Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiêng như 'Đền tình yêu'

Cập nhật ngày: 05/09/2011 - 11:15

Đền “tình yêu” cách Hà Nội khoảng 25 km, theo đường đê sông Hồng. Đền thờ đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, thuộc địa phận thôn Đa Hoà (xã Bình Minh, Văn Giang, Hưng Yên).

Đền Đa Hoà nằm ven sông nhìn thẳng ra bãi tự nhiên. Du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp bình yên của rặng tre xanh rợp mát, dải phù xa cát trắng chạy tít tắp… Dọc đường vào là hàng cây cổ thụ trầm ngâm trong khung cảnh khói hương bảng lảng.

Đền chính thờ vị thánh trong tứ bất tử của Việt Nam, được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa năm 1962. Ngôi đền nằm trên khu đất cao rộng, bằng phẳng. Tổng thể kiến trúc đền có 18 ngôi nhà mái ngói cổ như 18 con thuyền, tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.

Hiện nay đền còn bảo tồn được nhiều di vật quý hiếm, trong đó có đôi lọ Bách Thọ (một trăm chữ thọ không chữ nào giống chữ nào, khắc trên thành lọ bằng gốm), một cổ vật vô giá của dân tộc, đánh dấu sự khéo léo, tinh tế của cha ông.

Cứ 3 năm một lần người dân tổng Mễ lại mở hội từ ngày 10 – 15 tháng 2 âm lịch gọi là hội Kỳ Yên (Tức hội cầu mát). Người ta dùng đôi lọ Bách Thọ để gánh nước sông Hồng và rước. Lễ hội tập hợp đủ đoàn rước của 9 thôn huyện Văn Giang và Khoái Châu. Đoàn rước dài hơn 1 km.

Chử Đồng Tử tức Chử Đạo Tổ là vị thánh tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, sự sung túc giàu có. Ông từ trông đền cho biết: đền mở cửa quanh năm khách thập phương đến đây mỗi người một tâm trạng riêng. Người vì nghèo khổ đến cầu xin bớt cảnh cơ hàn; người hiếm muộn cầu con; sĩ tử cầu đỗ đạt; người đến vì muốn tìm sự yên bình, khám phá vẻ đẹp của ngôi đền thơ mộng… Nhiều nhất vẫn là những đôi lứa yêu nhau muốn tìm sự vĩnh cửu cho tình yêu.

Có điều lạ mà người dân quanh vùng kể: nhiều người quanh vùng gặp chuyện buồn trong mối quan hệ vợ chồng, thường sắm lễ dâng lên đức thánh Chử và nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa và Sa Bà công chúa. Đức thánh linh thiêng thương đôi vợ chồng đứng trước bờ vực thẳm hôn nhân nên mọi ưu phiền đều được hóa giải. Người dân nơi đây gọi đền Đa Hoà bằng cái tên thân thương: đền "tình yêu".

K.D (st)