BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiếu nhân viên y tế - chuyện nói mãi vẫn không cũ 

Cập nhật ngày: 28/12/2022 - 05:07

BTN - Đoàn giám sát đánh giá, ngành Y tế còn không ít tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, trong đó việc thu hút, tuyển dụng nhân lực gặp nhiều khó khăn, điều này đã kéo dài.

Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh trong đợt khảo sát hoạt động của y tế cơ sở.

Sau các buổi làm việc tại các huyện Bến Cầu, Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội và các thành viên của đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế xung quanh việc “huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”.

Lãnh đạo Sở Y tế thông tin, thời gian bùng phát đợt dịch thứ tư, Tây Ninh là một trong những tỉnh ghi nhận số ca dương tính đứng đầu cả nước (sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai). Đợt cao điểm, số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh liên tục tăng nhanh, trung bình ghi nhận 2.000 - 3.000 ca mắc/ngày, số ca tử vong khoảng 13-16 ca/ngày.

Đến nay, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, tính đến ngày 22.2.2022, Tây Ninh ghi nhận 100.143 ca bệnh Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi 98.810 ca, 840 ca tử vong (0,83%); đang điều trị 493 ca, trong đó tại các tầng điều trị 70 ca (14%) và điều trị F0 tại nhà 423 ca (86%).

Từ năm 2020 đến ngày 31.10.2022, kinh phí huy động từ nguồn ngân sách hơn 514 tỷ đồng; tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân hơn 32 tỷ đồng. Để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các cơ sở tiếp nhận điều trị người bệnh trên cơ sở chuyển đổi công năng của các bệnh viện và thành lập 5 bệnh viện dã chiến.

Ngoài các cơ sở làm nhiệm vụ điều trị người bệnh Covid- 19 như trên, ngành Y tế còn huy động nhân viên của các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tham gia vào công tác phòng, chống dịch (lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, tiêm phòng vaccine…). Tổng cộng gần 3.000 người, bao gồm tất cả nhân lực của các đơn vị thuộc ngành Y tế và lực lượng thanh niên tình nguyện của Tỉnh đoàn, học viên Trường trung cấp Y tế.

Ngành Y tế tỉnh cũng đã nhận được sự chi viện nhân lực từ các địa phương khác đến cùng tham gia công tác phòng, chống dịch (đoàn y tế tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bệnh viện E, Bệnh viện K, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Quân y Sư đoàn Bộ binh 5), tổng cộng 188 người (có 67 bác sĩ), được phân công làm việc tại các bệnh viện (Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng), các TTYT tuyến huyện (Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Trảng Bàng, Tân Châu, TP. Tây Ninh) và các bệnh viện dã chiến.

Kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước cho các đơn vị trực thuộc thực hiện từ năm 2020 đến ngày 31.10.2022 là 514 tỷ đồng (số tròn). Nguồn lực này dùng vào việc chi tiền ăn, sinh hoạt phí, vận chuyển, chi phí khác cho người áp dụng biện pháp cách ly y tế; chế độ đặc thù cho người tham gia phòng, chống dịch; xét nghiệm SARS-CoV-2; sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thuốc, hoá chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch…

“Nguồn nhân lực do các địa phương về chi viện cho Tây Ninh là lực lượng có trình độ chuyên môn, đã tham gia công tác phòng, chống dịch tại tỉnh phía Bắc, do đó, phối hợp thực hiện tốt công tác điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh”- lãnh đạo Sở Y tế đánh giá.

Chính sách pháp luật về y tế cơ sở

Thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26.5.2008 về việc phê duyệt đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện tuyến trên và TTYT cấp huyện cử cán bộ đến trạm y tế xã chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, tập huấn trực tiếp cho nhân viên y tế tại trạm.

Sở Y tế phối hợp trung tâm y tế cấp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công tác tại trạm y tế xã, nhân viên y tế ấp, khu phố thuộc địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với y tế xã tập trung vào việc xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã là hệ thống chỉ tiêu đánh giá toàn bộ nội dung hoạt động từ sự lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của các cấp uỷ, chính quyền; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể; sự tham gia của cộng đồng đối với các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ở cơ sở; đánh giá toàn diện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực; các hoạt động chuyên môn về phòng bệnh, chữa bệnh, dân số - KHHGĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm….

“Việc triển khai, phát triển các dịch vụ chuyên môn kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến còn hạn chế. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, một số mục tiêu y tế còn đang ở mức cao, khó thực hiện, đặc biệt là chỉ tiêu về số năm sống khoẻ, phòng chống suy dinh dưỡng”- lãnh đạo Sở Y tế nói về hạn chế, tồn tại.

Một số chi phí phòng, chống dịch bệnh năm 2021, 2022 tại TTYT huyện, thị xã/thành phố chưa được thanh toán trong năm 2022. Chế độ chính sách cho nhân viên y tế nói chung từ trước đến nay so với mặt bằng chung còn ở mức thấp; nhân viên y tế cơ sở và hệ dự phòng càng khó khăn hơn. Dịch bệnh xảy ra lại càng bị ảnh hưởng nhiều hơn, lương và thu nhập thực tế của nhân viên y tế không đủ bù đắp lại sức khoẻ của họ đã bỏ ra.

"Không phải ưu tiên số một"

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát nêu, cơ sở vật chất, thiết bị, nguồn lực được huy động dùng trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, kể cả bệnh viện dã chiến. Hiện tại, dịch đã được kiểm soát, vậy sử dụng trang thiết bị như thế nào? Việc luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ y tế tuyến dưới (trạm y tế) ra sao? “Việc đánh giá trạm y tế chưa cân đối được nguồn tài chính để nâng cấp, sửa chữa là không hợp lý, vì y tế cơ sở hoạt động bằng ngân sách, được bao cấp. Do đó, cần đánh giá đúng bản chất vấn đề để giải quyết những khó khăn, tồn tại”- thành viên đoàn giám sát nêu.

Ý kiến khác nêu trang thiết bị y tế vừa thiếu vừa thừa, có nhiều thiết bị mua nhưng không có người vận hành. Dịch bệnh vừa qua cho thấy, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn nhiều hạn chế, thậm chí yếu kém.

Có ý kiến đề xuất chuyển giao trung tâm y tế của huyện, thị xã về cho UBND cùng cấp quản lý, ngành Y tế chỉ phụ trách chuyên môn, vậy có nên xem xét đề xuất nêu trên? Đến thời điểm này, tổng số nhân viên y tế nghỉ việc bao nhiêu người, vấn đề kiểm toán thế nào?

Giải trình một số nội dung, lãnh đạo Sở Y tế cho biết đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Đối với vấn đề sử dụng nguồn lực chống dịch, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thuốc điều trị Covid -19 vẫn đang được cơ sở điều trị bảo quản, thường xuyên báo cáo về Sở. Kiểm toán nhà nước cũng đã kiểm toán Sở Y tế và yêu cầu thu hồi hơn 6 tỷ đồng nộp ngân sách (liên quan đến giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19).

Về nhân lực, số lượng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc từ đầu năm 2020 đến nay là 159 người. Trong điều kiện bình thường, số lượng nhân viên y tế cơ bản đáp ứng công việc, khi có dịch bệnh, tình hình khó khăn hơn.

Sở Y tế có thông báo tuyển dụng nhân viên y tế nhưng khan hiếm nguồn tuyển, “nói thẳng nói thật, việc lựa chọn vào làm việc ở hệ thống y tế công lập không phải là ưu tiên số một của sinh viên tốt nghiệp”. Toàn tỉnh có 94 trạm y tế nhưng chỉ có 32 bác sĩ, “con số thực tế tại thời điểm có thể còn thấp hơn”.

Kết luận, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của ngành Y tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong cơn đại dịch mang tên Covid-19. Đoàn giám sát đánh giá, ngành Y tế còn không ít tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, trong đó việc thu hút, tuyển dụng nhân lực gặp nhiều khó khăn, điều này đã kéo dài.

Một số mục tiêu, chỉ tiêu về y tế chưa thật sự cao, chất lượng khám, chữa bệnh cũng hạn chế. Một số chính sách, chủ trương của Trung ương cũng chưa được triển khai đầy đủ, ví dụ mô hình Bác sĩ gia đình. Đoàn giám sát đề nghị Sở Y tế hoàn thiện báo cáo, chuẩn bị cho đoàn giám sát tối cao của Quốc hội vào làm việc tại Tây Ninh (dự kiến sau tết âm lịch).

Việt Đông