Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong những ngày nóng như hiện tại ở nước ta, có những thời điểm trong ngày mà nắng nóng trở nên đặc biệt gay gắt, ảnh hưởng nhiều nhất đến cơ thể con người. Khác với cách nghĩ của nhiều người, thời điểm đó không phải lúc giữa trưa. Tại sao lại như vậy?
Cả nước ta đang trải qua những ngày nắng nóng gay gắt, một số địa phương có nắng nóng đặc biệt gay gắt. Vào những ngày này, không ai muốn ra đường vào những giờ nóng cao điểm.
Nhưng giờ nóng cao điểm với nhiệt độ cao nhất trong ngày là giờ nào?
Theo suy nghĩ thông thường, nhiều người cho rằng lúc nóng nhất là giữa trưa, hay chính ngọ (khoảng 12h trưa). Nhưng thực tế không phải như vậy. Ví dụ, vào 12h trưa thứ Bảy, 20/4, nhiệt độ ở thủ đô Hà Nội là 43oC, Thành phố Hồ Chí Minh là 40oC (nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài rời). Đến 13h, nhiệt độ Hà Nội là 44oC, TP.HCM là 41oC. Lúc 14h, nhiệt độ Hà Nội là 45oC.
Nhiệt độ ở một số thành phố châu Á lúc 12h trưa thứ Bảy, 20/4. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.
Tại sao lại như vậy?
Thời điểm trong ngày mà Mặt Trời ở vị trí cao nhất trên bầu trời là khoảng giữa trưa, gọi là trưa Mặt Trời. Đây là lúc Mặt Trời cung cấp cho Trái Đất ánh nắng trực tiếp nhất. Vào thời điểm này, chỉ số UV sẽ cao nhất, và con người ra ngoài trời sẽ nhanh bị cháy nắng nhất, theo kênh NBC 5. Tuy nhiên, đây lại không phải là lúc nhiệt độ cao nhất trong ngày.
Theo trang khoa học Sciencing, vào giữa trưa ngày mùa Hè, bề mặt Trái Đất bắt đầu nóng lên. Nói ngắn gọn, nhiệt độ tiếp tục tăng khi Trái Đất nhận nhiều nhiệt hơn mức nhiệt mà Trái Đất truyền vào không gian. Trung tâm Dữ liệu Khí hậu Quốc gia của Mỹ ước tính có độ trễ khoảng 1 - 4 tiếng giữa thời điểm Mặt Trời cung cấp cho Trái Đất ánh nắng trực tiếp nhất với thời điểm nóng nhất trong ngày. Và ở nước ta, vào mùa Hè, thời điểm nóng nhất trong ngày là khoảng 13h đến 15h, có khi đến 16h, tùy vào tốc độ gió và mức độ che phủ của mây.
Nhiệt độ ở một số thành phố châu Á lúc 14h thứ Bảy, 20/4: Có thể thấy là nóng hơn lúc giữa trưa. Ảnh: Zoom Earth, OpenStreetMap.
Tất nhiên, cũng như nhiều hiện tượng tự nhiên khác, thời điểm nóng nhất trong ngày còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm trong năm, vị trí của quốc gia, độ cao của địa phương (ví dụ vùng núi sẽ khác với đồng bằng)…
Tóm lại, bạn có thể hình dung đơn giản thế này, những tia nắng Mặt Trời làm nóng Trái Đất giống như ngọn lửa trên bếp đun sôi nước. Dù người dùng để lửa to thì cũng phải đợi một lúc, nước mới nóng lên và sôi. Nhiệt độ trong ngày cũng tương tự như vậy.
Nguồn HHT