BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thoát nghèo nhờ chăn nuôi ếch

Cập nhật ngày: 11/10/2010 - 10:57

Chị Que chăm sóc đàn ếch

Rời quê Dương Minh Châu, lên xã mới Thạnh Bắc (Tân Biên) lập nghiệp, mấy năm đầu thất nghiệp, hằng ngày chị và các con phải đi giẫy cỏ mì, trồng mía mướn kiếm sống, đời sống vô cùng khó khăn. Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ xã Thạnh Bắc xét cho vay từ quỹ hỗ trợ việc làm của Hội LHPN tỉnh, chị Phạm Thị Que (sinh năm 1962) hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Bền đã có điều kiện vươn lên. Qua tham quan các mô hình chăn nuôi heo, gà trang trại, nuôi nấm, nuôi ba ba, nuôi ếch…, chị Que nhận thấy các mô hình khác đòi hỏi vốn đầu tư cao, ở hoàn cảnh chị, với số vốn không nhiều, chị chọn mô hình nuôi ếch. Theo chị tính toán, mô hình này vừa phù hợp túi tiền, vừa tận dụng được nguyên liệu xây dựng sẵn có ở địa phương.

Ban đầu, chị chưa thật sự nắm vững kỹ thuật nuôi như phải xây hồ, trại như thế nào, ếch thường nhiễm bệnh ra sao, thức ăn cho ếch phù hợp nhất là gì. Sau nhiều lần tham quan học tập mô hình nuôi ếch ở một số nơi, được sự động viên của các cấp Hội, năm 2007 chị Que đã mạnh dạn mua 10 cặp ếch giống với giá 2 triệu đồng từ một trang trại ở Củ Chi về nuôi. Với tinh thần vừa học vừa làm, quyết tâm xoá đói giảm nghèo, chị tận dụng khoảng diện tích đất sau nhà để nuôi ếch. Lúc đầu chị chỉ xây 2 hồ, diện tích mỗi hồ khoảng 4 mét vuông. Có hồ, có giống nhưng khó khăn là nguồn thức ăn, phương pháp chăm sóc và đầu ra, giá cả như thế nào chị vẫn còn mơ hồ… Lại tìm tòi học hỏi, rút kinh nghiệm, từng bước khắc phục khó khăn, ngoài thức ăn công nghiệp sẵn có, chị còn tự chế biến thức ăn cho ếch nhằm giảm chi phí mà sự tăng trọng của ếch không hề giảm, chất lượng bảo đảm.

Sau một năm chăn nuôi ếch, chị Que đã có 3 lần xuất ếch thịt đạt gần 1 tấn với giá bình quân 30.000 - 35.000 đồng/kg, thu nhập trên 30 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí ban đầu như: giống, chuồng trại… chị còn lãi trên 15 triệu đồng.

Từ khoản tiền lãi thu được, chị Que tiếp tục xây thêm 2 hồ và nhân số ếch nái lên 25 cặp ở năm thứ hai, 50 cặp ở năm thứ ba. Sau 3 năm vừa học vừa làm, kỹ thuật nuôi ếch của chị Que đã được nâng lên đáng kể. Số ếch con hao hụt (chết vì bệnh) đã giảm, hiện nay chị có 50 cặp ếch giống và hơn 5.000 ếch con. Nếu số lượng và giá cả ổn định như hiện nay, cuối năm 2010 tiền lãi có thể lên 40-50 triệu đồng. Chị cho biết thêm, sẽ mở rộng quy mô, đồng thời vận động các hội viên trong ấp và một số hộ nghèo nhân rộng mô hình chăn nuôi ếch, góp phần xoá đói giảm nghèo. Phần chị, sẵn sàng trợ giúp các chị em khác về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi nếu họ cần.

Nhờ thành công trong nghề chăn nuôi ếch, gia đình chị Que nay đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá lên. Mặc dù bận chăm lo kinh tế gia đình nhưng chị cũng không quên trách nhiệm của mình. Chi hội Phụ nữ của chị luôn luôn đạt xuất sắc trong phong trào công tác Hội.

Hiện nay ở xã Thạnh Bắc cũng có nhiều mô hình chăn nuôi trang trại: gà, heo, ba ba… nhưng nguồn vốn đầu tư khá cao. Hội LHPN xã đã và đang vận động toàn thể hội viên học tập mô hình chăn nuôi ếch của chị Que ở ấp Bàu Bền. Đây là mô hình có nhiều ưu điểm dễ thực hiện, vốn đầu tư không cao, ít tốn mặt bằng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của số đông người cuộc sống còn khó khăn.

Kim ChuyỀn

(Hội Phụ nữ xã Thạnh Bắc)