BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiếu dung dịch cao phân tử điều trị sốt xuất huyết 

Cập nhật ngày: 17/07/2022 - 23:52

BTN - Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang tăng mạnh trên địa bàn tỉnh nhưng các cơ sở khám, chữa bệnh lại gặp khó khăn vì thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết.

Điều trị ca sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.

Điểm nóng về sốt xuất huyết

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Tây Ninh là tỉnh đứng thứ 6 về số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) và đứng thứ nhất về số tỷ lệ ca mắc/10.000 dân tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. 28 tuần đầu tiên năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 5.087 ca SXH, trong đó có 9 ca chuyển nặng, ghi nhận 5 ca tử vong (huyện Gò Dầu: 2 ca, TP. Tây Ninh 1 ca, huyện Tân Châu 1 ca và huyện Bến Cầu 1 ca). Một số địa phương có số ca mắc cao như thị xã Trảng Bàng, thành phố Tây Ninh, tiếp đó là các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu....

Dự báo, số ca SXH tiếp tục tăng vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết có thể xảy ra nếu không kiểm soát tốt.

Trước tình trạng ca mắc SXH ngày càng cao, ca chuyển nặng được tính theo cơ số, các cơ ở y tế lại đang gặp khó khăn về thuốc điều trị, trong đó có dung dịch cao phân tử điều trị SXH cho bệnh nhân nặng. Hiện tại, tỉnh Tây Ninh không thể mua được dịch cao phân tử vì không có hàng, đây là khó khăn lớn nhất trong điều trị bệnh nhân SXH nặng. Giải pháp tạm thời, ngành Y tế chuyển lên bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh đối với ca diễn tiến nặng, quá khả năng hoặc thay thế dung dịch cao phân tử khác, tuy nhiên, hiệu quả điều trị không tối ưu.

Vì sao thiếu dịch cao phân tử?

Báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh (BVĐK), trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị tiếp nhận điều trị nội trú 701 ca SXH và 298 ca điều trị ngoại trú. Trong đó, có 55 ca đang theo dõi, 83 ca SXH có dấu hiệu cảnh báo, 33 ca SXH diễn tiến nặng, 1 ca tử vong. Việc điều trị các ca SXH nặng cần dùng các dịch truyền cao phân tử như Dextran 40, Dextran 70, HES 200.000 dalton, nhưng vẫn chưa tìm được nguồn cung cấp, tình trạng này đã diễn ra từ tháng 5.2022.

Để giải quyết, bệnh viện phải tạm thời sử dụng dung dịch HES 130.000 dalton 6% hoặc Gelatin succinylated 4% thay thế trong trường hợp có chỉ định sử dụng dịch truyền cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH.

Một lãnh đạo BVĐK cho biết, dịch cao phân tử HES 200.000 daltol là thuốc đặc hiệu trong điều trị SXH, hiện dịch này đã ngừng sản xuất trên thế giới do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, dịch truyền Dextran không phải là mặt hàng có sẵn nên ngày càng hiếm trên thị trường.

Hiện tại, bệnh viện đề xuất mua sắm mặt hàng HES 6% 500ml phục vụ nhu cầu điều trị trong quý II, quý III năm 2022, đồng thời thống nhất sử dụng Gelatin 4% thay thế HES 6% theo hướng dẫn của Sở Y tế, tuy nhiên, số tồn kho thuốc Gelatin 4% tại bệnh viện chỉ còn 71 chai. Căn cứ vào số lượng tồn kho, bệnh viện mua Tetraspan 6% solution for infusion (HES 130.000 dalton 6%) theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị tại bệnh viện.

Hồng Thắm