Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thơm nồng cà ri
Thứ ba: 07:28 ngày 23/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong căn bếp nhỏ của gia đình ông Abdol Roman và bà Mari Dah (ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu), một mùi hương ngào ngạt theo gió lan toả ra ngoài, đủ để đánh thức vị giác người đi đường. Đó chính là mùi cà ri thơm lừng, món ăn yêu thích của gia đình ông Abdol Roman.

Cà ri, món ăn quen thuộc của gia đình bà Mari Dah vào dịp lễ, tết.

Một ngày đầu tháng Chạp, trong căn bếp nhỏ, bà Mari Dah (65 tuổi) tất bật nạo dừa, giã gia vị chuẩn bị nấu cà ri vì con cháu lại thèm ăn. Để nấu cà ri, vợ chồng ông bà đặt mua thịt bò của một mối quen từ Campuchia. Bà giải thích: “Người Chăm chúng tôi khi ăn thịt bò phải biết rõ nguồn gốc”.

Ngay từ sáng sớm, bà Mari Dah đã dậy chuẩn bị gia vị, như hạt thì là, ớt khô, quế, hồi, gừng, hành, tỏi, dừa... Bà Mari Dah không nhớ rõ đã học nấu món này từ khi nào, chỉ biết là từ nhỏ chị em bà đã lớn lên cùng món cà ri. Nhìn mẹ nấu rồi bà học theo, rồi không biết thạo từ bao giờ.

Hương vị cà ri mẹ nấu được bà Mari Dah cố gắng học và giữ nguyên cho đến ngày nay. Bà hạnh phúc nói: “Các em tôi nói cà ri chị nấu giống như mẹ nấu vậy”. Bà Mari Dah rất thích được nấu cà ri cho các con, các em mình dùng. Dù lớn tuổi, bà vẫn đích thân xuống bếp mỗi khi cả nhà muốn ăn món cà ri.

Bắt đầu nấu cà ri, bà Mari Dah thắng nước cốt dừa cho lên dầu. Ông Roman bên cạnh giải thích: “Đoạn này phải chọn đúng dừa khô mới đủ độ béo ngon, mà thắng dầu cũng đỡ cực nữa. Nước cốt dừa thắng kỹ, cà ri sẽ bảo quản được lâu, ăn không hết một lần có thể bỏ tủ lạnh hâm ăn dần hoặc có thể xé tơi rang thành chà bông ăn với bánh mì, cơm hàng tháng trời cũng được”.

Kế đến, bà Mari Dah sẽ cho ít lá cà ri tươi hái từ vườn nhà vào để mùi thêm đậm, rồi lần lượt các loại gia vị cho vào theo thứ tự mà mỗi đầu bếp sẽ có cách riêng. Đó cũng là bí quyết làm nên mùi thơm khó cưỡng của món cà ri này. Ông Roman- một người cũng nhiều năm nấu món cà ri này cho biết: “Nguyên liệu giống nhau nhưng cách làm khác nhau sẽ cho ra mùi vị khác nhau. Các gia vị phải đủ, đúng liều lượng, không được quá nhiều hay ít”.

Trước đây, ông Roman là người chuyên nấu cà ri trong các dịp lễ hội của cộng đồng người Chăm tại ấp Hội Thanh. Ông nói, mình nay lớn tuổi nên không còn đứng bếp nữa, lúc nhớ lúc quên nhưng cách làm món cà ri thì chồng ông vẫn còn nhớ kỹ lắm.

Ông Roman lớn lên tại An Giang, thời thiếu niên, ông thường được cử đến phụ nấu bếp tại các dịp lễ lớn như Ramadan, lễ Haji, sinh nhật Nabi, khánh thành thánh đường, hay các đám cưới trong vùng…

Vợ chồng ông Roman và món cà ri vừa nấu xong.

Ông vẫn nhớ khung cảnh “hồi đó”: “Khi có lễ, mỗi khu vực cử tầm 10 người đến phụ bếp, đông lắm. Mỗi người phụ một việc từ sơ chế nguyên liệu, ra thịt hay đứng bếp. Lúc đó, tôi vì thích nấu ăn nên hay vào bếp phụ các tiền bối và quan sát học nghề. Có những tiền bối tận tình chỉ dạy, nên tôi cũng học, tích góp kinh nghiệm nấu được vị cà ri cho riêng mình”.

Sau này, ông đến xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh định cư. Khoảng 20 năm trước, khu vực dân cư này có rất ít người Chăm sinh sống, những dịp lễ, tết ông Roman mạnh dạn đứng bếp nấu món cà ri. Ông không ngại sự khen chê của người dùng, vì khẩu vị của mỗi người là khác nhau.

Ông vẫn giữ cách nấu cà ri theo công thức riêng của mình, đặc trưng của vùng đất An Giang. Ông thừa nhận cà ri mình nấu chưa phải ngon và chuẩn nhất, nhưng ông cố gắng giữ đúng vị truyền thống của vùng đất, gia đình mình. Những người họ hàng của ông đã mở tiệm bán cà ri chục năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh, và tạo được dấu ấn riêng.

Cà ri của nhà ông Roman nấu không quá đậm đà, được ăn kèm muối ớt chanh, củ cải làm chua. Món cà ri có thịt thấm vị béo ngậy của nước cốt dừa, thơm mùi dầu dừa, các loại nguyên liệu đặc trưng và được ăn kèm bún, bánh mì, cơm.

Cái chất đặc biệt của món cà ri này còn được thêm thắt bởi sự chỉn chu trong chọn lựa và phối nguyên liệu của ông bà. Chúng phải thật đủ và đúng độ mới tạo ra được nồi cà ri ngon. Hương liệu thì mua từ cửa hàng chuyên bán nguyên liệu tại chợ Bến Thành. Chính vì vậy, món cà ri nhà ông Roman được nhiều người yêu thích.

Cà ri ăn kèm bánh mì, củ cải chua.

Món cà ri của vợ chồng ông Roman có thể nấu với nhiều loại thịt khác nhau như trâu, bò, dê. Nếu thích có thể cho ít khoai lang, khoai tây vào cho lạ miệng. Nhưng như vậy thì không thể để được lâu như cách nấu thông thường. Hoặc có thể đổi vị cà ri khi nấu cùng cá. “Nấu cà ri cá cần điều chỉnh nguyên liệu và cho thêm cà tím, cà chua, bắp cải, như vậy mới ngon”- bà Mari Dah chia sẻ.

Mỗi gia đình người Chăm đều biết nấu cà ri và sẽ nấu vào các dịp lễ, nhưng mỗi người có bí quyết khác nhau, cho ra món ăn có hương vị khác nhau. Có người thấy món cà ri nhà ông Roman ngon, được ông chỉ dẫn cách làm nhưng cũng không thể nấu ra được vị giống như ông nấu.

Ông Roman nói rằng, vợ ông thường hay nấu các món ăn đặc biệt như cà ri, canh thính, canh bột hay bánh mặn… những món ăn đặc trưng để con, cháu biết. Bà Mari Dah yêu thích việc làm bếp và hạnh phúc mỗi khi được nấu món ngon cho gia đình mình. Đối với gia đình bà, những món ăn như chất kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.

Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục