Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thiếu ý thức - nguyên nhân hàng đầu của tai nạn giao thông 

Cập nhật ngày: 16/04/2018 - 06:03

BTN - Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong quý I, toàn tỉnh xảy ra 82 vụ TNGT. Một trong những nguyên nhân gây tai nạn được đánh giá là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.

ythuc.JPG

Người đi bộ trèo qua con lươn trên quốc lộ 22B.

KHI NGƯỜI ĐI BỘ “VƯỢT CHƯỚNG NGẠI VẬT”

Vi phạm Luật Giao thông không chỉ xuất hiện ở người điều khiển phương tiện, mà còn của những người đi bộ. Điển hình là hành vi trèo qua dải phân cách.

Trong khoảng 30 phút sáng 10.4, có mặt trước cổng Bệnh viện Lê Ngọc Tùng, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 3, TP. Tây Ninh, chúng tôi thấy hơn 30 trường hợp người dân đi sang đường.

Trong đó, có rất ít người sang đường đúng luật, còn lại đều chọn cách băng ngang qua dải phân cách. Đường Cách Mạng Tháng Tám có xe lưu thông đông, dải phân cách được bố trí nhiều cây xanh, việc người đi bộ "vô tư" băng qua dải phân cách để sang đường, khiến người điều khiển phương tiện lưu thông khó quan sát, nguy cơ tai nạn rất cao.

Tình trạng này cũng thường xuyên diễn ra ở quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Tại một xí nghiệp nằm trên quốc lộ 22B đoạn qua huyện Hoà Thành, vào giờ tan tầm, nhiều công nhân thản nhiên leo qua con lươn, băng qua dòng xe đang chạy trên đường. Có trường hợp xe ô tô khách đến khu vực này bị khựng lại, tài xế phải liên tục bấm còi khi bị một số công nhân “cắt mặt”, chen qua.

Khi được hỏi, đa phần đều "biện minh", như nút giao thông cách xa, dải phân cách quá dài, không thấy vạch kẻ đường… Một người phụ nữ bán hàng rong trước cổng Bệnh viện Lê Ngọc Tùng thừa nhận, dù biết việc băng qua dải phân cách khá nguy hiểm và vi phạm pháp luật nhưng… để nhanh và tiện chọn giải pháp "may rủi" này.

Ngay tại khu vực Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, dù có vạch kẻ đường, nhưng rất ít người dân đi đúng phần đường dành cho người đi bộ, Hầu hết người dân dù "tay xách nách mang" vẫn chen ngang dòng xe để băng qua đường, bất chấp nguy hiểm.   

Người đi bộ thường vi phạm một số lỗi khi tham gia giao thông như sang đường một cách tuỳ tiện, đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành đèn tín hiệu hay leo qua dải phân cách...

Hành vi này không những gây nguy hiểm cho bản thân, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT. Nhiều người điều khiển ô tô hay xe máy vì tránh người đi bộ mà dẫn đến tai nạn, nhẹ thì bị thương, nặng có thể dẫn tới chết người.

Trong quý I, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNGT do người đi bộ trèo qua dải phân cách không chú ý quan sát (chiếm tỷ lệ 8,54% số vụ TNGT). Tuy nhiên, hiện nay, việc xử phạt người đi bộ chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở là chính.

VÀ KHI SAY

Vừa qua, vào khoảng 3 giờ ngày 6.4, trên đường Bời Lời (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh), tài xế N.T.T điều khiển xe ô tô 4 chỗ lưu thông từ hướng đài liệt sĩ lên núi Bà đã đâm vào T.H.T, làm T tử vong tại chỗ. Theo thông tin ban đầu, do trời tối, T.H.T lại nằm giữa đường nên khi phát hiện, tài xế không kịp thắng, dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Hay vụ tai nạn hi hữu diễn ra vào khoảng 20 giờ ngày 2.4, tại xã Phước Đông, huyện Gò Dầu. Khi em N.T.Q.Đ điều khiển xe mô tô Sirius lưu thông trên đường, phát hiện anh T.V.C (sinh năm 1973) nằm trên đường, nhưng do khoảng cách quá gần, không kịp xử lý, xe của Đ cán qua người anh C, làm nạn nhân tử vong. Người dân địa phương cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, anh C có uống rượu.

Anh Đặng Văn Phúc- Đội trưởng Đội Cứu nạn giao thông TP. Tây Ninh cho biết thêm, vấn đề sử dụng rượu, bia với an toàn giao thông không mới, nhưng luôn là vấn đề “nóng” đối với toàn xã hội.

Hình ảnh những người say rượu chạy xe lạng lách, đánh võng, thậm chí ngủ quên bên lề đường xuất hiện khá thường xuyên và xu hướng gia tăng, đặc biệt là những ngày cuối tuần hay dịp lễ.

Có khá nhiều trường hợp say xỉn ngủ dọc đường được anh em trong đội cứu giúp kịp thời. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng may mắn như vậy.

Thời gian gần đây, với hy vọng đưa những người say rượu đi đến nơi, về đến chốn, hạn chế TNGT, dịch vụ đưa người say về nhà do Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh mở ra ngày càng được ưa chuộng. Khách hành có nhu cầu, chỉ cần gọi điện thoại báo địa điểm, thời gian, số lượng người cần đưa rước, lập tức sẽ có người đến đưa về tận nhà.

Thậm chí, nếu khách hàng sử dụng xe ô tô, dịch vụ có thể cử tài xế đưa về. Chỉ sau một thời gian hoạt động, dịch vụ này đã tiếp nhận và đưa khoảng 100 trường hợp "quá chén" về nhà an toàn.

Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, treo khẩu hiệu và cả trực tiếp vận động để người dân hiểu và nâng cao kiến thức pháp luật về giao thông, nhưng không phải ai cũng “mặn mà” chấp hành.

ây không chỉ là trách nhiệm của những người làm công tác tuyên truyền, mà còn là sự tự giác của những người tham gia giao thông.   

Để việc kéo giảm TNGT được thực hiện hiệu quả, cần có sự chung tay, góp sức của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, tập trung vào công tác tuyên truyền, “thẩm thấu” vào ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhằm kiềm chế những trường hợp tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cho dù là “nhỏ”, để người dân có nhận thức đúng và chấp hành tốt hơn Luật Giao thông đường bộ.

PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI