Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Khom lưng khi nâng vật nặng từ dưới đất lên, cúi người lau quét nhà, ngồi sai tư thế hàng giờ... dễ gây đau lưng, tổn hại cột sống.
Bác sĩ Paul D'Alfonso, Giám đốc phòng khám trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare, cho biết nguyên nhân đau lưng có thể đến từ những thói quen, tư thế sinh hoạt thường ngày như đứng, ngồi, mang vác đồ vật, làm việc nhà.
Theo bác sĩ Paul, cột sống cấu tạo từ nhiều đốt sống, được xem là trụ cột duy nhất vừa đóng vai trò nâng đỡ phần trên cơ thể vừa điều khiển hầu hết các vận động như di chuyển, cúi, xoay, nghiêng, ngửa... Các đốt sống và cơ xung quanh luôn chịu tác động lực từ các hoạt động, đặc biệt là những vận động tạo ra sức căng, kéo, lặp đi lặp lại như chơi thể thao, chạy nhảy, mang vác, lao động nặng...
Nâng vật nặng sai cách
Nhiều người hay có thói quen nghiêng hoặc cúi người xuống khi muốn bê, nâng một vật từ dưới đất lên. Bất kỳ động tác nào của cơ thể cũng có một chuỗi điều khiển và cần thời gian chuẩn bị. Tư thế đột ngột này khiến cột sống bị bẻ cong và chịu một sức ép lớn.
Hệ thống dây chằng bị căng quá mức, các đốt sống chèn ép lên dây thần kinh. Nghiêm trọng hơn, đĩa đệm có thể bị trật khỏi vị trí ban đầu. Các phản ứng tự nhiên này của cơ thể gây nên các cơn đau lưng, nhức mỏi đặc biệt là vùng thắt lưng. Nếu không nghỉ ngơi, trị liệu kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống và khả năng vận động, sinh hoạt.
Theo bác sĩ Paul, khi muốn nâng vật nặng, đứng trước đồ vật cần nâng, hai chân cách nhau một khoảng rộng để tạo thế vững chắc. Sau đó từ từ khuỵu chân xuống gần với món đồ và đứng dậy rồi nhấc đồ lên. Tư thế này giúp sử dụng lực của phần hông, sức của đôi chân, nơi chứa nhiều cơ bắp lớn thay vì tác động lực vào cột sống hay khiến cột sống bị vặn, xoắn, gập...
Ngồi sai tư thế
Chứng đau lưng và các bệnh liên quan đến cột sống thường gặp nhiều ở những người phải ngồi làm việc hàng giờ bên máy tính, nhất là nhân viên văn phòng.
Khi làm việc, nhiều người thường thấy dễ chịu với tư thế khom lưng, cúi, vắt chéo chân, hoặc dựa vào phần tựa lưng. Đây là những tư thế hoàn toàn không tốt cho cột sống. Tư thế ngồi này khiến cột sống bị cong, các dây chằng, cơ gân bị co rút, phần đĩa đệm ở thắt lưng cấn lên phía trước, gây đau lưng.
Nếu duy trì tư thế ngồi không tốt và kéo dài liên tục có thể khiến cột sống bị lệch, biến dạng và gây nên bệnh thoát vị đĩa đệm... với các biểu hiện đau mỏi thắt lưng, cơn đau lan tỏa xuống chân, đau lưng khi đứng thẳng, khó khăn trong vận động, đi lại...
Tư thế ngồi làm việc đúng là ngồi thẳng lưng để thấy được phần cong ở phần lưng dưới. Tuy nhiên động tác này khá khó duy trì khi ngồi trên một ghế có tựa lưng. Cách khắc phục là thay thế bằng một chiếc ghế không có tựa lưng, chiều cao phù hợp, hai chân đặt sát trên nền nhà buộc cơ thể phải dùng thêm sức để ngồi thẳng. Trọng lượng cơ thể phân bố đều lên mông và hai chân, vì vậy các cơ bắp cũng sẽ khỏe hơn và giữ độ cong ở vùng lưng dưới.
Cúi khi lau dọn nhà
Những hoạt động tưởng chừng vô hại hàng ngày như cúi khi quét, lau nhà là nguyên nhân dẫn đến chứng đau lưng. Người Việt Nam thường dùng chổi có cán ngắn buộc phải cúi xuống khi muốn quét, lau nhà. Ở tư thế này, toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn vào thắt lưng phía dưới, các cơ cạnh cột sống và hệ thống dây chằng bị quá tải khiến đau lưng khi muốn đứng thẳng người trở lại, các cơn đau âm ỉ, kéo dài.
Các dấu hiệu đau, nhức mỏi, căng cơ... là sự báo động của cơ thể cho biết tư thế làm việc sai. Nếu không điều chỉnh, tư thế này sẽ gây tổn thương và giãn dây chằng, trượt đốt sống. Về lâu dài có thể gây thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm.
Cách để sửa chữa thói quen cúi gập người khi lau dọn nhà là sử dụng một ống cây để nối dài cán chổi cao ngang tầm mắt. Đây là độ cao phù hợp để tay và cột sống hoạt động ít hơn, thay vào đó là sử dụng phần chân và trọng lượng cơ thể để làm việc, giúp phân bố lực lên toàn bộ cơ thể chứ không chỉ dùng lực phần lưng. Khi lau dọn nhà, tránh các tư thế cúi gập, xoay người cùng lúc khiến cột sống thoái hóa và theo thời gian dẫn đến chấn thương.
Nếu đã gặp vấn đề về cột sống, nên đến các bác sĩ, chuyên gia xương khớp, cột sống để điều trị kịp thời.
Nguồn VNE