Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thoả sức tham quan, chụp ảnh tại vườn nho rừng độc đáo
Thứ ba: 09:38 ngày 08/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mùa này, nho rừng đang bắt đầu chín rộ, những chùm nho trĩu quả làm say lòng du khách. Các cặp đôi cô dâu chú rể cũng lựa chọn nơi đây để ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho album cưới của mình.

Các bạn trẻ hào hứng chụp ảnh với nho rừng.

Một ngày giữa tuần, mới tầm hơn 8 giờ sáng nhưng nhiều người (đa số là các bạn trẻ) đã kéo nhau tìm đến vườn nho rừng Vang Cy ở ấp Phước Tân, xã Phan, huyện Dương Minh Châu để tham quan, chụp ảnh. Khách đến đây là người từ các huyện trong tỉnh và có cả khách phương xa.

Trong chưa đầy một tháng qua, vườn nho rừng với những chùm quả ngộ nghĩnh ấy đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người trong cộng đồng mạng xã hội. Khi đến đây, du khách được tha hồ chụp ảnh giống như ở các vườn nho của tỉnh Ninh Thuận và còn được tìm hiểu về một loại quả quý hiếm. Những dây nho rừng ở đây do một nông dân đã bỏ công săn tìm trong suốt một thời gian dài ở nhiều khu rừng vùng Ðông Nam Á.  

Mùa này, nho rừng đang bắt đầu chín rộ, những chùm nho trĩu quả làm say lòng du khách. Các cặp đôi cô dâu chú rể cũng lựa chọn nơi đây để ghi lại những khoảnh khắc đẹp cho album cưới của mình.

Trò chuyện với một nhóm gần chục bạn trẻ đang háo hức chụp ảnh lưu niệm tại vườn nho, tôi được các bạn cho biết, họ là học sinh Trường THPT Lê Quý Ðôn, mấy ngày trước thấy nhiều người chụp ảnh vườn nho tại tỉnh nhà rất đẹp, liền tìm đến đây.

 “Trước giờ, em chưa được thấy vườn nho nên nay được đến đây tận mắt nhìn thấy khu vườn này, em cảm thấy vui lắm, lại còn được dịp chụp nhiều hình để khoe trên facebook với bạn bè. Giống nho này cũng lạ so với mấy loại nho em từng biết, từng ăn, nên lát nữa em sẽ vào bên trong ngồi nghe chủ vườn kể chuyện”- cô nữ sinh lớp 12 tên Nguyễn Thị Mai Duyên cho biết như thế.

Trần Quang Trọng, 20 tuổi, quê ở Kiên Giang, đang làm việc tại Khu công nghiệp Phước Ðông chia sẻ: “Nãy giờ tụi em chụp được rất nhiều hình đẹp. Trước đây, nếu muốn có được hình chụp tại vườn nho thế này phải ra tận các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, bây giờ chỉ cần đến đây là đã có sẵn rồi. Có thêm địa điểm như vầy, chuyến đi chơi cuối tuần ở Tây Ninh của tụi em càng thêm hấp dẫn, thú vị. Lúc sáng tụi em đã ghé Toà thánh rồi, vườn nho này cũng gần núi Bà, nên cũng tiện đường ghé qua chơi”.

Không chỉ giới trẻ, mà những người thuộc hàng “có tuổi” cũng tỏ ra khá hứng thú khi tìm đến vườn nho rừng ở xã Phan. Chọn cho mình bộ đồ ưng ý, cô Thái Thị Bạch Phượng, 57 tuổi, ngụ tại ấp Phước Tân hào hứng tìm vị trí để có được những kiểu ảnh đẹp.

Cô Phượng chia sẻ: “Mấy hôm nay tôi rất tò mò khi thấy mọi người đăng ảnh vườn nho nhưng chưa có dịp đến. Lần này đến đây tôi chụp được nhiều kiểu ảnh thật đẹp. Thật thú vị khi quê mình có vườn nho này, có thêm một điểm đến đẹp, lạ cho dân mình nhìn ngắm”.

Sự thu hút, hấp dẫn của vườn nho rừng không chỉ có được từ vẻ độc đáo của nó mà còn từ thái độ thân tình, thật thà, hiếu khách của chủ vườn. Ðến đây tham quan, chụp ảnh, du khách thường được mời dùng thử hai sản phẩm rượu vang và mật nho được làm từ nguyên liệu nho rừng. Những dãy bàn dài luôn có khách ngồi vào, vừa nhấm nháp vị mật nho ngọt thơm lừng hay vị cay thơm nồng của rượu vang, họ vừa nghe ông chủ vườn hoặc nhân viên tại đây thuyết minh về giống nho rừng lạ lẫm, thật thú vị.

Chủ vườn nho- cũng là chủ Công ty TNHH MTV Vang Cy là ông Nguyễn Văn Thông- một nông dân chính hiệu. Với giọng nói đầy vẻ hồn hậu, chất phác, ông nông dân này có thể kể thao thao về quá trình tìm kiếm, nuôi trồng và chế biến nho rừng mà không biết mệt.

Ông kể mình đã từng bị người khác cho là “không bình thường” khi đốn hạ cao su để trồng nho rừng. Nhưng ông vẫn không nao núng và luôn tâm huyết với kế hoạch thành lập vườn nho rừng của mình. Từ lúc bắt tay gầy dựng vườn nho rừng, ông đã nghĩ sẽ biến nơi này thành một điểm dừng chân của khách phương xa trên cung đường du lịch trên đất Tây Ninh, như một điểm tiếp nối liên hoàn với các địa điểm nổi tiếng như Toà thánh Cao Ðài, núi Bà Ðen, hồ Dầu Tiếng…

Thời điểm hiện tại, sức hút của vườn nho là rất đáng kể. Ông Thông hào hứng chia sẻ thêm, trung bình mỗi ngày vườn nho rừng của ông thu hút gần 500 lượt khách đến tham quan, cao điểm là gần 2.000 khách trong một ngày. Ðông nhất vẫn là dịp thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. 

“Cuối tuần này có một đoàn khách 500 người từ miền Tây lên, họ đã gọi điện báo trước. Khách đến đây được miễn phí hoàn toàn từ vé tham quan, giữ xe đến thử rượu. Mỗi ngày công ty chúng tôi bỏ ra không ít chi phí cho hoạt động phục vụ tham quan vườn nho. Chỉ cần quảng bá đến đông đảo mọi người để có thể bảo tồn giống nho quý là tôi mãn nguyện rồi”- chủ vườn nói như tâm sự.

Tuy rất bận rộn, ông chủ vườn vẫn luôn giữ thái độ ân cần, niềm nở, sẵn sàng tiếp chuyện và chia sẻ thông tin về vườn nho với tất cả mọi người. Hầu như ai đến đây cũng đều tò mò muốn biết về cách trồng trọt, chăm sóc nho rừng. Ông Thông sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ, ông cũng chân tình chia sẻ cùng các bạn trẻ về cách lập nghiệp với số vốn ít ỏi của mình.

Ông Thông cho biết, khu vườn mẫu với diện tích gần 1 ha ấy chỉ dành riêng cho việc phục vụ khách tham quan, nên nho ở đây không cần thu hoạch, cứ để vậy cho khách tha hồ chiêm ngưỡng. Ðặc biệt, nho rừng là loài kháng sâu bệnh, trong quá trình chăm sóc không hề sử dụng hoá chất, nên chủ vườn có thể mời du khách dùng thử ngay tại vườn. 

Hiện tại, công ty của ông Thông đang đầu tư xây dựng thêm một điểm dừng chân du lịch tham quan vườn nho với quy mô 8 ha tại ấp Phước Long 2, cũng ở xã Phan.

Hương vị nho rừng khá đặc biệt, nho rừng có rễ chua, dây chua, lá cũng chua, còn trái khi chín đen có đầy đủ các vị ngọt, bùi, mặn, chua, chát. Ở nhiều nơi, người dân đã biết đây là giống quý hiếm, vì nho rừng ngâm rượu dùng rất tốt cho sức khoẻ.

Trước kia, cũng nhờ thường xuyên vào rừng hái nho đem về cho cha mình ngâm rượu làm thuốc mà ông Thông biết đến giống nho rừng. Quá trình đến với nho rừng của ông cũng lắm gian nan, ông phải sang tận Thái Lan, Campuchia, Lào… lặn lội cùng những người dân bản xứ vào tận các khu rừng để tìm chúng đem về nhân giống. Lúc đầu trồng thử nghiệm, chỉ được 2 năm là nho… chết sạch. Phải vài lần nữa ông Thông mới có được trang trại nho rừng như hôm nay. Hiện tại, ông đã ươm được 3 giống nho rừng, cho 3 loại trái có màu khác nhau: đen tím, hồng cẩm và đen tuyền.

Vườn nho Vang Cy hiện nay có thể nói là một trong những điểm đến thú vị không thể bỏ qua của du khách gần xa khi họ đặt chân đến Tây Ninh. Ðến đây tham quan, mọi người có thể mang về biếu bạn bè, người thân một loại “đặc sản” mới độc nhất tại đất Tây Ninh: rượu vang và mật nho rừng.

HOÀNG KHA - VI XUÂN

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục