Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thời tiết giao mùa, cẩn trọng khi sử dụng thực phẩm
Thứ sáu: 16:37 ngày 10/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc, bảo đảm an toàn thực phẩm những ngày thời tiết giao mùa, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã có những khuyến cáo người tiêu dùng.

Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân được ngành chức năng xác nhận là thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi phát triển. Để tránh xảy ra tình trạng ngộ độc, bảo đảm an toàn thực phẩm những ngày thời tiết giao mùa, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh đã có những khuyến cáo người tiêu dùng.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế thường xuyên tổ chức kiểm tra tại các hàng quán ăn uống để nâng cao ý thức kinh doanh, chế biến thực phẩm cho người dân.

Nguy cơ cao ngộ độc thực phẩm

Theo các chuyên gia, thời tiết nắng nóng và ẩm (từ 50C - 600C) là điều kiện thuận lợi cho hầu hết các vi khuẩn trong thực phẩm phát triển. Đây là lý do các ca ngộ độc thực phẩm trở nên phổ biến hơn vào mùa hè. Khi nhiệt độ và độ ẩm cao, nếu thức ăn không được bảo quản đúng cách, nấu xong không ăn ngay hay bảo quản ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ mà không hâm lại khi ăn sẽ dễ bị ôi thiu (do vi khuẩn có hại phát triển), gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Mặt khác, nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, chuột… cũng là những vấn đề đáng lo ngại đối với sức khoẻ của người tiêu dùng.

Theo bác sĩ Hùng Công Bình- Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm trong thời tiết hiện nay, hàng quán bán thức ăn và người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản, có trách nhiệm trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như bảo quản thực phẩm.

Đối với hàng quán, người tham gia chế biến phải bảo đảm vệ sinh tay, dụng cụ ăn uống, chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm bảo đảm vệ sinh; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong điều kiện không đông đá, tạo điều kiện cho vi khuẩn yếm khí (kỵ khí) phát triển, ví dụ như Clostridium botulinum.

Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cộng đồng.

Người tiêu dùng khi mua và sử dụng cần chọn những thực phẩm còn tươi, thực phẩm có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng nên thực hiện “ăn chín, uống sôi”, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Nhiều ý kiến cho rằng, thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh có hai mặt “lợi - hại”. Trên thực tế, tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm; hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không bảo đảm; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hư, hỏng, ôi thiu.

Bác sĩ Hùng Công Bình cho biết, thực phẩm dễ bị ôi thiu ở nhiệt độ bình thường nếu không bảo quản đúng cách, nên cần có cách bảo quản phù hợp với từng nhóm thực phẩm, điều này sẽ giúp cho việc giữ các chất dinh dưỡng cũng như độ tươi ngon của thực phẩm khi chế biến. Đối với thực phẩm đông lạnh, cần được bảo quản, sơ chế đúng cách, trước khi rã đông không nên để sản phẩm nguyên trong bao gói ngâm vào nước lạnh, hoặc để dưới vòi nước chảy, hoặc ngâm trực tiếp vào nước, vì dịch bào có chất dinh dưỡng sẽ tan ra và hoà vào trong nước, thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng và bị nhão.

“Trước khi sử dụng một ngày, nên chuyển nguyên liệu từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông. Đây là một phương pháp được xem là tối ưu và an toàn nhất mặc dù tốn khá nhiều thời gian. Trường hợp chưa dùng ngay, chúng ta vẫn có thể tái đông để bảo thực phẩm lâu hơn. Hoặc dùng lò vi sóng để rã đông, trong môi trường điện trường cao tần, thực phẩm không bị làm vỡ tế bào. Tuy nhiên, phương pháp này cần được chế biến ngay vì phần thịt có thể đã hơi chín”- ông Bình nói.

Bác sĩ Bình khuyến cáo thêm, việc bảo quản, chế biến thực phẩm tươi sống bảo đảm an toàn vệ sinh là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn, giúp nâng cao đề kháng chống nhiễm bệnh và cải thiện sức khoẻ. Mỗi loại thực phẩm có cách bảo quản riêng biệt, nhưng để có món ăn ngon và không hao hụt các chất dinh dưỡng, cần rút ngắn thời gian từ lúc thu hoạch, vận chuyển, mua thực phẩm, bảo quản, cho đến chế biến thực phẩm. “Tất cả các nhóm thực phẩm tươi, sống cần phải được nấu ngay, ăn ngay sau khi chế biến, tránh để thời gian quá lâu sẽ làm mất các chất dinh dưỡng, như rau quả thái nhỏ để lâu sẽ làm mất vitamin C, beta-caroten…”- bác sĩ Bình lưu ý thêm.

Bảo quản đồ ăn đúng cách để bảo đảm giá trị dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lưu ý với thức ăn đường phố

Một thực tế hiện nay, món ăn đường phố, đặc biệt là những hàng quán trước cổng trường gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm cho các em học sinh và người dân ở một số tỉnh, thành khiến dư luận quan tâm. Đây cũng là một trong những vấn nạn đã xảy ra tại địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian gần đây.

Bác sĩ Hùng Công Bình cho biết, hằng năm, Sở Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATVSTP tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn cho BCĐ huyện, thị, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với loại hình kinh doanh này.

Trong đó, chỉ đạo các đơn vị tập trung quản lý điều kiện an toàn thực phẩm của các cơ sở, điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ, điều kiện bảo quản thức ăn, vệ sinh cá nhân của người trực tiếp chế biến thức ăn, kiểm thực 3 bước và việc lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Nhờ vậy, các đơn vị đã phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định ATVSTP theo quy định pháp luật, công khai các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về kiến thức ATVSTP, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao trách nhiệm của người chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố.

Ngoài ra, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm cho ban giám hiệu và quản lý bếp các trường học. Để từ đó ban giám hiệu tuyên truyền về ATVSTP cho giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, các căn-tin trường duy trì thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngọc Bích - Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục