BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông tin phản hồi loạt bài “Hiện trạng các bến thuỷ dọc sông Vàm Cỏ Đông”

Cập nhật ngày: 17/01/2010 - 05:42

>> Hiện trạng các bến thuỷ dọc sông Vàm Cỏ Đông: Hỗn độn, xô bồ một khúc sông...  

>> Ai quản lý các bến sông, vì sao lại bỏ ngỏ?

Sau khi phát hành các số báo đăng loạt bài có tựa đề nêu trên, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, bày tỏ sự đồng thuận những vấn đề phản ánh trong loạt bài. Đó là những người cùng có chung sự quan tâm, thậm chí bức xúc đối với tình trạng tự phát các bến, cảng cùng với những hoạt động vận tải đường thuỷ tấp nập của đủ cỡ phương tiện, trong khi gần như không hề có sự đầu tư xây dựng bờ kè, cầu cảng, mặt bằng bến bãi kiên cố để phòng ngừa, hạn chế sự sạt lở bờ sông, xâm hại môi trường cũng như gây ảnh hưởng đến hành lang quốc lộ và tác động tiêu cực đến an toàn giao thông cả đường thuỷ lẫn đường bộ. Chúng tôi trích đăng hai ý kiến của một vị cán bộ lãnh đạo tỉnh, đồng thời cũng là người đại diện của nhân dân khu vực đang phát triển sôi động nêu trong các bài báo; và của một người dân, từng có thời là nhà thầu thi công cầu, đường, hiện đang cư ngụ tại nơi có nhiều bến thuỷ tự phát.

Không thể bỏ ngỏ hay quản lý không đến nơi đến chốn

“Tôi đã đọc kỹ hai bài viết về “Hiện trạng các bến thuỷ trên sông Vàm Cỏ Đông” đăng trên Báo Tây Ninh. Đây là vấn đề tôi quan tâm từ lâu khi còn làm Chủ tịch UBND huyện rồi Bí thư Huyện uỷ Hoà Thành. Tôi đã nhiều lần phát biểu trực tiếp kiến nghị với UBND tỉnh quan tâm đến công tác quy hoạch bến, cảng trên dòng sông Vàm Cỏ Đông, tăng cường quản lý Nhà nước trong việc khai thác vận tải đường sông, phát huy lợi thế, khai thác hết tiềm năng giao thông vận tải đường thuỷ, bảo đảm ổn định bờ sông, nhất là những đoạn chạy song song gần hành lang quốc lộ 22B.

Bài viết của tác giả đã phân tích được thế mạnh, khai thác tiềm năng vận tải đường sông và vấn đề bỏ ngỏ trong quản lý Nhà nước về đường sông. Tôi nghĩ bài báo đã cung cấp những thông tin rất quan trọng cho lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng. Trong thời gan tới sẽ tăng cường quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Theo tôi những nội dung bài báo nêu như vấn đề phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thiết kế bờ sông theo dạng kè chịu lực làm cảng trung chuyển, gia cố “cứng hoá” mặt bằng bến bãi, điều chỉnh lại quy hoạch khai thác đoạn sông Vàm Cỏ Đông chạy song song cặp quốc lộ mà báo nêu ra là hoàn toàn chuẩn xác. Không thể để tình trạng Trung ương quản lý không đến nơi đến chốn, còn địa phương thì bỏ ngỏ”.

PHAN VĂN SỬ

(Phó Chủ tịch HĐND

tỉnh Tây Ninh)

Niềm vui chơn chất của những người hành nghề vác nặng đi trên đòn dài

Có thể di dời các bến thuỷ dịch lên phía thượng lưu

“Tôi là người dân cư ngụ lâu năm tại địa phương (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành), gần những bến thuỷ cặp sông Vàm Cỏ Đông và sát cạnh QL22B. Tôi nhận thấy sự phát triển các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ở khu vực này là tất yếu, vì nhu cầu ngày càng cao trong quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường. Với những kinh nghiệm nhất định của một người thi công cầu, đường và cũng có lúc làm bến hàng hoá đường sông, tôi nhận thấy hầu hết các bến thuỷ ở đây không được xây dựng kè bê tông kiên cố để ngăn ngừa sạt lở bờ sông, cũng như không đổ nền bê tông đủ sức chịu lực chấn động của mặt bằng bến bãi để chứa hàng hoá là vật liệu nặng (cát, đá, sắt thép, xi măng…) và các xe tải trọng lớn đến vận chuyển vật liệu đi nơi khác. Trong khi đó phần lớn các bến thuỷ ở đây nằm rất gần QL22B, vì nó được lập ra ở khúc sông uốn lượn ra sát quốc lộ. Tất yếu không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và môi trường.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hoạt động giao thông đường thuỷ rất tiện ích, có lợi rất lớn đối với việc phát triển kinh tế tỉnh nhà. Do vậy để có thể phát huy lợi thế của việc vận chuyển đường sông, mà không tác động tiêu cực đối với dòng sông Vàm Cỏ Đông và quốc lộ 22B, tôi thiết nghĩ Nhà nước nên lập quy hoạch phát triển cảng, bến phù hợp hơn. Với quá trình sinh sống, gắn bó bên dòng sông này, tôi nhận thấy có thể quy hoạch cảng, bến thuỷ dịch lên phía trên thượng lưu ở khúc sông có nhiều bến thuỷ hiện nay, cụ thể là từ đường ranh giữa Xí nghiệp Gạch ngói Hoà Thành với đình Trường Huệ đổ dài lên tới khu vực cảng Bến Kéo, giáp với cảng Xăng dầu - Dầu khí. Đoạn sông này có chiều dài khoảng 2 km, chiều rộng (từ QL22B đến bờ sông) trung bình khoảng 150 – 200 mét, tuy có dạng bờ sông hình chữ S nhưng bờ sông ít lõm sâu, nếu được quy hoạch bài bản, quy định xây dựng hạ tầng kiên cố và tạo điều kiện cho giới kinh doanh vận tải đường sông hoạt động lâu dài, đúng quy định pháp luật, tôi tin rằng sự phát triển thế mạnh vận tải đường sông sẽ càng mạnh mẽ hơn, đem lại hiệu quả cao hơn mà không xảy ra nhiều bất cập như thực trạng hiên nay. Đặc biệt khu vực có thể quy hoạch cảng, bến thuỷ này rất gần khu vực cụm Công nghiệp Bến Kéo đang được quy hoạch nâng lên khu công nghiệp, việc quy hoạch vận chuyển đường sông mới sẽ tạo thành thế liên hoàn, phục vụ rất đắc lực cho khu công nghiệp trong tương lai”.

Còn đối với khúc sông nhiều bến bãi hiện tại, từ Xí nghiệp Gạch ngói Hoà Thành đổ xuống tới “cua” Trường Ân (xã Trường Đông) do dòng sông chạy quá gần quốc lộ, cũng cần được quy hoạch lại với mục đích sử dụng “nhẹ nhàng” hơn, như xây dựng công viên bờ sông chẳng hạn, đồng thời cũng cần phải xây kè kiên cố để ngăn chặn sự sạt lở bờ sông ào ạt như hiện nay.

NGUYỄN VĂN VĨNH

(Ấp Trường Huệ, xã Trường Tây, Hoà Thành)

Ngoài ý kiến thể hiện sự quan tâm của một người có trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng nhân dân và ý kiến có tính chất “hiến kế” của một người dân địa phương nêu trên, chúng tôi còn nhận được các ý kiến của những doanh nghiệp thường trung chuyển hàng hoá thuỷ - bộ, những người hoạt động vận tải đường sông bằng phương tiện trọng tải lớn thường đi, đến khu vực bến, cảng dọc sông Vàm Cỏ Đông. Điều chúng tôi cảm nhận được ở những người kinh doanh này là: thật ra không phải các chủ bến, chủ doanh nghiệp có hoạt động vận chuyển hàng hoá không biết là họ làm ăn ở đây chưa thực sự phù hợp với quy định pháp luật về cảng, bến đường sông. Nhất là họ càng biết rõ sử dụng cảng, bến mà không xây dựng, gia cố kè, bến là rất nguy hiểm, chẳng những xâm hại bờ sông, ảnh hưởng hành lang quốc lộ, mà còn dễ xảy ra sự cố gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, chính vì việc khu vực họ đang hoạt động không được quy hoạch, quản lý chặt chẽ, giấy phép họ được cấp chỉ là tạm thời, ngắn ngủi, nên họ khó mà an tâm, tin tưởng vào việc hoạt động ổn định lâu dài, vì vậy… họ không mạnh dạn đầu tư để xây dựng kiên cố kè, bến. Đối với các chủ phương tiện, họ thừa biết cho phương tiện cặp vào các bến “kè dừa” như thế là không an toàn, thậm chí là vi phạm. Và họ cũng chẳng thích thú gì việc phải thường xuyên… đóng phạt, lại còn bị người dân “bắt đền” mỗi khi tàu thuyền, xà lan vào luồng lạch chẳng may va chạm làm gãy các cành cây trong vườn nhà dân gie ra ngoài sông! Vì vậy, cũng như ý kiến của các vị nêu trên, các chủ bến, chủ phương tiện đều mong mỏi Nhà nước có quy hoạch chính thức, quy định quy cách xây dựng rõ ràng, cấp phép chính thức để họ an tâm, đầu tư cho hoạt động kinh doanh ổn định lâu dài.

NGUYỄN TẤN HÙNG

(Thực hiện)