Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bậc học Mầm non:
Thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển người tốt nghiệp trung cấp sư phạm
Thứ tư: 09:35 ngày 07/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bậc học mầm non đang thiếu giáo viên, tuy nhiên, nhiều sinh viên sư phạm mầm non đã tốt nghiệp lại đang thất nghiệp hoặc làm những công việc không liên quan đến chuyên môn được đào tạo.

Một tiết học ở Trường mầm non Sao Mai, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành. Ảnh: Tố Tuấn

Sau hai năm theo học trung cấp sư phạm mầm non, chị G (ngụ huyện Dương Minh Châu) cùng hàng chục bạn bè chung lớp không tìm được việc làm. Hiện chị G làm nhân viên cho một công ty tư nhân, lương tháng 4 triệu đồng. Trước khi năm học 2020-2021 bắt đầu, chị G có liên hệ với một phòng Giáo dục để nộp hồ sơ ứng tuyển nhưng bị từ chối, dù địa phương này đang thiếu giáo viên mầm non. Cơ quan tuyển dụng cho biết, theo quy định mới, bằng cấp của chị G không đủ chuẩn, do đó không thể tuyển dụng.

Tại huyện Gò Dầu, để bổ sung giáo viên cho bậc học này, Phòng Giáo dục và Ðào tạo ra thông báo tuyển dụng với số lượng gần 30 chỉ tiêu. Hết thời hạn, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nhận được 15 hồ sơ dự tuyển, sau đó có một trường hợp rút hồ sơ. Trong số 14 ứng viên còn lại, có 8 người tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non.

Theo quy định, các địa phương sau khi lập kế hoạch tuyển dụng phải nộp hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xem xét về tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp. Kết quả, trong số 14 ứng viên nêu trên, 8 người không được tuyển dụng vì không đủ chuẩn văn bằng theo quy định.

Tương tự, tại huyện Tân Châu, địa phương này ra thông báo tuyển dụng giáo viên mầm non nhưng số hồ sơ nhận được rất ít. Ðể bù đắp số giáo viên đang thiếu, ngành Giáo dục huyện ra thông báo nhận hồ sơ của sinh viên sư phạm mầm non (người ngoài tỉnh), nhưng cũng không tuyển được.

Vậy quy định mới là quy định nào, vì sao ngành đang thiếu giáo viên mầm non nhưng không thể tuyển? Sự bất cập nêu trên xuất hiện kể từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Ðiều 72 của luật này quy định trình độ chuẩn (văn bằng) được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”. Ðiều 72 cũng quy định: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Ðiều này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Ðiều này”.

Như vậy, dễ dàng nhận thấy, nguyên nhân chính các địa phương gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên mầm non là do Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo viên bậc học mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên.

Ðiều này có nghĩa, sinh viên ngành học mầm non nếu chỉ có bằng trung cấp sư phạm thì không được tuyển dụng. Một vị quản lý có nhiều kinh nghiệm trong ngành Giáo dục tỉnh nhà nhìn nhận, luật có hiệu lực thì phải tuân thủ nhưng thực tế cho thấy không phải không có những bất hợp lý.

“Luật quy định như vậy nhưng tôi thấy, đối với bậc học mầm non, người có bằng trung cấp sư phạm vẫn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ, vì bậc học này phần lớn là chăm sóc, nuôi dưỡng. Về chuyên môn, điều này không phải không quan trọng nhưng bậc học mầm non chưa đặt nặng vấn đề này”- vị cán bộ bình luận.

Ðiều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 có ghi: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...”, điều này cần hiểu rằng, lộ trình nâng chuẩn ở đây là dành cho những giáo viên đang công tác trong ngành nhưng chưa đủ chuẩn văn bằng sẽ được tạo điều kiện học nâng chuẩn, chứ không phải dành cho sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp.

Quy định như trên là đúng nhưng thật ra chưa đủ. Nhiều cán bộ quản lý và cả các cơ sở đào tạo giáo viên đã chỉ ra, đáng lý cần quy định lộ trình vẫn tiếp tục thực hiện tuyển dụng sinh viên trung cấp sư phạm mầm non trong một giai đoạn nhất định.

Làm như vậy, vừa không lãng phí nguồn nhân lực đã đào tạo lại vừa giúp cho cơ quan tuyển dụng tuyển đủ số giáo viên mầm non cho bậc học này. Thực tế cho thấy, Luật Giáo dục ban hành năm 2019 và có hiệu lực tháng 7.2020, trong thời gian này, nhiều cơ sở đang đào tạo sinh viên trung cấp sư phạm mầm non. Khi khoá học kết thúc cũng là lúc luật có hiệu lực nên những trường hợp này không đáp ứng được yêu cầu về văn bằng.

Từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực đến nay, Chính phủ mới chỉ ban hành một nghị định để hướng dẫn thi hành, nhưng nghị định này không đề cập đến lộ trình nâng chuẩn, không quy định một giai đoạn chuyển tiếp để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non.

Mới đây, UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non; tăng cường năng lực quản trị nhà trường, đổi mới cơ chế quản lý cơ sở giáo dục mầm non gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non; từng bước tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu chăm sóc giáo dục trẻ; tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Ngành Giáo dục phối hợp với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền nhằm thu hút giáo viên trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện theo yêu cầu cho việc giảng dạy; chủ động phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên mầm non đối với địa phương chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Trước mắt, trong khi chờ thực hiện quy trình, thủ tục tuyển dụng, cho phép các đơn vị ký kết hợp đồng tạm thời để giáo viên an tâm công tác. Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch hợp đồng giáo viên mầm non cũng như chỉ tiêu hợp đồng cụ thể của từng trường để giáo viên đăng ký hợp đồng giảng dạy tại các đơn vị.

Tham mưu UBND tỉnh có chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, chính sách đối với học sinh mầm non, giáo viên mầm non theo Nghị định số 105/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Việt Ðông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục