Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thợ củi chỉ được cắt dọn cành nhánh cây khô hoặc tươi nhưng đã bị gãy, đổ. Đối với cây gặp sự cố thì người thu gom củi phải báo với chủ vườn để kiểm kê, định giá bán (thường với giá hỗ trợ).
Anh Dương Văn Đến cưa củi tại một nông trường.
Thu gom củi để bán được xem là một cái nghề của nhiều hộ gia đình tại ấp 1 và ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu. Người dân địa phương gọi đó là nghề củi, những người chuyên sống bằng nghề này là thợ củi. Đa số người làm nghề củi có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn không cao, lớn tuổi, khó xin được việc làm tại các công ty, xí nghiệp, thu nhập lại bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết và giá cả từ thương lái.
Do tác động của thời tiết, nhiều cây cao su đang cho thu hoạch mủ bị ngã đổ, hoặc gãy nhánh nhưng còn dính lại trên ngọn cây, đây thật sự là một mối nguy hiểm cho công nhân làm việc bên dưới. Thế nên, các chủ vườn cũng cần thợ củi xử lý những mối nguy này.
Thợ củi chỉ được cắt dọn cành nhánh cây khô hoặc tươi nhưng đã bị gãy, đổ. Đối với cây gặp sự cố thì người thu gom củi phải báo với chủ vườn để kiểm kê, định giá bán (thường với giá hỗ trợ). Vậy nên, thợ củi được chủ vườn chọn phải trung thực, nhiều kinh nghiệm trong việc cưa cây, xử lý cành nhánh, ý thức dọn dẹp gọn gàng, có hoàn cảnh khó khăn vì chủ vườn chủ yếu tạo công ăn việc làm cho đối tượng này mà không thu phí.
Anh Mao mài lưỡi cưa trước khi cắt củi có đường kính lớn.
Nếu chủ vườn tin chọn, thợ củi sẽ được giao việc thu gom củi trên diện tích cao su rộng lớn, với tính chất của một “hợp đồng” lâu dài. Khi đó, thợ củi được đưa phương tiện vận chuyển và công cụ liên quan vào vườn cao su để phục vụ công việc, đồng thời phải có trách nhiệm giám sát phụ chủ vườn đối với thợ củi ngoài “hợp đồng”, kể cả tình trạng trộm cắp mủ nếu có.
Anh Dương Văn Đến (đang ở nhà thuê tại địa bàn ấp 1, xã Suối Ngô) là người làm nghề củi hơn 20 năm cho hay, đây là nghề đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm. Thợ củi phải biết “nhìn ra củi” với khoảng cách từ xa trên từng lô, hàng, ngọn cây cao su. Việc này nhằm hạn chế tốn thêm chi phí xăng, dầu để chạy xe đi tìm củi. Nghề củi vốn cho thu nhập bấp bênh, người làm nghề củi mà không có kỹ năng “nhìn ra củi” thì khó trụ được với nghề.
Theo kinh nghiệm của anh Đến, việc cưa hạ cây để khai thác trắng cả vườn cao su thì dễ, nhưng xử lý cây hoặc nhánh to xen lẫn trong vườn đang cạo mủ là rất khó, nguy hiểm. Một mặt, người lấy củi phải bảo vệ các cây xung quanh, tránh gây bể chén đựng mủ, làm hư hỏng máng chống nước mưa. Mặt khác, thợ củi phải luôn cẩn trọng tìm thế tránh né cây ngã, cành rơi có thể đột ngột chuyển hướng bất cứ lúc nào do bị vướng nhiều cây xung quanh. Từng có thợ củi bị tai nạn nghề nghiệp nghiêm trọng do chủ quan, thiếu kinh nghiệm.
Anh Dương Văn Đến chất củi lên xe máy cày.
Anh Dương Văn Mao (ngụ tổ 3, ấp Trảng Ba Chân, xã Suối Ngô), một người làm nghề củi hơn 15 năm chia sẻ, tốt nhất, đối với cây nghiêng, cành gãy nhưng còn dính trên ngọn thì nên dùng dây kéo với khoảng cách an toàn. Việc quăng dây lên ngọn cây để lôi kéo cành gãy là không dễ. Dây thường bị vướng vào các cành không gãy, khó gỡ, người lấy củi phải đu dây lên chỗ vướng để tháo gỡ và buộc vào cành gãy cần lấy. Thợ củi phải chọn cách xử lý này vì nếu trèo theo thân cây dễ gây hỏng kiềng chén, máng nhựa chống nước mưa. Kiến vàng, muỗi vằn cũng là trở ngại lớn cho người thợ củi.
Theo quan sát, củi được cưa thành từng khúc với chiều dài 1m hoặc 1,2m, tuỳ theo yêu cầu của khách hàng mua củi dặn trước. Thợ củi dùng sức người vác từng khúc cây nặng trịch chất lên rơ-moóc xe máy cày chở về nhà, xếp thành dãy cao 1m. Đến khi số lượng củi chất đủ cho một chuyến xe tải cỡ lớn thì gọi thương lái đến mua. Củi được bán với hình thức đo mét theo dãy đã chất sẵn. Giá cả hầu như lệ thuộc vào bên mua quyết định. Tuỳ theo đường kính của củi mà có giá khác nhau; dưới 10cm quy ra củi tạp, giá dao động từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/m; trên 10cm gỗ tươi thì được bán theo giá bao bì hoặc pallet với giá từ 400.000 đồng- 600.000 đồng/m, còn gỗ đã khô dù đường kính bao lớn cũng quy ra củi tạp.
Anh Dương Văn Mao cưa củi tại nông trường Bổ Túc (xã Suối Ngô).
Hầu hết thợ củi đều ứng tiền trước của bên mua củi, do phải chờ thời gian khá lâu mới đủ chuyến bán, trong khi hằng ngày cần phải có tiền để mua xăng dầu cho máy cưa, máy cày, ăn uống. Thu nhập kiểu gối đầu triền miên này có phần làm cho bên bán không chủ động được giá, trượt dài một hình thức bán mua mà phần thiệt luôn nghiêng về đời thợ củi. Phần lớn số củi được bán cho thương lái chở đi tiêu thụ ngoài tỉnh, nên các hộ làm nghề này muốn tự chở củi đi bán cũng gặp khó khăn về phương tiện, mối mang bán củi, đành chịu thông qua thương lái trung gian.
“Thu nhập từ nghề củi chỉ đủ kiếm sống qua ngày, cố gắng tiết kiệm lắm trong nhiều năm mới mua nổi chiếc máy cày nhỏ chở củi cho đỡ nhọc công. Niềm an ủi lớn nhất để vợ chồng tôi gắn bó với nghề là luôn được các chủ vuờn cao su quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thường xuyên có việc làm”- chị Triệu Tuyết Thanh, vợ của anh Dương Văn Đến bày tỏ nỗi niềm.
Anh Dương Văn Mao chất củi lên xe máy cày.
Anh Dương Văn Mao cho hay, đa số người chọn nghề củi tại địa phương thường gắn bó lâu dài, thậm chí cả đời (như trường hợp ông Dương Văn Minh, cha của anh Mao). Có thể do thợ củi không đủ điều kiện để chọn nghề khác tốt hơn, hoặc bản thân họ không muốn bỏ nghề. Anh Mao tâm sự, anh đã quá quen thuộc với những nông trường cao su bất tận, trong đó có những công nhân vui tính, chủ vườn tốt bụng, đồng nghiệp sẵn sàng giúp đỡ nhau trong công việc nên anh chưa có ý định bỏ nghề.
Quốc Sơn