Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hoạt động Đoàn Luật sư hiện còn gặp nhiều khó khăn như: chưa có trụ sở làm việc, một số luật sư không có việc làm, trong khi luật sư tư vấn về lĩnh vực kinh tế, thương mại hầu như không có, hoặc có nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

![]() |
Ông Lâm Tấn Đông- Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi khảo sát. |
Trong cuộc khảo sát hoạt động của Đoàn Luật sư Tây Ninh do Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiến hành hôm 16.10, luật sư Nguyễn Văn Re, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh cho biết, hiện nay tổng số luật sư thành viên của Đoàn là 29 vị, với 24 Văn phòng, 1 Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư đặt tại địa phương và 2 Phòng giao dịch. Tây Ninh chưa có Công ty Luật và không có luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Số lượng luật sư như hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu trợ giúp pháp lý của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong tỉnh.
Từ đầu năm đến 1.10.2009, các luật sư trong Đoàn đã bào chữa 125 vụ án hình sự, trong đó bào chữa theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng là 58 vụ; và tham gia bảo vệ 134 vụ dân sự, góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong năm, Đoàn Luật sư cũng quan tâm tổ chức và tạo điều kiện cho các luật sư tham gia học tập các lớp bồi dưỡng về chính trị - tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp để thực hiện giám sát hoạt động các văn phòng luật sư và luật sư, kết nạp luật sư...
Tuy nhiên hoạt động Đoàn Luật sư hiện còn gặp nhiều khó khăn như: Đoàn Luật sư chưa có trụ sở làm việc; một số luật sư không có việc làm, trong khi luật sư tư vấn về lĩnh vực kinh tế, thương mại hầu như không có, hoặc có nhưng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu (chưa nghiên cứu sâu về kinh tế và ngoại ngữ nên cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu hội nhập); công tác quản lý luật sư còn khó khăn do luật sư hoạt động linh hoạt không chỉ trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật cũng có những điểm chưa phù hợp khiến cho hoạt động của các luật sư rất hạn chế. Cụ thể như: Điều 57, 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định bị can, bị cáo có quyền nhờ luật sư ngay từ khi bị tạm giam, quy định này thiếu khả thi vì… khi đang bị tạm giam, bị can, bị cáo làm sao có thể gặp được luật sư (?!) nhưng nếu gia đình bị can, bị cáo nhờ luật sư thì cơ quan điều tra không chấp nhận vì chưa đúng quy định của pháp luật. Vì vậy luật sư khó có thể tiếp cận vụ án ngay từ ban đầu. Hay như Điều 64 Luật Tố tụng Dân sự quy định: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm nếu toà án xét thấy cần thiết…”. Điều này quy định thẩm quyền của toà án quá rộng dễ dẫn đến lạm quyền, thiếu khách quan.
Tại buổi khảo sát, Ban Pháp chế ghi nhận những mặt được, cũng như những khó khăn vướng mắc của Đoàn Luật sư và đề nghị trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề về bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, trao đổi kinh nghiệm cho luật sư. Đối với những khó khăn, hạn chế của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng, luật sư có phát huy được vai trò của mình trong quá trình tố tụng hay không; những thuận lợi khó khăn của luật sư trong quá trình hành nghề… Ban Pháp chế ghi nhận để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; Ban cũng quan tâm đến việc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư; việc đảm bảo phân công luân phiên tranh tụng cho các luật sư; định hướng hoạt động của Đoàn Luật sư trong thời gian tới như thế nào để đáp ứng yêu cầu hội nhập…
KIM CHI