Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiết bị dạy học: Thiếu, thừa và lãng phí

Cập nhật ngày: 24/05/2012 - 04:43

Để có cơ sở đánh giá về tình hình đầu tư và hiệu quả sử dụng thiết bị giáo dục trên địa bàn, vừa qua, Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh lần lượt đến làm việc tại một số đơn vị trường học từ bậc mầm non đến trung học phổ thông ở một số huyện, thị và Sở GD-ĐT. Cùng đi với đoàn, phóng viên Báo Tây Ninh đã ghi nhận được nhiều điều đáng suy nghĩ.

Theo ghi nhận, tại các địa phương mà đoàn đã tới như: Tân Châu, Hoà Thành, Thị xã, Gò Dầu, đại diện các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông đều có chung nhận xét: Các thiết bị dạy học được đầu tư cho các trường trong thời gian qua đã giúp cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học một cách có hiệu quả, tạo điều kiện cho học sinh làm quen với các thí nghiệm- thực hiện học đi đôi với hành, qua đó tạo được sự hứng thú trong học tập cho các em. Nhờ có thiết bị dạy học, học sinh được “mắt thấy tai nghe” nên bài giảng của giáo viên thuyết phục hơn.

Riêng ở bậc mầm non, hầu hết đồ dùng dạy học của giáo viên, đồ chơi cho trẻ đều được làm bằng gỗ nên nhẹ nhàng, dễ sử dụng, thân thiện môi trường. Theo ông Huỳnh Tấn Nghiêm- Phó trưởng Phòng GD- ĐT Gò Dầu: Tất cả các trường trên địa bàn huyện Gò Dầu thực hiện đủ các bài dạy có phần thí nghiệm theo đúng chương trình của Bộ GD-ĐT. Bên cạnh những đồ dùng được cấp, giáo viên còn tham gia phong trào tự làm đồ dùng dạy học.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng nhận định rằng: Việc đầu tư thiết bị dạy học góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp giáo viên tiết kiệm được nhiều sức lực. Cũng nhờ có công nghệ thông tin, sự tương tác giữa người dạy và người học ngày càng cao hơn, qua đó từng bước hạn chế và đẩy lùi tình trạng thầy đọc trò chép, giáo viên chỉ làm việc “một chiều” trên lớp.

Đoàn khảo sát đang “làm thí nghiệm” với lực kế (môn Vật lý). Kết quả: 3 lần làm thí nghiệm cho ra 3 kết quả khác nhau!

Bên cạnh những đóng góp tích cực, thực tế về tình hình đầu tư và sử dụng thiết bị dạy học cũng đang bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại đối với những ai quân tâm đến ngành Giáo dục.

Theo ông Nguyễn Văn Chính- Hiệu trưởng Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Hoà Thành) chất lượng đồ dùng dạy học ở các môn khoa học tự nhiên không cao, không bảo đảm độ chính xác. Có những loại thiết bị chưa sử dụng lần nào đã hư. “Có những thiết bị dạy học làm nản lòng giáo viên, giáo viên chỉ giới thiệu suông mà không dám cho học sinh thực hành, ví dụ như cái lực kế chẳng hạn” - ông Chính nói. Trường Mạc Đĩnh Chi có tất cả 7 cái máy chiếu nhưng hiện chỉ còn duy nhất một cái hoạt động được. Cũng cần nói thêm, máy chiếu là loại thiết bị đắt tiền (phải hơn vài chục triệu một chiếc). Trên máy, nhà sản xuất có ghi tuổi thọ tối đa của máy khoảng từ 3.000 đến 4.000 giờ nhưng chỉ sử dụng được chừng hơn 2.000 giờ là không dùng được nữa, vì hình ảnh quá mờ. Nhà trường muốn đem đi sửa để dùng lại nhưng chi phí sửa chữa lại… xấp xỉ tiền mua máy mới.

Cũng bàn về chất lượng thiết bị, ông Huỳnh Tấn Nghiêm- Phó trưởng Phòng GD-ĐT Gò Dầu cho biết: Hầu hết các loại đèn chiếu được cấp đã hết hạn sử dụng, dụng cụ thí nghiệm rất dễ bị hỏng. Một số đồ dùng khác như: Que tính, vật mẫu, băng hình, băng nhạc, tranh ảnh bằng giấy sau một thời gian sử dụng đã hết “đát”. Các thiết bị được làm bằng chất nhựa như: bóng, dây nhảy của môn Thể dục cũng mau hư. Theo bà Võ Thị Tuyết Nhung- Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hưng (Tân Châu): Những thiết bị được cấp từ những năm 2003 - 2005, nay đã hư hỏng hơn một nửa nhưng vẫn chưa được thay thế nên giáo viên có phần khó khăn khi làm thí nghiệm trong giờ thực hành.

Qua giải thích của một số vị trong ngành Giáo dục, một trong những nguyên nhân cơ bản nhất khiến nhiều thiết bị dạy học không bảo đảm chất lượng là do… toàn bộ những gì liên quan đến giáo dục đều do Bộ chủ quản và các công ty của Bộ “bao trọn gói”: Xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, sản xuất thiết bị dạy học… Các địa phương bắt buộc phải mua từ một nguồn này dù biết là có những mặt hàng không đạt yêu cầu!

Năm học 2010 – 2011, kinh phí mua sắm thiết bị dạy học là hơn 12 tỷ đồng. Năm học 2011 – 2012, số tiền dùng để mua thiết bị dạy học hết hơn 31 tỷ đồng. Mức đầu tư này, theo lãnh đạo Sở GD- ĐT là quá thấp.

Ngoài chất lượng thiết bị, một trong những vấn đề “nổi cộm” khác là tình trạng thiếu cả con người lẫn thiết bị dạy học và cơ sở vật chất. Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hưng cho biết: Do thiết bị được cấp chưa đủ nên nhà trường gặp khó khăn khi xếp thời khoá biểu các lớp học cùng một khối, cùng một giờ. Tương tự, ở Trường mầm non Thạnh Đức (Gò Dầu) hơn 300 học sinh nhưng chỉ có 20 cái vòng để tập thể dục (theo quy định mỗi cháu phải có một cái). Lý giải về tình trạng này, theo ông Nguyễn Thành Kỉnh- Phó giám đốc Sở GD-ĐT, đó là do kinh phí dành cho đầu tư mua sắm thiết bị dạy học còn hạn chế.

Hiện nay gần như 100% cán bộ làm công tác thiết bị chỉ hoạt động kiêm nhiệm, tức là vừa dạy học vừa làm công tác thiết bị, rất hiếm trường hợp chuyên trách thiết bị. Điều này bắt nguồn từ thực trạng từ trước đến nay hệ thống trường sư phạm chưa hề đào tạo giáo viên chuyên quản lý và sử dụng thiết bị dạy học.

Việc thiếu phòng học chức năng, phòng học bộ môn cũng là một vấn đề. Trong số các trường được khảo sát vừa qua, chỉ trừ Trường THPT Tây Ninh, các trường còn lại đều thiếu phòng dành cho các hoạt động thực hành, thí nghiệm. Có trường phải ghép chung thư viện với thiết bị khiến cho không gian trở nên vô cùng chật hẹp. Trường THCS Mạc Đĩnh Chi chẳng hạn, toàn bộ thiết bị dạy học và nơi nghỉ ngơi của giáo viên được “gói ghém” trong hai phòng với diện tích 88 mét vuông. Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha mang danh là trường chuẩn quốc gia nhưng chẳng có phòng chức năng, phòng học bộ môn nào ngoài phòng thí nghiệm vừa chật chội vừa cũ kỹ. Do không có phòng học bộ môn nên thiết bị dạy học dành cho một số môn phải “đắp mền” trong phòng thư viện. Ở Trường THPT Ngô Gia Tự (Gò Dầu) cũng vì thiếu phòng học bộ môn nên khi đến tiết thực hành, giáo viên chỉ có thể làm thao tác mô phỏng.

Từ sự đầu tư không đồng bộ như kể trên đã dẫn đến sự lãng phí không nhỏ: Rất nhiều thiết bị dạy học được cấp đã 4 - 5 năm nhưng chưa một lần được sử dụng. Cũng liên quan đến việc đầu tư thiết bị, năm học 2011 - 2012 vừa qua, Trường tiểu học thị trấn Hoà Thành đã thu 150.000 đồng/học sinh ở các khối 3, 4 và 5 để… thuê máy vi tính cho các em học. Ông Nguyễn Thành Tuân- Trưởng đoàn khảo sát đã bày tỏ sự không đồng tình với cách làm này.

VIỆT ĐÔNG

 

 


Liên kết hữu ích