Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, một số hộ dân canh tác tại cánh đồng có diện tích khoảng 30 ha ở ấp 1, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên kiến nghị các ngành chức năng đầu tư thêm hệ thống kênh thủy lợi để phục vụ cho việc sản xuất của người dân.
Thực tế, dù có hệ thống kênh thủy lợi phục vụ cho việc canh tác của người dân tại cánh đồng, nhưng do người dân lấy nước về ruộng để canh tác bằng đường mương dẫn nước, đường lô vận chuyển nông sản nên việc lấy nước không đạt hiệu quả như mong muốn.
Người dân lấy nước đưa vào ruộng tại cống vượt cấp.
Theo Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh, từ năm 2013 Công ty đã đầu tư một cống vượt cấp thuộc hệ thống thủy lợi Tân Hưng tại vị trí K4+500 kênh TN11 nhằm phục vụ việc tưới cho 30 ha đất sản xuất cho người dân tại cánh đồng này.
Từ cống vượt cấp, người dân lấy nước bằng mương dẫn nước, thậm chí lấy nước trên đường lô vận chuyển nông sản, nhưng qua khảo sát mương dẫn nước cho người dân tự đào không phát huy hiệu quả; dù nước vẫn lấy được đến tận đồng ruộng để phục vụ việc sản xuất nhưng có khó khăn cho người dân trong việc lấy nước. Vì thế, các hộ dân kiến nghị làm mương dẫn bằng bê tông để dẫn nước phục vụ việc sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, phía Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tây Ninh cho biết, theo quy định, những kiến nghị của người dân về đầu tư mương dẫn nước bằng bê tông không thuộc trách nhiệm của công ty mà của chính quyền địa phương, cụ thể là huyện và xã.
Bên cạnh đó, nếu muốn được đầu tư hệ thống mương dẫn bê tông nội đồng còn phải có sự đồng thuận của người dân bỏ đất ra làm hệ thống mương dẫn, vì vậy chính quyền địa phương phải vận động, thuyết phục để người dân đồng thuận bỏ đất ra làm mương dẫn nước. Sau đó chính quyền địa phương mới lên kế hoạch để đầu tư các mương dẫn nước nội đồng này.
Về lâu dài, Công ty cũng kiến nghị với các chính quyền địa phương cần rà soát, lên danh sách hệ thống kênh mương nội đồng để có giải pháp đầu tư, góp phần phục vụ việc sản xuất của người dân được thuận lợi hơn.
Thế Nhân