Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dương- Nhà quân sự thao lược, cán bộ chỉ huy xuất sắc của LLVT Tây Ninh trong chiến tranh
Thứ tư: 09:26 ngày 14/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ông tham gia kháng chiến từ năm 1946, là chiến sĩ trinh sát thuộc lực lượng quân báo Chi đội 12. Hoạt động tại vùng Trảng Bàng – Hóc Môn – Gia Định…

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dương (Hai Dương) tên thật là Nguyễn Ngọc Điệp (SN 1929, mất năm 2001), sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng. Ông tham gia kháng chiến từ năm 1946, là chiến sĩ trinh sát thuộc lực lượng quân báo Chi đội 12. Hoạt động tại vùng Trảng Bàng – Hóc Môn – Gia Định.

Sớm có năng khiếu về quân sự, cụ thể là khả năng phán đoán về tình hình địch, Nguyễn Thanh Dương đã nhanh chóng từ một chiến sĩ trở thành một cán bộ quân báo rất năng nổ của Chi đội 12. Năm 1951, bằng cách theo dõi qua hành động của địch và qua nắm tin tức từ cơ sở, ông đã nhận định chính xác, phục vụ cho Ban Tham mưu Chi đội 12 tổ chức trận địa phục kích tại Trung Hưng đánh tiêu diệt hàng trăm tên lính lê dương Pháp. Đầu năm 1954, cũng bằng tư duy phán đoán nhạy bén về âm mưu hành động của địch, ông đã cùng ông Đỗ Thế Nhân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 306 bộ đội địa phương tỉnh Gia Định Ninh lên phương án chiến đấu, gài thế trận, đánh diệt một Tiểu đoàn lính Âu -Phi của quân Pháp tại suối Bời Lời. Đây là trận đánh tiêu biểu, lần đầu tiên một Tiểu đoàn địa phương cấp tỉnh (Tiểu đoàn 306) đánh diệt gọn một tiểu đoàn chính quy quân viễn chinh xâm lược Pháp. Chiến thắng Bời Lời cũng đã đưa Tây Ninh trở thành là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là chiến trường phối hợp căng kéo cầm chân, tiêu hao tiêu diệt quân địch góp phần cho chiến trường chính: Điện Biên Phủ giành thắng lợi quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau Hiệp định Geneve tháng 7.1954, ông không đi tập kết, được tổ chức phân công ở lại bám phong trào, bám quần chúng để gầy dựng lại cơ sở. Sáu năm đấu tranh hoà bình là sáu năm nghiệt ngã nhất, sáu năm “nằm gai nếm mật”, Nguyễn Thanh Dương đã sống trong lòng dân, được nhân dân cưu mang che chở. Với lòng tin son sắt vào Đảng vào dân, Nguyễn Thanh Dương tâm niệm một điều và điều này đã trở thành chân lý trong suốt cuộc đời chiến đấu sau này của ông: “Còn dân thì còn phong trào cách mạng, có dân thì bất cứ hoàn cảnh nào cán bộ cách mạng cũng không bị đói, rét”. Với niềm tin ấy, ông đã bám dân, bám phong trào cho đến ngày có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trưng ương Đảng lãnh đạo nhân dân vùng lên đồng khởi.

Sau Đồng Khởi vũ trang với “phát súng lệnh Tua Hai”, cuối năm 1960 Ban quân sự Miền (R) quyết định thành lập Ban chỉ huy Quân sự tỉnh (Tỉnh đội) Tây Ninh. Cùng với ông Trương Tùng Quân (Sáu Trương) được bổ nhiệm làm Tỉnh đội trưởng, ông Nguyễn Thanh Dương được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Tham mưu. Trên cương vị này, với tư duy quân sự sắc sảo ông đã đưa ra những phán đoán rất chính xác về âm mưu hành động của địch: Đầu năm 1961, sau khi bộ đội địa phương (C61) và du kích huyện Bến Cầu bao vây bức rút các đồn Xóm Khách, Hố Đồn, Long Giang, nhận định địch sẽ đưa quân về Bến Cầu hòng đánh lấy lại những vị trí đã mất, ông Hai Dương đã chỉ đạo cho D14 (lúc bấy giờ đã phát triển được gần 2 đại đội) đưa quân về ém trước tại ấp Bến Đình, xã Tiên Thuận. Tại đây, ngày 23.9.1961, Tiểu đoàn 14 đã phục kích diệt gọn 1 đại đội lính Biệt động biên phòng nguỵ. Tháng 11.1961, nhận định âm mưu quân địch sẽ càn bố vào vùng Xóm Sóc, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng, ông Hai Dương chỉ đạo cho Đại đội 1, Tiểu đoàn 14 đưa quân về ém sẵn trên lộ 19, đoạn qua Xóm Sóc. Tại đây quân ta đã phục kích diệt gọn 1 đại đội bảo an địch.

Tháng 10.1963, trước âm mưu và hành động của địch tăng cường đánh phá lấn chiếm tỉnh lộ 19, 26. Tại cuộc họp Ban cán sự Tỉnh đội, Nguyễn Thanh Dương đã đưa ra nhận định: “Địch sẽ tập trung lực lượng đánh chiếm các xã vùng ruột huyện Gò Dầu. Từ dự đoán này tôi đề nghị xác định chiến trường trọng điểm, nơi kiên quyết bám trụ của ta là Gò Dầu. Địch có thể nghi binh đánh phá nhiều nơi khác nhưng vùng đất mà chúng muốn chiếm, muốn đánh bật ta ra khỏi đó là vùng ruột Gò Dầu. Theo tôi, chiến trường Gò Dầu sẽ là nơi đấu trí, đấu lực giữa ta và địch bất kể tương quan lực lượng như thế nào, không chỉ trong năm 1963, 1964 mà sẽ còn lâu dài hơn nữa”. Ông khẳng định: “Giữ được Gò Dầu ta sẽ tạo thế giữ được cơ sở của ta trong vùng phía Nam huyện Toà Thánh. Huyện Toà Thánh có ý nghĩa chiến lược, theo tôi, ta thắng địch là ở đây, mà kết thúc chiến tranh cũng là đây”. Ông đề nghị Tỉnh uỷ, Ban cán sự Tỉnh đội khẩn cấp chỉ đạo Huyện uỷ Gò Dầu phát động phong trào “Một tấc không đi, một ly không rời”, với khẩu hiệu hành động “Quyết tử giữ Gò Dầu”. Tỉnh uỷ, Ban cán sự Tỉnh đội đồng thuận rất cao với nhận định về địch và ý kiến đề xuất của ông Hai Dương.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, quân dân huyện Gò Dầu phát động cao trào “Quyết tử giữ Gò Dầu” chuẩn bị tiềm lực, lực lượng và thế trận quyết tâm bám trụ. Những tháng cuối cùng của năm 1963, suốt cả năm 1964, Mỹ nguỵ tập trung hàng vạn quân, hàng ngàn xe tăng, đại bác, hàng trăm máy bay đánh phá huyện Gò Dầu. Quân dân Gò Dầu nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của tỉnh đã không những bám trụ vững mà còn tiêu hao địch có hiệu quả nhờ thế trận nhân dân du kích chiến tranh.

Năm 1966, ông Võ Văn Tới - Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Tây Ninh được trên quyết định rút về R (Trung ương Cục miền Nam) nhận công tác khác. Ông Hai Dương nhận quyết định thay ông Võ Văn Tới đảm đương cương vị Tỉnh đội trưởng.

Năm 1966 cũng là năm Mỹ đổ quân xuống Tây Ninh, chiếm đóng Trảng Lớn (Châu Thành) làm căn cứ lớn của chúng. Ông Hai Dương tham mưu cho Tỉnh uỷ chỉ đạo Huyện uỷ Châu Thành lập “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn”. Về sau “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn” trở thành nơi đánh Mỹ giỏi nhất miền Đông. Được Bộ Tư lệnh Miền tặng Huân chương chiến công giải phóng hạng nhất. Người đề xuất đầu tiên thiết lập “Vành đai diệt Mỹ Trảng Lớn” cũng không ai khác, chính là ông Hai Dương.

Những năm 1969 – 1970, Mỹ nguỵ một lần nữa đánh chiếm các xã vùng ruột huyện Gò Dầu, lần này chúng đánh phá ác liệt hơn, chúng tập trung hàng ngàn xe cơ giới ủi phá phát quang địa hình huyện Gò Dầu thành vùng trắng. Lính nguỵ ngày đêm càn bố, phục kích, xom hầm. Huyện Gò Dầu buộc phải ly hương rời địa bàn lên vùng biên giới. Đồng chí Nguyễn Thị Định – Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền về làm việc với Tây Ninh (tháng 6.1969) yêu cầu Tây Ninh trình bày  phương án chống địch lấn chiếm. Trước câu hỏi của đồng chí Phó Tư lệnh Miền, Tỉnh uỷ, Tỉnh đội đều băn khoăn vì chưa có phương án khả thi. Sau cuộc làm việc với đồng chí Phó Tư lệnh Miền, ông Hai Dương nhiều đêm thức trắng, căng mắt nhìn lên bản đồ vùng Gò Dầu suy nghĩ. Một đêm mưa rừng tháng 8.1969, ông cho liên lạc xuống đơn vị mời ông Năm Nghĩa (Nguyễn Thành Nghĩa) lúc đó đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 14 lên gặp ông. Hai ông tâm sự với nhau khá lâu. Văn phòng Tỉnh đội mang cháo trắng để hai người ăn với muối ớt. Ông Hai Dương nói với ông Năm Nghĩa: “Mình ăn cháo nóng phải từ từ múc ngoài rìa chén, nếu vội vàng múc vào bên trong chén sẽ phỏng miệng. Chú về địa bàn tương tự như ăn cháo cũng nên từ ngoài rìa ấp tìm cơ hội thâm nhập vào bên trong. Ở ngoài rìa ven quốc lộ 22 còn dân, địch ít chú ý. Đừng lo đói, dân Gò Dầu sẽ nuôi chú”, ông Hai Dương nói thêm: “Tôi ray rứt trăn trở nhiều đêm điểm danh từng cán bộ, song cuối cùng chỉ có Năm Nghĩa – duy nhất chỉ Năm Nghĩa mới làm được nhiệm vụ này. Chọn lấy chục anh em tin cẩn nhất cùng đi, mang theo nhiều trái gài, càng nhiều càng tốt. Còn lương thực, đừng lo đói, dân Gò Dầu sẽ nuôi mình”, ông khẳng định một lần nữa với lòng tin vào dân một cách vững chắc.

Ông Năm Nghĩa về đơn vị chọn 9 chiến sĩ cùng đi với ông về Gò Dầu. Nhớ lời ông Hai Dương căn dặn, nơi ông Năm Nghĩa cùng đồng đội bám trụ đầu tiên là xóm Mồi Côi (giồng Mồ Côi) xã Hiệp Thạnh sát rìa quốc lộ 22. Người nuôi ông Năm Nghĩa và đồng đội của ông trong hơn một tháng ông bám trụ tại đây là má Sáu (dân địa phương gọi là bà Sáu đươn võng) lúc bấy giờ má Sáu đang chăn vịt mướn trên cánh đồng giồng Mồ Côi ven quốc lộ. Hai tháng sau kể từ ngày ông Năm Nghĩa về Gò Dầu, địch không còn dám nghinh ngang đi càn bố xom hầm như trước vì chúng bị tiêu hao nặng do dẫm phải trái gài của đoàn quân ông Năm Nghĩa. Phong trào Gò Dầu sau đó dần dần khôi phục, Huyện uỷ, Huyện đội, Đại đội 33, du kích, cán bộ phong trào các xã lần lược quay về bám trụ vững. Địch bị bao bó trong các đồn bót. Tin cán bộ, chọn đúng cán bộ để giao việc lớn đó là một nét tính cách, một kỹ năng dùng người của Nguyễn Thanh Dương và trên thực tế ông đã thành công.

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Nguyễn Thanh Dương với tư cách là chỉ huy trưởng Ban chỉ huy chiến dịch giải phóng tỉnh đã lên phương án chọn hướng Nam huyện Toà Thánh (Hoà Thành ngày nay) làm mũi đột phá chính diện. Địa bàn mà cách đây 13 năm (1963) ông đã từng khẳng định “Ta thắng địch tại nơi đây và kết thúc chiến tranh cũng tại nơi đây”. Ông Hai Dương đã giao nhiệm vụ cho 5 cánh quân, trên 5 hướng bao vây Thị xã. Khí thế của quân ta lúc ấy có đủ khả năng đạp bằng mọi cản trở, triệt tiêu mọi sự chống trả của quân địch trên đường tiến quân. Thế nhưng khi đã đánh chiếm, làm chủ chi khu Phú Khương, giải phóng huyện Phú Khương (Toà Thánh) mặc dù trong Ban chỉ huy nhiều đồng chí đề xuất lợi dụng thời cơ địch đang hoang mang, vì bị cô lập ta đẩy mạnh tiến công đánh chiếm Thị xã, song Nguyễn Thanh Dương đã quyết định khác: Ông cho dừng quân tại chỗ, chuyển phương thức đấu tranh từ vũ trang là chủ yếu, sang đấu tranh chính trị, binh vận, dùng mũi vũ trang để khống chế răn đe. Ông ra lệnh cho thông tin điện đài dùng máy PRC25 liên lạc để ông nói chuyện trực tiếp với Tỉnh trưởng nguỵ quyền Tây Ninh lúc đó là Đại tá Bùi Đức Tài. Với phong thái đĩnh đạc, lập luận sắc sảo đầy sức thuyết phục, ông đã phân tích điều hơn lẽ thiệt cho viên Đại tá Tỉnh trưởng nguỵ. Kết quả là Tỉnh trưởng nguỵ quyền cùng với đồng sự của ông ta đã kéo ra đầu hàng. Những gì sau đó như lịch sử đã ghi nhận. Thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh được giải phóng nguyên vẹn, máu xương của bộ đội của đồng bào được giảm thiểu ở mức thấp nhất, nhà cửa của dân, các công trình công cộng, đền đài tôn giáo không bị tàn phá.

Kết quả đó một phần nhờ sự vận dụng đúng quy luật giữa “thế” và “thời”, nhờ tư duy quân sự sắc sảo, quyết định sáng suốt của ông Nguyễn Thanh Dương với tư cách là người chỉ huy cao nhất lúc bấy giờ.

Kỷ niệm 35 năm ngày tỉnh Tây Ninh được hoàn toàn giải phóng (30.4.1975 – 30.4.2010) thế hệ người Tây Ninh hôm nay và mai sau rất đổi tự hào quê hương mình đã sinh ra một vị tướng – Thiếu tướng Nguyễn Thanh Dương – Nhà quân sự thao lược, một trong những cán bộ chỉ huy suất sắc của LLVT Tây Ninh trong chiến tranh.

Hà Duy CưỜng

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục