Nghi lễ được thực hiện mỗi ngày bất kể thời tiết nắng, mưa hay lạnh giá vào lúc 6 giờ sáng mùa hè và 6 giờ 30 mùa đông tại quảng trường Ba Đình. Đặc biệt, lễ thượng cờ Lăng Bác còn thêm phần thiêng liêng, tự hào trong các dịp lễ lớn như 30.4, Quốc khánh 2.9 hay vào dịp sinh nhật Bác.
Hơn 20 năm qua, mỗi ngày, từ khoảng 5 giờ sáng, người dân Hà Nội thức sớm hay những du khách sẽ tập hợp trước Quảng trường Ba Đình để chờ tham dự lễ. Đã một vài lần đến Hà Nội nhưng đều vội vàng với lịch công tác, lần này, vào thứ hai trung tuần tháng 10, những người dân miền Nam chúng tôi quyết tâm tham dự lễ thượng cờ. Để được trải nghiệm cảm giác đứng chào cờ, hát Quốc ca giữa quảng trường Ba Đình lịch sử.
Tranh thủ rời khách sạn từ sáng sớm, chúng tôi đến quảng trường Ba Đình khi những tia nắng đầu ngày chưa ló dạng, những vạt cỏ xanh vẫn còn ướt đẫm sương. Dù là ngày thường, trước quảng trường đã có nhiều người đứng đợi. Họ là những công dân Thủ đô hay du khách phương xa, có rất nhiều bạn trẻ. Hoà trong đám đông đó, chúng tôi cũng nghe nhiều giọng nói miền Nam vang lên với vẻ đầy háo hức, đợi chờ.
5 giờ 50 phút, tiếng nói từ loa phát thanh vang lên: “Sắp đến giờ cử hành lễ chào cờ, đề nghị đồng bào trên khu vực quảng trường ngừng mọi hoạt động, đứng tại chỗ hướng về cột cờ để nghi lễ được thực hiện trang trọng”. Hai tiếng “đồng bào” đầy xúc động khi ta đứng giữa giây phút thiêng liêng trước quảng trường lịch sử, chờ đợi Quốc kỳ đỏ thắm tung bay chào một ngày mới. Sau lời nhắc nhở, mọi người đều chỉnh lại trang phục, đứng ngay ngắn, nghiêm trang nhìn về phía sân lễ.
Nghi thức lễ thượng cờ được thực hiện với đội hình 37 chiến sĩ Đoàn 275 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi giai điệu bài hát Tiến bước dưới Quân kỳ vang lên, đoàn nghi lễ khởi hành từ phía sau Lăng. Đi đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng. Kế đến là đội tiêu binh 34 người tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam). Đoàn đi một vòng đến chân cột cờ trong tiếng nhạc. Ba chiến sĩ đội Hồng kỳ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ.
Bạn trẻ chụp ảnh kỷ niệm trước Lăng Bác sau khi tham dự lễ thượng cờ.
Lúc này lăng Bác cũng mở cửa. Khi có hiệu lệnh chào cờ, giai điệu hào hùng của bài Quốc ca vang lên, một đồng chí trong đội Hồng kỳ thực hiện thả, tung lá cờ và cờ sẽ được kéo lên. Khi bài Quốc ca kết thúc, lá cờ được kéo lên đến đỉnh cột cờ cao 29 mét và tung bay trong bình minh nắng sớm trước Lăng Bác. Một ngày mới bắt đầu!
Sau lễ thượng cờ, đội tiêu binh sẽ diễu hành một vòng trước Lăng Bác rồi trở về vị trí cũ, kết thúc nghi lễ. Bên cạnh lễ thượng cờ thì vào 21 giờ mỗi ngày, nghi lễ hạ cờ cũng được đội tiêu binh thực hiện với nghi thức trang trọng. Hai thời điểm thượng cờ và hạ cờ người dân đều có thể đến tham dự.
Tuy với khoảng thời gian ít ỏi, nhưng với chúng tôi, những người con miền Nam được tham dự lễ thượng cờ Lăng Bác sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ khi đến Thủ đô. Bởi được nghe và hát Quốc ca với không khí hào hùng, thiêng liêng tại quảng trường Ba Đình lịch sử sẽ là một ký ức khó quên với mỗi người dân Việt. Qua đó, để thêm yêu hơn từng tất đất quê hương mình, quý trọng thêm những đóng góp của tiền nhân.
Những ngày này, có dịp bạn hãy đến Hà Nội cùng thưởng thức “đặc sản” mùa thu với nồng nàn hương cốm, hoa sữa; dạo quanh những phố phường xinh đẹp, tham quan các di tích là minh chứng cho lịch sử ngàn năm văn hiến. Và khi đến Hà Nội, cũng đừng quên dành chút thời gian buổi sớm mai tham dự lễ thượng cờ Lăng Bác đầy thiêng liêng, bạn nhé!
Vi Xuân