BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiếu nước sinh hoạt- điệp khúc “đến hẹn lại lên”

Cập nhật ngày: 06/03/2014 - 03:24

Rẫy mì của ông Phương khô héo dần vì không có nước tưới

Tình trạng nhiều hộ dân ở xã Tân Hoà khốn khổ vì bị thiếu nước phục vụ sinh hoạt vào mùa nắng không phải là vấn đề gì mới, báo Tây Ninh đã từng phản ánh rất nhiều lần. Thế nhưng, mùa khô năm nay, trở lại Tân Hoà chúng tôi vẫn còn phải chứng kiến những hình ảnh của cái điệp khúc đến hẹn lại… “khát nước”.

Xoay xở đủ cách

Đến ấp Cây Cầy vào một buổi trưa đầu tháng 3 này, dưới cái nắng đổ lửa của vùng biên giới, chúng tôi gặp bà Nhan Thị Phước, sinh năm 1959 và được bà cho biết, tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt mùa nắng tại vùng đất này xảy ra đã nhiều năm nay. Vài năm trước, hằng ngày còn có người chở nước đến bán với giá từ 20.000 - 40.000 đồng/m3, tuy giá cả đắt như thế nhưng vì nhu cầu bức thiết nên bà con địa phương đành phải “cắn răng” mà mua. Năm vừa rồi, trên địa bàn ấp Con Trăn- bên kia đường đối diện với nhà bà Phước, chính quyền đã đầu tư thiết lập một hệ thống cấp nước máy, nên hiện giờ tuy cùng ở chung một xã và cách nhau một con đường, nhưng trong khi người dân ấp Con Trăn không còn sợ lo thiếu nước sạch vào mùa nắng, thì người dân ấp Cây Cầy vẫn cứ đến hẹn lại… “khát”. Theo bà Phước thì độ khoảng 10 ngày nữa thôi, giếng sẽ tắc mạch, trơ đáy. Và nhiều hộ lại rơi vào cảnh loay hoay khốn khổ vì không có nguồn nước phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Ở cùng ấp với bà Phước, có hộ ông Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1951, là một trong những hộ dân “may mắn” được sử dụng nước từ hệ thống nước máy của ấp Con Trăn. Ông Phương cho biết, nhà có đào giếng sâu đến 13m nhưng hằng năm cứ vào cuối tháng 12 âm lịch là giếng lại tắc mạch. Gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác phải chở can đi hứng nước ở trạm cấp nước về sử dụng, nếu không thì phải chấp nhận mua nước từ những xe lưu động với giá 30.000 đồng/m3 cho đến khi có mưa (thông thường cuối tháng 5 âm lịch giếng mới có nước trở lại). Năm nay ông đã được sử dụng nước từ hệ thống cung cấp nước của ấp Con Trăn với giá 7.000 đồng/m3. Bình quân gia đình ông sử dụng 2m3 nước/ngày, vị chi một tháng khoảng 60m3, tốn hơn 400.000 đồng. Cũng vì thế, gia đình ông chỉ dám dùng nước cho những sinh hoạt bức thiết, ngoài ra không dám “hoang phí” cho mục đích khác. Nhà ông có trồng 1 ha mì nhưng do không có nước tưới nên cây bị “chựng” lại, không phát triển nổi.

Khổ thân “xài ké”

Ông Trần Văn Theo, sinh năm 1956, sống ở ấp Cây Cầy từ năm 1983 kể rằng: khoảng 2 năm trước, cứ đến mùa nắng ông phải mua nước với giá 45.000 đồng/m3 (một khối nước chỉ dùng được hai ngày là hết). Không được sử dụng hệ thống nước máy một cách chính thức như ông Phương, thế là ông Theo câu ống xài ké đường ống nước của hộ bên kia đường, chưa biết giá cả được tính ra sao, mà dẫu có đắt rẻ thế nào cũng phải chịu!

Anh Chung thường phải vất vả vận chuyển nước từ nơi khác về nhà

Riêng anh Nguyễn Thành Chung, sinh năm 1967, ngụ cùng ấp Cây Cầy cứ nhìn vào giếng nước nhà mình mà lắc đầu ngao ngán. Chỉ vài ba ngày nữa thôi, chắc chắn nó sẽ chẳng còn giọt nào. Nhớ thời điểm này năm trước, anh đã phải mua nước sử dụng với giá 40.000 đồng/m3. May là anh có quen với một đơn vị vũ trang cách nhà 500m nên hằng ngày anh mang can nhựa đến đó xin nước chở về xài. Một chuyến chở được 4 can, khoảng 110 lít/chuyến. Một ngày anh phải đi chở ít nhất 4 chuyến, có ngày 7,8 chuyến, mất không ít công sức, thời gian. Không gì khổ bằng thiếu nước sinh hoạt. Có lần nhà anh Chung có khách. Nhìn người khách giặt một cái khăn lau mặt hết hẳn một thau nước mà ông thấy… xót cả ruột nhưng vì lịch sự, sợ mích lòng nên ông không dám nói gì. Cứ vào mùa nắng, có khách xa đến chơi nhà, tỏ ý muốn lưu lại chừng một tuần là anh Chung lại… rầu thúi ruột- không sợ cái khoản lo ăn, lo ở cho khách mà chỉ sợ cái khoản nước nôi hằng ngày. Theo lời anh Chung: chi phí đào một cái giếng sâu 10m ở đây hiện có giá 10 triệu đồng, nhưng giếng đào xong chỉ có nước dùng được chừng 6 tháng. Chúng tôi hỏi sao anh không xài ké hệ thống nước máy của hộ gia đình bên kia đường như ông Theo đã làm, anh Chung đáp: anh rất ngại việc “xài ké” vì như thế dễ phát sinh lắm điều phiền phức. Chẳng hạn như việc tính khối lượng nước đã sử dụng, rồi còn mức giá phải trả như thế nào cho hợp lý (giá “xài ké” thường phải gấp đôi, gấp ba giá bình thường); chưa kể việc sử dụng phải phụ thuộc vào người cho “xài ké” rất bất tiện. Chỉ vào những cái can nhựa nằm ở góc nhà, anh nói phải chuẩn bị sẵn sàng để đi tải nước từ nơi khác về cho gia đình dùng trong những ngày sắp đến. Anh rất mong mỏi chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho người dân ấp Cây Cầy cũng có được hệ thống cung cấp nước máy như ấp Con Trăn cho bà con đỡ khổ.

Chính quyền địa phương: Sự việc đâu đến nỗi (?!)

Nghe chúng tôi phản ảnh tình trạng “khát nước” của người dân ở ấp Cây Cầy, ông Nguyễn Văn Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hoà nói: “Sự việc đâu trầm trọng đến thế!”. Tuy nhiên, khi chúng tôi khẳng định lại tình hình thực tế từ những gì mắt thấy tai nghe, ông Nam liền gọi điện thoại liên lạc với cán bộ xã để… tìm hiểu xem thế nào. Sau đó, ông cho rằng do chưa nhận được phản ánh của người dân ấp Cây Cầy về tình trạng “khát nước” sinh hoạt trong mùa nắng năm nay, nên không nắm được và hứa sẽ tiến hành khảo sát, tìm hiểu cụ thể vấn đề để có hướng giải quyết. Chúng tôi hỏi vì sao hệ thống nước sạch chỉ sử dụng cho ấp Con Trăn, ông Nam giải thích: trước đây, do khu vực ấp Con Trăn có địa hình cao nên xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, do đó các ngành chức năng đã đầu tư hệ thống cấp nước cho người dân ấp này, mà chủ yếu là nguồn nước của Công ty Xi măng Fico cung cấp, còn các trạm bơm ở xã vào mùa khô cũng rơi vào tình trạng thiếu nước. Nhưng ông không giải thích vì sao, một vài hộ ở ấp Cây Cầy lại được sử dụng chung hệ thống cung cấp nước của ấp Con Trăn trong khi nhiều hộ khác thì không! Ngoài ra, ông Nam cho biết thêm, đặc điểm địa hình ở ấp Cây Cầy là không có mạch nước ngầm nằm ngang nên việc thiếu nước vào mùa nắng là không thể tránh khỏi. Do đó, người dân có sử dụng hệ thống nước máy cũng cần chia sẻ khó khăn với những hộ không có nước sử dụng trong những tháng mùa nắng. Ông cũng khẳng định, UBND xã sẽ làm mọi cách để cho người dân ở ấp Cây Cầy có nước sử dụng sinh hoạt trong mùa nắng năm nay. Còn về lâu dài, địa phương sẽ kiến nghị các ngành chức năng để tìm giải pháp cung cấp nước sạch cho người dân ở đây.

THANH VÂN - NHI HẰNG