Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thoát nghèo bền vững từ ý chí vươn lên của chính người nghèo
Chủ nhật: 09:35 ngày 16/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Tây Ninh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua rà soát, năm 2022 toàn tỉnh đã giảm 2.342 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh đạt 1,09%, giảm 0,74% so với năm 2021, đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ và Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh giao.

Kết quả trên cho thấy, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Ngoài việc thực hiện hiệu quả các chính sách, thì ý chí, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của chính người nghèo được xem là nhân tố cốt lõi đưa công tác giảm nghèo của tỉnh ngày càng vững chắc.

Đồng hành cùng hộ nghèo

Xác định tầm quan trọng công tác giảm nghèo ở địa phương, trong suốt thời gian qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng tăng cường tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo đến với người dân, nhất là các hộ nghèo trên địa bàn.

Giúp họ nắm được các chính sách ưu đãi, quyền lợi dành cho hộ nghèo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy ý chí, động lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Để triển khai thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Phối hợp triển khai thực hiện linh hoạt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế của phường.

Cụ thể như đối với hộ nghèo mà là đối tượng lớn tuổi không tiếp cận được vay vốn, ngoài các chế độ họ được hưởng như là trợ cấp thường xuyên, bảo hiểm y tế… địa phương sẽ hỗ trợ xây tặng nhà đại đoàn kết, tặng quà. Năm 2022 địa phương đã xây được 6 căn nhà đại đoàn kết, 6 tháng 2023 xây tặng được 4 căn nhà đại đoàn kết.

Còn riêng các hộ nghèo mà chủ hộ là hội viên Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…Ban Chỉ đạo giảm nghèo phường giao trách nhiệm cho các Hội quản lý, cán bộ Hội thường xuyên đến các hộ để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của hội viên, xem họ cần gì để có sự hỗ trợ kịp thời và sát thực tế, như hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn vay tạo sinh kế, từ đó tăng hiệu quả khi triển khai các biện pháp giảm nghèo cho các đối tượng.

Bà Trần Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng cho biết, năm 2022 trên địa bàn phường có 30 hộ nghèo, 58 hộ cận nghèo, nhưng đến nay qua rà soát, hộ nghèo đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 12 hộ nghèo (0,22%) và 51 hộ cận nghèo (0,9%), đạt chỉ tiêu so Nghị quyết Đảng uỷ phường đề ra (tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%).

Nỗ lực vươn lên thoát nghèo

Cũng theo bà Trần Thị Hồng Thắm, để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo không thể thiếu nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là nguồn vốn ưu đãi cho các hộ nghèo, tính đến nay, trên địa bàn phường An Hoà có 38 tổ tiết kiệm vay vốn, tổng dư nợ 45,1 tỷ đồng, cho vay 1.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo.

Trong thời gian qua, đã có rất nhiều hộ nghèo của phường sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách này, cùng với ý chí, cố gắng nỗ lực, nhiều hộ đã bứt phá vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ trung bình, hộ khá. 

Ông Nguyễn Tấn Cảnh (bìa trái) cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Trảng Bàng và Hội Nông dân phường An Hoà thăm đàn bò của gia đình ông.

Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Tấn Cảnh, sinh năm 1983, hội viên Chi hội Nông dân khu phố Hoà Phú, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng. Năm 2016, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, khi đó, ông được địa phương tạo điều kiện vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo sinh kế.

Nhận được vốn, ông Cảnh mua hai con bò sinh sản, với sự cần cù, chịu khó lao động, cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân phường hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó hai con bò phát triển tốt. Kết quả sau 1 năm ông có thêm 2 con bê, thời điểm đó bò được giá cao, nên kinh tế gia đình dần ổn định.

Đến năm 2021, gia đình ông vươn lên thoát nghèo, hiện ông có 6 con bò sinh sản và 5 con bê, thu nhập bình quân hằng năm gần cả trăm triệu đồng, ông có điều kiện lo cho các con học hành và xây được căn nhà khang trang.

Với sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của ông Cảnh, năm 2022, địa phương tiếp tục cho ông vay vốn chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Trảng Bàng 30 triệu đồng để phát triển kinh tế.

Ông Lý Văn Vinh, ngụ khu phố An Phú, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng luôn nỗ lực vươn lên từ nghề mộc của gia đình.

Hay như trường hợp của ông Lý Văn Vinh, sinh năm 1976, hội viên Chi hội Nông dân khu phố An Phú, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng. Từ một hộ nghèo vào năm 2015, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, đến nay gia đình ông đã thoát nghèo và tạo công ăn việc làm ổn định cho 2 lao động ở địa phương.

Theo đuổi với nghề làm mộc, nhưng do ông không có vốn để đầu tư nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị làm nghề, nên các sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cả về số lượng cũng như chất lượng cạnh tranh, làm cho kinh tế gia đình ngày càng đi xuống và nghèo khó.

Sau khi được hỗ trợ vốn 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Thị xã, ông Vinh đầu tư mua thêm máy móc, gỗ phục vụ sản xuất. Từ đây, nghề làm mộc của ông tiến triển hơn, các sản phẩm như: tủ, bàn, ghế có nhiều khách hàng đến đặt mua.

Ông bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm hai lao động. Sau nhiều năm cố gắng làm ăn và tích góp, ông đã hoàn trả vốn cho ngân hàng, kinh tế gia đình ổn định phát triển. Năm 2022, ông được hỗ trợ vay 80 triệu đồng từ vốn chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội Thị xã để đẩy mạnh sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Có thể thấy, cùng với sự quan tâm, đồng hành của cấp uỷ, chính quyền các địa phương đối với công tác giảm nghèo, thời gian qua đời sống các hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được cải thiện nâng cao. Bên cạnh đó, các hộ nghèo cần phải nâng cao tinh thần chủ động, tích cực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, đây là yếu tố quan trọng để công tác giảm nghèo của các địa phương thực sự đạt hiệu quả và bền vững, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.

Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục