Tây Ninh hội tụ nhiều yếu tố để phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp
Trong tương lai, Tây Ninh sẽ đón nhận các dự án giao thông quan trọng như: Đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài; đường cao tốc Gò Dầu - TP Tây Ninh - Xa Mát, đường Hồ Chí Minh… Tây Ninh hội tụ đầy đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa để phát triển kinh tế, đặc biệt quỹ đất rộng và người dân cần cù, chịu khó là thế mạnh để thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực nông nghiệp.
Thu hút nhiều dự án ngàn tỉ đồng
Là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp, Tây Ninh đang thu hút các nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài đến đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi. Điển hình, tháng 5-2024, tỉnh khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 với tổng vốn đầu tư lên đến 2.500 tỉ đồng và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh dự án khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN hiện đại áp dụng 100% công nghệ cao, công nghệ xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, quy chuẩn quốc tế. Đây là dự án khởi đầu cho chuỗi từ tạo con giống, chăn nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gà thịt, đặc biệt là xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
"Đây là sự cam kết, đồng hành của doanh nghiệp trong hiện thực hóa quy hoạch tỉnh ở lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời minh chứng về một Tây Ninh năng động, trách nhiệm, nghĩa tình, giàu tiềm năng, là điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong và ngoài nước" - ông Ngọc khẳng định.
Nói về lý do chọn Tây Ninh làm địa điểm đầu tư, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc toàn cầu De Heus, cho rằng tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút vốn FDI, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó, Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) đã đưa vào vận hành cụm trang trại xanh hiện đại nuôi heo công nghệ cao Hải Đăng tại tỉnh Tây Ninh với công suất 5.000 heo nái, 60.000 heo thịt. Ngoài ra, trang trại bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) diện tích 685 ha tại xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng cũng đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây được xem là trang trại bò sữa độc lập lớn nhất Việt Nam chuẩn bị mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ hiện đại và hiện mô hình này đang được nhân rộng.
Tháng 9-2023, UBND tỉnh Tây Ninh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án trang trại chăn nuôi gà theo mô hình trại lạnh khép kín do Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Miền Đông Nam làm chủ đầu tư. Dự án có công suất 350.000 con gà/lứa (5 lứa/năm), xây dựng trên diện tích 67.394,8 m2 tại huyện Tân Châu, tổng vốn đầu tư 60 tỉ đồng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (bên trái) cùng đoàn công tác thăm quy trình sản xuất gà khép kín của một doanh nghiệp ở tỉnh Tây Ninh.
Phát triển đa dạng và ổn định
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, khẳng định với thế mạnh về ngành nông nghiệp, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện đang phát triển đa dạng và ổn định. Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh khoảng 9,9 triệu con, sản lượng thịt gia cầm 62.460 tấn/năm; sản lượng trứng đạt 900 triệu quả/năm. Toàn tỉnh hiện có 2 huyện là Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 6 xã thuộc huyện Gò Dầu được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà.
Ngoài ra, có 49 cơ sở chăn nuôi gà được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Dự kiến đến tháng 12-2024, tỉnh sẽ có thêm 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà là huyện Tân Biên và Gò Dầu.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, để thu hút đầu tư và phát triển ngành nông nghiệp, tỉnh xem việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển chăn nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần tái cơ cấu chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.
Bên cạnh đó, sản phẩm động vật phải có nguồn gốc từ động vật được nuôi giữ tại quốc gia, vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; được giết mổ, sơ chế, chế biến tại những cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp phép và được cơ quan thú y kiểm soát theo các quy định và được chứng nhận không có bất cứ dấu hiệu nào của dịch bệnh.
UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đã được thực hiện trên cơ sở Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 25-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030". UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu người chăn nuôi nhận biết được tầm quan trọng của việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để tích cực tham gia, hưởng ứng thực hiện.
Tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện tỉnh Tây Ninh có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh. Năm 2023, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với đàn heo 297.000 con (tăng 28,5% so với cùng kỳ) và đàn gia cầm trên 9,5 triệu con (tăng 5,6% so với cùng kỳ); chăn nuôi trang trại chiếm 78% (tăng 8% so với cùng kỳ)...
Nổi bật là thu hút mạnh mẽ đầu tư các dự án chăn nuôi. Trong đó, có các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty De Heus, Công ty BAF, Công ty Vinamilk với những dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân. Đây được xem là các dự án tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian tới.
Nguồn NLDO