Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thiếu hụt nguồn nhân lực: Chuyện còn dài…
Thứ hai: 05:30 ngày 26/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Câu chuyện thiếu nhân lực tại Tây Ninh là vấn đề được nhiều người dân quan tâm trong thời gian qua. Trong đó, bài toán về nhân lực của ngành giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp đã được đặt ra trong suốt nhiều năm liền, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Giáo dục mầm non còn thiếu khá nhiều.

Nhân lực vừa thừa, vừa thiếu

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của TP. Hồ Chí Minh với định hướng: phát triển theo hướng đón đầu quá trình chuyển dịch công nghiệp từ các địa phương khác, đồng thời khai thác lợi thế các khu kinh tế cửa khẩu, mở rộng hoạt động kinh tế, thương mại với Campuchia. Xây dựng các điểm, khu dân cư biên giới gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của các ngành kinh tế, Tây Ninh đã có nhiều chính sách, trong đó có chính sách thu hút nhân tài, đào tạo nhân lực khá bài bản để góp phần thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh chưa đủ mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, giáo viên. Việc thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao còn thấp; chưa thu hút được người có tài năng, chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị...

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh thu hút được 59 trường hợp vào làm việc ở cơ quan, đơn vị. Trong đó, 33 trường hợp là bác sĩ, 26 trường hợp thuộc các ngành khác. Tuy nhiên, có 13 trường hợp được hưởng chính sách thu hút đã thôi việc vì cho rằng môi trường làm việc khó phát triển chuyên môn, thu nhập thì lại luôn ở mức rất “khiêm tốn”.

L.T.L.D tốt nghiệp loại giỏi ngành tài chính ngân hàng của Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, đã không trụ được với mức lương chưa tròn 5 triệu đồng/tháng. Nghỉ biên chế, bỏ công việc tương đối ổn định, D ra ngoài làm việc bằng ngành nghề mình đã được đào tạo với mức lương cao gấp nhiều lần. Tốt nghiệp sư phạm mầm non, T.H nhận việc tại một trường mầm non trong tỉnh. Tuy nhiên, áp lực công việc lớn, trong khi chế độ đãi ngộ, mức lương thấp, H xin nghỉ việc và cũng đã có cơ hội phát triển nghề nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Ông Lê Long Giang- Phó Giám đốc Sở Nội vụ thẳng thắn nhìn nhận, chính sách thu hút của Tây Ninh không bằng với các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, môi trường, điều kiện làm việc cũng là một trong những nguyên nhân khó thu hút nhân tài, kể cả học sinh của Tây Ninh tốt nghiệp loại giỏi cũng chọn làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh vì điều kiện làm việc tốt hơn.

“Trong giai đoạn 2015-2021 theo quy định của pháp luật về công tác tuyển dụng vào phục vụ trong nhà nước cũng còn nhiều ràng buộc, những trường hợp thu hút nhân tài không được đặc cách, không được xét tuyển mà cũng phải trải qua kỳ thi tuyển công chức, cạnh tranh công bằng, công khai. Trong 26 trường hợp thu hút về thì có 4 em thi công chức chưa đạt, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc thu hút nhân tài còn khó khăn”- ông Giang cho biết thêm.

Nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế cho biết, theo kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp y tế năm 2022, đã có 155 hồ sơ đủ điều kiện tham dự thi vòng 1, 22 hồ sơ đủ điều kiện dự sát hạch phỏng vấn vòng 2. Dự kiến các nhân sự đủ điều kiện sẽ đi làm vào đầu năm 2023. 

Nhiều năm vẫn thiếu

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách ưu đãi, thu hút. Thế nhưng, thực tế cho thấy hiệu quả thực hiện chính sách chưa cao. Đơn cử như đầu năm học 2022-2023, ngành Giáo dục thiếu 1.190 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non thiếu 529 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 191 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 265 giáo viên, trung học phổ thông thiếu 205 giáo viên.

Huyện Tân Biên là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong việc tuyển dụng giáo viên. Cụ thể, năm học 2022-2023, Tân Biên thiếu 145 giáo viên; trong đó bậc mầm non thiếu 69 giáo viên, tiểu học thiếu 39 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 25 giáo viên.

Bà Nguyễn Thị Thu Yên, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tân Biên cho biết: Việc thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các cấp học, tất cả bộ môn, khiến ngành Giáo dục gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí giáo viên dạy những lớp 2 buổi/ngày và huy động trẻ mầm non từ 0 đến 2 tuổi ra lớp.

Đối với ngành Y tế, giai đoạn 2016-2021, tỉnh cử đi học 748 trường hợp, với kinh phí đào tạo khoảng 23 tỷ đồng; hỗ trợ hằng tháng đối với 490 bác sĩ, nhân viên y tế, kinh phí hơn 95 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay tỉnh vẫn thiếu hụt nhân lực ngành Y tế, nhất là thiếu điều dưỡng và bác sĩ chuyên ngành.

Về chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài, đã có 470 cán bộ công chức, viên chức được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 29 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, chính sách tỉnh ban hành trong giai đoạn 2016-2021 là không ít, kinh phí hỗ trợ cũng không hề nhỏ và đã khắc phục được phần nào tình trạng thiếu nhân lực. Mặc dù vậy, các chính sách này vẫn chưa đủ để hấp dẫn nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo thống kê, trên 20.000 cán bộ của tỉnh thì chỉ có 8 tiến sĩ và hơn 1.000 thạc sĩ. Tổng số cán bộ công chức, viên chức của tỉnh từ năm 2015 đến năm 2021 giảm 2.337 người. Ngành Giáo dục và Y tế vẫn là 2 ngành thiếu hụt nhân lực nhiều nhất. 

Cần có biện pháp căn cơ

Vừa qua, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết về chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ công chức, viên chức, nhân viên ngành Y tế tỉnh Tây Ninh.

Nghị quyết được kỳ vọng mang đến hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị; có chế độ hỗ trợ viên chức, nhân viên ngành Y tế, nhằm động viên các đối tượng này yên tâm công tác tại các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Trương Văn Hùng- Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Tôi thấy chính sách này rất kịp thời, hy vọng khi chính sách được triển khai sẽ bảo đảm được mức lương của viên chức, nhân viên ngành Y tế”. Ông Lê Long Giang- Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng kỳ vọng với những thay đổi trong chính sách mới sẽ thu được đội ngũ nhân tài về phục vụ tại Tây Ninh.

Thu hút nhân tài và sử dụng nhân tài không phải là chuyện mới nhưng vẫn mãi là câu chuyện chưa có hồi kết. Để giải bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế, chính sách phù hợp, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống; bảo đảm điều kiện về vật chất, môi trường làm việc, cơ hội phát triển; có chế độ đãi ngộ phù hợp với những đối tượng có năng lực và thành tích tốt.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh