Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tản văn
Thời online lên ngôi…
Thứ bảy: 00:25 ngày 25/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hoạt động online là xu hướng của tương lai. Khi thế giới còn bình yên, được khuyến khích tiếp cận, người ta lại hay “ngó Ðông ngó Tây” do thiếu kiến thức, lười nhác hoặc sợ sự thay đổi. Cái “sức ì” ấy giờ đây đã bị giáng một đòn chí mạng khi anh buộc lòng phải chấp nhận “online hay là chết”.

Covid-19 bùng phát, các hoạt động cộng đồng đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp buộc phải hạn chế hoặc tạm dừng. Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Những hoạt động thiết yếu mang tính “sống còn” như bán mua lương thực thực phẩm, thuốc men trong dân; hoạt động của bộ máy công quyền, hệ thống giáo dục… đều phải duy trì.

Nói cho công bình, hoạt động online (trực tuyến), giao tiếp online ngày chưa có dịch không phải không tồn tại, nhưng rõ ràng còn rất hạn chế so với kiểu hoạt động “offline” (gặp mặt giao dịch trực tiếp) truyền thống. Cũng phải thôi! Thứ nhất, đó là thói quen ngàn đời không dễ một sớm một chiều thay đổi.

Thứ hai, đem so về độ tín nhiệm, đương nhiên những giao dịch online khó lòng đạt độ tín nhiệm cao so với offline. Không gian mạng là “không gian ảo”, đương nhiên hàm chứa lọc lừa, cạm bẫy nhiều hơn, khó phòng bị hơn.

Chuyện quảng cáo lập lờ để bán đồ xạo, đồ dỏm, cam đoan bảo hành “lấy có”, thậm chí còn lừa tiền của những người, cơ sở kinh doanh thiếu lương tâm đã khiến mảng thương nghiệp online non trẻ chịu nhiều tiếng xấu, chưa cạnh tranh nổi với thương nghiệp truyền thống kệ cho những ưu điểm lớn của hệ thống này.

Về phía 2 hệ thống giáo dục và công quyền, hoạt động online gần như chỉ mới ở giai đoạn… thử nghiệm, phôi thai. Ðã vậy, cộng đồng cũng chưa hưởng ứng mặn mà bởi nó lạ lẫm; lại còn đòi hỏi người tham gia phải có trình độ và những kỹ năng công nghệ thông tin tối thiểu. Yêu cầu này không khó lắm với lớp người trẻ, nhưng với lớp đứng tuổi hoặc già, đa phần vượt quá khả năng…

Vậy nhưng, “giặc Covid” tới đã bất ngờ làm thay đổi mọi thứ!

Giờ thì, nói gọn: muốn sống phải… online, online và online! Ngoại trừ những hoạt động offline bất khả kháng (hết sức hạn chế) như y tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng, tất cả những hoạt động còn lại đều gần như bắt buộc phải “online hoá”.

Phải, chỉ có online mới tránh (hoặc hạn chế tới mức thấp nhất) nguy cơ lây lan dịch bệnh do tiếp xúc. Với cộng đồng, đó là một lựa chọn bắt buộc, mang tính sống còn. Vùng phát dịch đã đành, vùng chưa phát dịch cũng phải tận dụng online như một giải pháp phòng vệ từ xa. Hành chính công online, dạy học online, mua bán online… nhất loạt lên ngôi, thay cho kiểu offline truyền thống. Không muốn cũng phải làm, không biết phải ráng học chứ không thể đùa với đại dịch!

Ngày chưa có dịch, đối với tài khoản ngân hàng, tôi đã đăng ký phòng xa dịch vụ internet banking nhưng không mấy khi xài. Không xài mà cứ tới tháng bị trừ phí nhiều khi thấy cũng hơi… xót. Bất ngờ đại dịch bùng phát.

Ðịa phương tôi nằm trong vùng dịch đương nhiên chuyện giao dịch bằng tiền mặt hay ra ngân hàng/cây ATM rút tiền đều vô cùng nguy hiểm; vậy nên tất tật mọi giao dịch tiền bạc - nếu có thể - tôi đều tận dụng internet banking để chuyển (tiền) online.

Tốn chút phí nhưng an toàn, chóng vánh, đỡ cái cảnh bước vô cây ATM vừa thao tác vừa run, ôm xấp tiền mặt về nhà còn phải trải ra từng tờ mà phun khử khuẩn. Tóm lại, giờ nếu phải trả phí thuê bao… gấp đôi cho cái dịch vụ internet banking quý hoá tôi cũng sẵn lòng.

May cho đất nước, đại dịch ập tới khi chúng ta đã sở hữu một hệ thống internet băng thông rộng khá phát triển với lượng người dùng cao. Bởi không internet thì làm gì có hoạt động online, mà như vậy thì sự vận hành của các cỗ máy - từ hành chính tới dân sinh - khi lâm “đại nạn” chắc chắn là tê liệt. Có bỡ ngỡ va vấp buổi đầu do thích nghi chưa kịp, nhưng online vẫn là cứu cánh duy nhất, là lựa chọn không có gì để chọn (ngoài nó).

Hoạt động online là xu hướng của tương lai. Khi thế giới còn bình yên, được khuyến khích tiếp cận, người ta lại hay “ngó Ðông ngó Tây” do thiếu kiến thức, lười nhác hoặc sợ sự thay đổi. Cái “sức ì” ấy giờ đây đã bị giáng một đòn chí mạng khi anh buộc lòng phải chấp nhận “online hay là chết”. Bản năng sinh tồn đâu ai muốn chết, vậy là (bằng mọi giá) buộc phải vượt qua chướng ngại mà làm quen với cái công nghệ tương lai kia thôi.

Y Nguyên

Tin cùng chuyên mục