Pháp luật   Tư vấn pháp luật

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thoả thuận xác lập tài sản trước hôn nhân – Hạn chế tranh chấp, khiếu kiện 

Cập nhật ngày: 26/12/2020 - 10:48

BTNO - Sau khi ly hôn, vấn đề phân chia tài sản thường được các vợ chồng tự thỏa thuận, nếu không thoả thuận được thì nhờ Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ tranh chấp chia tài sản sau ly hôn rất phức tạp, kéo dài.

Tuyên truyền một số nội dung quan trọng của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các luật khác đến đoàn viên, thanh niên.

Rắc rối chia tài sản khi ly hôn

Kết hôn với nhau vào năm 2000, chị L.T.M.T và anh L.V.K (cùng ngụ huyện Châu Thành) cùng nhau chí thú làm ăn, xây dựng hạnh phúc gia đình. Một thời gian sau, vợ chồng anh chị phát sinh mâu thuẫn, do bất đồng quan điểm nên thường xuyên cãi nhau.

Tháng 12.2018, chị T nộp đơn ly hôn tại Toà án nhưng sau đó đã rút đơn vì muốn con cái có một gia đình trọn vẹn. Nay nhận thấy tình cảm vợ chồng không còn, chị đã yêu cầu ly hôn với anh L.V.K. Tại toà, anh K đồng ý ly hôn và yêu cầu chia tài sản chung và nợ chung của hai vợ chồng.

Theo đó, anh K đòi chia tài sản là phần đất do hai vợ chồng mua của ba mẹ chị T năm 2011, có giấy tay sang nhượng với giá 73 triệu đồng, do chị T làm giấy tờ đứng tên đất và một quán cà phê toạ lạc ở thị trấn Bến Cầu do chị T quản lý buôn bán.

Trường hợp khác, bà Đ.T.L và ông H.V.P chung sống với nhau từ năm 1982, sau đó ly hôn vào năm 2018. Về tài sản chung khi ly hôn, bà L và ông P tự thoả thuận nên không yêu cầu Toà án giải quyết. Tuy nhiên, đến nay bà L và ông P vẫn không thoả thuận được nên bà đã làm đơn ra Toà án giải quyết.

Theo lời bà L, trong thời gian chung sống, bà và ông P có tài sản chung gồm 3 phần đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do 2 người đứng tên, nguồn gốc đất do cha mẹ chồng cho, trong đó có một phần đất có xây cất nhà ở. Nay bà yêu cầu Toà án giải quyết chia tài sản chung là 3 phần đất và căn nhà trên đất, yêu cầu được nhận hiện vật.

Tương tự, ông T.T.M và bà N.T.Đ (cùng ngụ huyện Dương Minh Châu) chung sống với nhau từ năm 1995; đến năm 2009 thì đăng ký kết hôn. Vợ chồng chung sống đến năm 2015 thì phát sinh mâu thuẫn. Tháng 10.2019, bà Đ yêu cầu ly hôn với ông.

Khi ly hôn, vợ chồng mâu thuẫn vì không tìm được sự thống nhất trong việc phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân. Ngày 21.10.2019, ông M khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng thu nhập từ tháng 6.2015 – tháng 10.2019 (thời điểm ly hôn). Trong đó, bao gồm tiền lương mỗi tháng của bà Đ, tiền lời buôn bán, hốt hụi..., với tổng giá trị khoảng 260 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, không ít các tranh chấp của vợ chồng trong quá trình ly hôn có liên quan đến tài sản. Thông thường, các vụ án ly hôn, vợ và chồng đều có yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Thậm chí, nhiều vụ xét xử ly hôn kéo dài, do không xác định được tài sản trước khi kết hôn; hoặc một số trường hợp khác thì một trong các bên lại sở hữu nhiều bất động sản rải rác ở nhiều địa phương khác nhau, khiến việc phân chia tài sản lại càng phức tạp hơn. Có một số trường hợp đương sự cũng có yêu cầu được tính toán công sức quản lý, tôn tạo, phát triển đối với khối tài sản riêng của vợ chồng.

Tuyên truyền một số nội dung quan trọng của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các luật khác đến đoàn viên, thanh niên.

Cần thoả thuận xác lập tài sản trước hôn nhân

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh – Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm TGPL Nhà nước cho biết, việc thoả thuận xác lập tài sản vợ, chồng trước hôn nhân đã được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Chế độ tài sản thỏa thuận là tập hợp các quy tắc do chính vợ, chồng xây dựng nên một cách hệ thống trên cơ sở sự cho phép của pháp luật để thay thế cho chế độ tài sản luật định nhằm điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật Hôn nhân và Gia đình. Quy định này đem lại nhiều hiệu quả và lợi ích thiết thực, giúp bảo đảm được quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình; giảm, tránh được những xung đột, tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn. Tuy nhiên, thực tế nhiều người vẫn chưa nắm rõ quy định này để có những thỏa thuận tài sản trước khi đăng ký kết hôn.

Trợ giúp viên pháp lý chia sẻ thêm, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Vì vậy, khi ly hôn mà có yêu cầu chia tài sản chung thì Tòa án sẽ xem xét, nếu có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng và văn bản này không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì áp dụng các nội dung của văn bản thỏa thuận để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Đối với những vấn đề không được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng hoặc bị vô hiệu thì áp dụng các quy định áp dụng theo luật định, những thỏa thuận có hiệu lực vẫn được tôn trọng và thực hiện.

Bên cạnh chế độ tài sản theo thỏa thuận, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 tiếp tục ghi nhận chế độ tài sản theo luật định là nền tảng trong chế độ tài sản chung của vợ chồng. Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật hôn nhân và gia đình.

Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn trong trường hợp chế độ tài sản vợ chồng theo luật định được quy định bao gồm tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng; đảm bảo sự bình đẳng về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng; tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc chia theo giá trị được hưởng; bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Để hạn chế tranh chấp chia tài sản phát sinh nếu có sau ly hôn, trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng có thể cùng nhau thỏa thuận, quyết định lựa chọn một hình thức thực hiện hợp lý, đảm bảo quyền tự định đoạt của cá nhân đối với tài sản của mình.

Thiên Di