Dân
tộc Chứt hiện có 1.204 hộ với 5.438 khẩu, gồm 5 nhóm địa phương: Sách, Mày, Rục,
A rem, Mã liềng, cư trú chủ yếu ở các huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá, Bố Trạch (tỉnh
Quảng Bình). Cũng như các dân tộc khác trong vùng, lương thực chủ yếu của dân
tộc Chứt là ngô, sắn, lúa nương và các loại củ quả (chất có bột) được khai thác
trong rừng.
Người Chứt có món cơm pồi được
chế biến rất công phu. Nguyên liệu để làm món cơm pồi gồm: ngô hạt, lúa nếp
nương, sắn củ. Ngô hạt ngâm nước trong khoảng nửa ngày, vớt ra để ráo, rồi cho
vào cối giã mịn; lúa nếp nương giã loại bỏ vỏ trấu rồi giã gạo mịn thành bột;
sắn củ bóc vỏ, thái mỏng, ép dập, vắt kiệt nước. Khi các nguyên liệu đã chuẩn bị
xong, đồng bào trộn đều nguyên liệu với một ít nước lã, muối rồi cho vào ống
tre, lấy lá chuối rừng nút chặt phần miệng để giữ nhiệt cho cơm mau chín. Để cho
ống khỏi nứt, đồng bào dùng dao tước bỏ phần vỏ cứng bên ngoài của ống tre.
Những ống tre đặt trên lửa than độ một giờ đồng hồ. Đến lúc có mùi thơm toả ra
là cơm pồi đã chín. Cách nấu này giống với cách nấu cơm lam của một số DT thiểu
số của các tỉnh phía Bắc, chỉ khác thành phần nguyên liệu.
Cách nấu thứ hai là bỏ các ống
tre có đựng cơm pồi vào nồi, dựng miệng ống có bịt lá chuối lên trên, đổ nước
vào đun cho đến khi nào toả ra mùi thơm là được.
Cách nấu thứ 3 giống cách đồ
xôi của người Việt. Hiện nay cách nấu này tương đối phổ biến bởi vì tiện dụng.
Nguyên liệu được cho vào chiếc chõ bằng gỗ, giữa chõ đặt một tấm phên nứa, lót
lá chuối rừng trước khi đổ nguyên liệu vào đồ lên.
Trong 3 cách nấu trên thì cách
hơ than có hương vị đặc biệt nhất: cơm pồi có vị thơm của lớp lụa tre rừng, độ
dẻo cao.
Đồng bào Chứt thường ăn cơm
pồi với canh rau rừng, nấu với các loại cá, ốc hoặc thịt thú rừng chặt thành
miếng vừa phải đem nướng hay ướp muối, cho vào ống tre vùi trong lửa than.
K.D (st)