BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thoát nghèo nhờ đề án hỗ trợ bò sinh sản 

Cập nhật ngày: 03/07/2020 - 20:36

BTNO - Việc triển khai Đề án số 01/ĐA-MTTQ-BTT của Ban Thường trực UB.MTTQVN tỉnh Tây Ninh về việc hỗ trợ trâu/ bò sinh sản cho hộ nghèo giai đoạn 2016–2020 đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hàng chục hộ nghèo trên địa bàn xã Hoà Hội (huyện Châu Thành) từng bước thoát nghèo, ổn định đời sống.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho biết, theo đề án, đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Với hình thức sau khi bò giống đẻ con, hộ hưởng thụ nuôi bê con đến 12 tháng tuổi.

Nếu là bê cái, hộ có nghĩa vụ trả lại cho Ủy ban MTTQ Việt Nam xã để chuyển giao cho hộ tiếp theo và chủ hộ được toàn quyền sử dụng con bò mẹ cùng những lứa con sinh ra tiếp theo. 

Nếu là bê đực, gia đình sẽ bán nộp tiền lại cho đề án. Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban MTTQ xã hỗ trợ 19 con bò cho 19 hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, từ 19 con đã tăng lên 35 con. Trong đó, đã chuyển giao 5 bê cái đủ 12 tháng tuổi cho những hộ tiếp theo, thanh lý 11 con bê đực.

Cán bộ  MTTQ xã Hoà Hội thăm hỏi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò cho các hộ thụ hưởng.

Từ công tác chọn hộ đến tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật đều được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Cùng với đó, phân công cán bộ thú y thường xuyên theo dõi, bám sát đề án, hướng dẫn cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trị bệnh, phối giống cho bò.

Hộ gia đình chị Lâm Thị Linh ở ấp Lưu Văng Vẳng là một trong những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được nhận bò sinh sản miễn phí để chăn nuôi theo đề án. Chị Linh chia sẻ, chồng chị là lao động chính trong gia đình, cuộc sống của cả nhà 4 người và chi phí nuôi con ăn học chỉ trông chờ vào tiền công làm thuê ít ỏi nên cuộc sống rất bấp bênh.

Năm 2018, gia đình được Mặt trận hỗ trợ một con bò giống theo đề án và cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Chị hiểu được đây là tài sản lớn nên đã chăm sóc bò rất tốt, ngoài chăn thả, gia đình còn trồng cỏ voi, nấu cám cho bò ăn. Sau hơn 5 tháng chăn nuôi, con bò đã sinh ra bê con và gia đình đã bàn giao lại cho xã.

“Từ ngày được hỗ trợ bò cái sinh sản mà kinh tế của gia đình tôi đã dần khá lên. Từ hộ nghèo, không có con giống để sản xuất, giờ đây gia đình đã có đàn bò để chăm sóc và hiện nay đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo trong xã. Tôi cố gắng chăm sóc bò cho thật tốt để nó sinh sản và sau này có điều kiện lo cho con cái được học hành”, chị Linh cho hay.

Chị Linh chăm sóc và cho bò ăn cỏ.

Không chỉ có gia đình chị Linh, gia đình bà Som Kmau (50 tuổi, ngụ ấp Bưng Rò) cũng có chung niềm vui thoát nghèo từ dự án hỗ trợ bò sinh sản. Theo lời của bà Som Kmau, gia đình có 5 nhân khẩu nhưng không có đất đai canh tác, phải làm thuê làm mướn, công việc và thu nhập rất bấp bênh. Năm 2019, gia đình được hỗ trợ một con bò cái sinh sản.

Nhờ cần cù chăm sóc bò, xây chuồng trại và trồng cỏ để nuôi, hiện con bò của bà Som Kmau đang phát triển tốt, khỏe mạnh và đến nay đã sinh sản được 2 lứa. Bà Som Kmau tâm sự: “Trong lúc hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, gia đình được chính quyền địa phương giúp đỡ, hỗ trợ bò sinh sản, tui mừng lắm! Gia đình cố gắng chăm sóc bò thật tốt, gầy dựng thành đàn để phát triển kinh tế gia đình”.

Giống như các hộ gia đình trên, năm 2019, gia đình ông Nguyễn Đức Mạnh (ngụ ấp Lưu Văng Vẳng) được MTTQ xã hỗ trợ 1 con bò giống. Nhờ chăm sóc tốt mà chỉ sau vài tháng bò đã sinh được bê con. Hiện nay, con bò đã sinh thêm một con bê khác được gần 1 tháng và đang phát triển rất tốt.

Bà Som Kmau chăm sóc và cho bò ăn cỏ.

Ông Mạnh chia sẻ, những năm qua, cuộc sống gia đình rất bấp bênh vì đông con, dẫu vợ chồng ông đã cố gắng bươn chải làm ăn. Các con của ông đã lập gia đình cũng chỉ làm thuê, cuộc sống khó khăn nên không phụ giúp cho cha mẹ được nhiều.

Còn ông bà hiện đang sống cùng người con út trong căn nhà lụp xụp, chật hẹp. Thấy hoàn cảnh khó khăn, MTTQ xã hỗ trợ cho gia đình bò giống sinh sản. Sau khi nhận bò, gia đình đã chăm sóc cẩn thận. Hàng ngày, người con trai út thả bò ra đồng ăn cỏ, rồi mới đi làm.

Ông dự định sau khi con bê lớn sẽ bán đi để có tiền dành dụm, lo liệu lúc ốm đau. “Vợ chồng tôi lớn tuổi rồi, lại mang bệnh trong người nên có làm được việc gì đâu. Hiện con bò là tài sản lớn nhất của gia đình, đảm bảo cho tuổi già của vợ chồng tôi. Có nó, tôi đỡ lo lắng, vất vả về cuộc sống hơn”, ông Mạnh tâm sự.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hoà Hội Nguyễn Thuý Vân cho hay, với lợi thế đất đai, nguồn cỏ dồi dào nên các hộ không tốn kém chi phí trong quá trình nuôi dưỡng và phát triển đàn bò thuận lợi. 

Việc trao tặng bò giống cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã góp phần “trao cần câu” cho hộ này, giúp họ có thêm điều kiện sản xuất, mở ra hướng đi mới cho người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình bằng chính sức lao động của mình.

Nhờ vậy, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 3,65% năm 2016, xuống còn 0,54% năm 2020. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã tiếp tục chuyển giao số bê mới sinh cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Thiên Di