Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hơn 5 năm trước, gia đình ông Ngụy Văn Ánh (56 tuổi, ngụ ấp Bình Nguyên 2, xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng) bị thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê kiếm sống. Nhờ chuyển sang trồng cây rau răm, hiện nay gia đình ông Ánh đã thoát nghèo, thu nhập trung bình trên 200 triệu đồng/năm.
Ông Ngụy Văn Ánh bên ruộng rau răm của gia đình. |
Hàng ngày, thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, vợ chồng ông Ánh ra đồng cắt rau răm, bó thành từng bó nhỏ và đem ra chợ bỏ mối cho các tiểu thương. Công việc tuy vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng bù lại, thu nhập từ cây rau răm đã không phụ lòng ông bà.
Ông Ánh tâm sự: “Cách đây hơn 5 năm, gia đình tôi rất khó khăn, chỉ có 5.000m2 đất trồng lúa của cha mẹ cho, sinh hoạt gia đình cứ thiếu trước hụt sau, hai vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền trang trãi gia đình”.
Trong lúc khó khăn, chưa biết phải làm gì để phát triển kinh tế gia đình, một dịp tình cờ, ông cắt đám rau răm phía sau nhà đem ra chợ bán kiếm thêm chút tiền, ra đến chợ thì có nhiều người tranh mua, thấy vậy, ông quyết trồng thử 1.000m2.
Sau những thành công bước đầu, với đầu ra ổn định, đến nay gia đình ông Ánh đã tận dụng hết 5.000m2 đất của gia đình và thuê thêm gần 7.000m2 đất nữa để trồng cây rau răm.
Theo ông Ánh, cây rău răm rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và chi phí lại thấp. Thị trường tiêu thụ rau răm tăng trưởng mạnh, cây rau răm cho thu nhập hàng ngày, chứ không phải chờ đến vụ như trồng lúa, mà giá trị còn cao gấp ba, bốn lần.
Với diện tích gần 12.000m2 hiện đang trồng rau răm, đều đặn mỗi ngày gia đình ông Ánh cắt được khoảng 800 – 900 bó, giá mỗi bó từ 800 đồng đến 1.000 đồng, thu hơn 20 triệu đồng/tháng.
Rau răm được sử dụng làm gia vị trong món- Ảnh minh hoạ. |
Hiện nay, toàn bộ rau răm của gia đình ông Ánh sau khi thu hoạch đã được các tiểu thương ở huyện Gò Dầu thu mua. Với việc chuyển đổi từ trồng lúa sang cây rau răm có hiệu quả như vậy, sắp tới, ông Ánh đang có dự định sẽ mở rộng đầu tư, trồng thêm 1ha nữa.
Theo ông Ánh, tính “thu nhập từ mô hình trồng rau răm lãi hơn nhiều so với trồng lúa, trồng rau răm tốn ít công lao động và chi phí đầu tư hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa vì thời gian bình thường khoảng 3 tháng mới thu hoạch, trong khi cây rau răm chỉ sau 1,5 tháng kể từ khi trồng là có thể thu hoạch được và nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch tới 3 đến 4 năm”.
Việc chuyển đổi cây trồng từ diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng các loại rau gia vị có năng suất và giá trị kinh tế hơn là hướng đi có hiệu quả, mà mô hình trồng rau răm của gia đình ông Ngụy Văn Ánh chính là điển hình.
Rau răm có vị cay tính ấm, có tinh dầu, là một loại gia vị được sử dụng phổ biến trong việc chế biến thức ăn như: cháo lươn, trứng vịt lộn, gà nộm... Trong Đông y, rau răm là vị thuốc có tác dụng chống viêm hạ khí, kích thích tiêu hóa, trừ phong hàn, hoạt huyết tiêu độc. Rau răm được dùng cả lá và cây, được dùng riêng hoặc phối hợp cùng những vị khác thành bài. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô, giã sống vắt lấy nước uống, bã đắp. Dùng khô sắc uống. Rau răm được sử dụng trong dân gian để trị các bệnh như tiêu hoá, cảm cúm sổ mũi, đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh, mụn nhọt... (Theo suckhoedoisong) |
Minh Dương