Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đối thoại giữa chính quyền và tiểu thương tại chợ Tân Lập:

Thống nhất miễn thu tiền mặt bằng trong 1 năm

Cập nhật ngày: 12/12/2015 - 01:50

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên Trần Văn Lộc phát biểu tại buổi đối thoại.

Hơn 30 hộ tiểu thương buôn bán tại chợ Tân Lập (huyện Tân Biên) đã đồng loạt lên tiếng không đồng ý về việc UBND xã tổ chức thu tiền mặt bằng tại chợ mới được xây dựng lại. Sự việc “nhùng nhằng” cho đến chiều ngày 10.12.2015 mới có sự thống nhất, sau cuộc đối thoại thẳng thắn giữa lãnh đạo UBND huyện Tân Biên với người dân.

Tiểu thương phản đối thu tiền thuê mặt bằng

Các hộ dân buôn bán tại chợ Tân Lập cho biết, ngày 1.12.2015, UBND xã mời các hộ đến họp bàn về phương án cho thuê mặt bằng tại chợ Tân Lập. Đến ngày 7.12.2015, UBND xã Tân Lập có thông báo trong thời hạn 3 ngày (từ ngày 7 đến ngày 10.12.2015), nếu ai không lên xã ký hợp đồng thuê mặt bằng tại chợ Tân lập thì sẽ bị thu hồi giao cho người khác.

Các hộ tiểu thương cho rằng, tại cuộc họp, họ đã không đồng tình với phương án cho thuê mặt bằng chợ Tân Lập mà UBND xã trình bày, thì nay UBND lại thông báo trong vòng 3 ngày phải đến làm hợp đồng thuê mặt bằng. Vì vậy, các hộ tiểu thương này đồng loạt đến phòng Tiếp dân của UBND tỉnh và Báo Tây Ninh kêu cứu.

Sau đó, UBND huyện Tân Biên đã tổ chức buổi đối thoại với 30 hộ tiểu thương khiếu nại, do ông Trần Văn Lộc- Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì, cùng sự tham dự của lãnh đạo các phòng chuyên môn huyện, UBND xã Tân Lập.

Theo ông Võ Hồng Sang- Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, chợ Tân Lập được thành lập năm 1977 tại ấp Tân Hoà, xã Tân Lập, với diện tích 4.939m2, do xã quản lý. Chợ có 16 ki-ốt, 1 nhà lồng bằng gỗ, 72 sạp bán hàng cùng 54 hộ tự xây cất chỗ bán buôn chưa ký hợp đồng thuê mặt bằng với UBND xã.

Sau 38 năm hoạt động, chợ đã xuống cấp trầm trọng; đồng thời cũng không có công trình vệ sinh, hệ thống thoát nước, hệ thống điện và phòng cháy chữa cháy không bảo đảm, nguy cơ hoả hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thực hiện xây dựng xã nông thôn mới, xã Tân Lập chủ trương nâng cấp chợ Tân Lập đạt chuẩn theo quy định, qua đó tạo điều kiện ổn định hoạt động buôn bán và quản lý đất công được chặt chẽ.

Tại buổi đối thoại, ông Sang công khai tổng mức đầu tư xây dựng chợ Tân Lập mới là gần 3 tỷ đồng. Trong đó đầu tư kết cấu hạ tầng và công trình công cộng khoảng hơn 1,1 tỷ đồng, đầu tư xây dựng ki-ốt (16 cái) hơn 529 triệu đồng, đầu tư xây dựng nhà lồng, sạp bán hàng (72 cái) hơn 524 triệu đồng và đầu tư xây dựng nhà lồng cá hơn 80 triệu đồng... với hình thức Nhà nước đầu tư - cho thuê.

Tuy rất phấn khởi với chủ trương nâng cấp chợ, nhưng đa số các hộ tiểu thương lại không đồng ý với phương án cho thuê mặt bằng mà UBND xã đã thông báo.

Một số tiểu thương cho rằng mình không còn khả năng đóng tiền thuê mặt bằng theo yêu cầu của UBND xã, bởi trước đó đã vay tiền để sửa chữa lại kiốt buôn bán, nay tiền vay chưa trả xong thì lấy đâu ra tiền thuê mặt bằng? Một số tiểu thương khác đề nghị xã không thu tiền thuê mặt bằng vì đây là xã biên giới, cần được ưu tiên bởi cư dân biên giới có nhiều khó khăn hơn những địa phương khác.

Tại buổi đối thoại, có một số hộ dân sinh sống cặp hai bên hông chợ đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì họ đã ở đây lâu đời.

Một vị nguyên là lãnh đạo xã Tân Lập khẳng định, chợ Tân Lập trước đó ở ấp Tân Tiến, sau đó được dời về khu vực hiện nay thuộc ấp Tân Hoà. Đây là đất công, do xã quản lý từ lâu. Chủ trương xây dựng chợ mới là đúng đắn vì sau gần 40 năm hoạt động, chợ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông đề nghị các hộ tiểu thương nên chấp hành đúng các quy định của Nhà nước, đồng thời cũng đề nghị lãnh đạo UBND xã Tân Lập, trong quá trình bố trí mặt bằng cho các hộ kinh doanh cần xem xét hoàn cảnh để tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ này buôn bán và sinh sống.

Thống nhất miễn năm đầu

Sau khi nghe ý kiến của các hộ tiểu thương, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Võ Hồng Sang khẳng định, việc thu tiền thuê mặt bằng là đúng theo các quy định của Nhà nước.

Cụ thể là Quyết định 71 của UBND tỉnh về ban hành bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh từ năm 2015 đến năm 2020, Quyết định 57 của UBND tỉnh về việc quy định đơn giá thuê đất, Quyết định 44 về quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh... Trong quá trình thực hiện, xã cũng đã xem xét và tính toán cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Qua cuộc đối thoại và trao đổi cùng lãnh đạo UBND huyện, ông Sang kết luận: việc thu tiền thuê mặt bằng là đúng và cần thiết nhằm có nguồn quỹ để tu bổ, sửa chữa chợ trong quá trình sử dụng.

Tuy nhiên, để chia sẻ những khó khăn của các hộ tiểu thương, UBND xã quyết định miễn thu tiền mặt bằng trong năm 2016, từ năm 2017 sẽ bắt đầu thu cho một kỳ ký hợp đồng là 5 năm.

Như vậy, các hộ tiểu thương sẽ ký hợp đồng thuê mặt bằng 5 năm (giai đoạn 2016-2020), nhưng năm 2016 được miễn, chỉ phải trả từ năm 2017 trở đi. Đối với một số tiểu thương có hoàn cảnh thật sự khó khăn, UBND xã sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết hợp lý, hợp tình khi ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh buôn bán.

Còn việc đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở hai bên nhà lồng chợ, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Lộc khẳng định, nếu người dân có đầy đủ các giấy tờ theo quy định thì sẽ được xem xét, giải quyết.

Đức An - Đình Chung