Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thông tin tiếp bài báo “Chợ Hoà Hiệp cũ (Tân Biên): có hay không chuyện đất công biến thành đất tư?”: Năm 2020, sẽ thanh tra “dự án” chợ Hoà Hiệp cũ
Thứ bảy: 13:56 ngày 31/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong cùng một khu đất chợ bị thu hồi để thực hiện “dự án”, có người được giao đất và cấp luôn “sổ đỏ”; cũng người phải bỏ vàng ra sang nhượng mặt bằng nhưng xin hoài vẫn không được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Đó là thực trạng đã diễn ra từ nhiều năm qua tại khu chợ Hoà Hiệp cũ (xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên).

Một trong số dãy nhà dân được xây cất kiên cố tại khu đất chợ bị thu hồi trước đây để thực hiện “dự án”.

Ngày 24.8, Báo Tây Ninh có đăng bài “Chợ Hoà Hiệp cũ (Tân Biên): Có hay không chuyện đất công biến thành đất tư?”, phản ánh về việc gia đình ông Lê Thanh Phương có giao lại cho xã một phần đất để làm “dự án” xây chợ và bãi xe, nhưng nhiều năm trôi qua mà chính quyền địa phương vẫn không sử dụng. Ông Phương thấy đất để không quá lãng phí nên liên hệ UBND xã Hoà Hiệp xin được lấy lại đất và đề nghị cấp “sổ đỏ”.

Tuy nhiên, cán bộ xã trước đây luôn giải thích rằng, đó là đất công, không thể cấp cho cá nhân hộ gia đình. Gần đây, ông Phương phát hiện phần đất đang đề cập đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Tạ Minh Tòng (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã) từ năm 2006. Do vậy, ông Phương đã phát sinh tranh chấp với ông Tòng về quyền sử dụng thửa đất nêu trên. Ngoài ra, trong quá trình xác minh vụ việc theo đơn của ông Phương, tại khu đất chợ còn có một số hộ dân bày tỏ nỗi niềm bức xúc liên quan đến nhiều thửa đất khác.

Bà Huỳnh Thị Kim Hoàng, một hộ dân có nhà trên khu đất chợ cũ kể, khoảng năm 1993, vợ chồng bà có nhận “sang mặt bằng” chợ của xã với giá 4 chỉ vàng. Ông Huỳnh Văn Thới - cán bộ tài chính của xã và ông Tạ Minh Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã vào thời điểm đó có đến nhà của vợ chồng bà nhận số vàng trên. Ông Tòng ký, ghi rõ họ tên vào tờ biên nhận viết tay với vai trò người xác nhận. Ông Thới là người trực tiếp nhận vàng, cũng ký và ghi rõ họ tên vào tờ biên nhận sang mặt bằng.

Trên một tờ biên nhận viết tay khác có hai phần nội dung cụ thể như sau: “Biên nhận: Ngày 7.8.93, Ngô Văn La nộp tiền sang mặt bằng chợ Hoà Hiệp với số vàng là 3 chỉ (9,6 tuổi); Biên nhận: Tổng số Ngô Văn La nộp tiền sang mặt bằng 3 lần là 6 chỉ vàng (9,6 tuổi). Gồm Thới nhận 5 chỉ, Tòng nhận 1 chỉ, ngày 1.7.94”. Trong tờ biên nhận này chỉ có chữ ký và họ tên của ông Huỳnh Văn Thới. Qua trao đổi với bà Lý Thị The - vợ của ông La và cũng là chủ nhân của tờ biên nhận này, bà khẳng định vợ chồng bà có đưa cho ông Thới 6 chỉ vàng để nhận “sang mặt bằng” chợ Hoà Hiệp cũ.

Điều mà bà Hoàng và bà The thắc mắc là tại sao nhiều hộ dân khác cũng bỏ vàng ra mua đất nền chợ, nhưng có một số người đã được cấp “sổ đỏ”… còn hai bà thì không được cấp mặc dù đã xin xã nhiều lần? Thậm chí, có trình trạng nhiều hộ dân không cần phải bỏ vàng ra “sang mặt bằng” vẫn được giao đất tại khu chợ và cấp luôn “sổ đỏ” (chủ yếu là gia đình hoặc người thân của một số cán bộ đang làm việc tại xã vào thời điểm đó - theo bà Hoàng). Bà Hoàng đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc làm rõ những bất thường về mặt quản lý đất đai trong khu vực chợ Hoà Hiệp cũ, nhất là đối với “dự án” trên.

Theo sơ đồ đất do cán bộ địa chính xã cung cấp, cả khu đất chợ tự phát trước đây bị thu hồi để thực hiện “dự án”… hiện nay trông rất “lộn xộn”. Phần lớn diện tích đất trên toàn khu chợ là nhà dân đã được xây cất kiên cố. Nhưng về mặt ranh của các thửa đất thì không có sự thống nhất hay ngay hàng thẳng lối. Nhiều thửa đất thể hiện trên sơ đồ như bị “so le”, lấn vào thửa đất có căn nhà lồng chợ.

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Biên cho biết, chợ Hoà Hiệp cũ từ trước đến nay vẫn do chính quyền địa phương quản lý, chưa có dự án xây chợ hay bãi xe nào thông qua cấp huyện tại đây (trừ chợ Hoà Hiệp mới cách đó vài km). Ông Trần Thanh Xuân, nguyên Chủ tịch UBND xã cho hay, hai từ “dự án” thật ra là để tiện trong việc giải thích, vận động người dân giao trả đất công tại khu chợ tự phát nhằm thực hiện chủ trương của UBND xã về việc nâng cấp khu chợ trũng, thường xuyên bị ngập nước. Từ đó, bà con tại khu vực này quen gọi việc thu hồi đất để nâng cấp chợ tự phát là “dự án”, thật ra đây chỉ là một chủ trương của xã.

Ông Xuân xác nhận có việc sang một phần mặt bằng chợ cho dân để thu vàng, nhằm tạo nguồn kinh phí để mua đất tôn nền chợ lên cao hơn. Riêng việc sang mặt bằng với giá cả như thế nào, thu, chi bao nhiêu… thì ông không biết, những việc này ông Xuân giao cho cấp dưới thực hiện.

Trao đổi với ông Tạ Minh Tòng vào chiều 15.8.2019, ông Tòng thừa nhận có chuyện “sang mặt bằng” và thu vàng như trong các tờ biên nhận nhưng không phải là xã bán đất cho dân. “…việc này đã là quá khứ rồi, hồi xưa chỉ là thu ba cái tiền để san lấp mặt bằng, người thu tiền là cán bộ tài chính, tôi chỉ đại diện cho UBND xã ký xác nhận. Sao anh (tức phóng viên- NV) lại đi làm tới cái đó. Mà anh là cái gì mà đi làm tới cái đó nữa...”, ông Tòng lớn giọng nói.

Vợ của ông Tòng cắt lời chồng: “Thôi, thôi, thôi, không có thu chi cái gì hết trơn. Anh muốn gì thì liên hệ xã giải quyết. Từ sáng đến giờ anh làm gì ở xã gia đình tôi đều biết hết. Anh đã làm việc với xã rồi còn ghé nhà tôi làm gì”. Nhận thấy tình hình quá căng thẳng, ông Tòng tỏ thái độ bất hợp tác, nên chúng tôi ra về.

Trước đó, sáng cùng ngày, tại UBND xã, chúng tôi đề nghị UBND xã cung cấp thêm thông tin: các hộ dân đã được cấp “sổ đỏ” và chưa được cấp, tổng diện tích cả khu đất chợ tự phát bị thu hồi trước đây, diện tích đất thực tế xây chợ sau khi được san lấp mặt bằng, số nhà dân hiện nay trên đất… Cán bộ địa chính xã chỉ cung cấp được số liệu về diện tích đất khoảng 2.339m2 thực sự có mặt bằng của chợ tồn tại do xã quản lý. Các số liệu khác chưa thống kê được với lý do, cán bộ địa chính mới về, tiếp nhận công việc tại xã chưa lâu nên không nắm kịp thời.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo cán bộ địa chính rà soát hồ sơ quản lý đất đai tại khu chợ cũ để cung cấp số liệu còn lại cho chúng tôi. Nhiều ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục liên hệ cán bộ địa chính xã Hoà Hiệp, thế nhưng cán bộ này vẫn không thể cung cấp thông tin cơ bản nhất về quản lý đất đai tại địa phương, cũng với lý do như cũ. Đến ngày 27.8, chúng tôi tiếp tục đến xã Hoà Hiệp đề nghị cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, lần này, Chủ tịch UBND xã lại cho biết, chính quyền địa phương chỉ có thể cung cấp thông tin cho Báo Tây Ninh với những nội dung trước đây đã cung cấp. Còn nếu có thắc mắc gì thì liên hệ cấp trên giải quyết.

Ông Trịnh Văn Ngự, Chánh Thanh tra huyện cho hay, ông về công tác tại Thanh tra huyện từ năm 2009 đến nay, nhưng chưa từng thanh tra về việc thu chi tài chính liên quan đến vấn đề đang đề cập tại chợ Hoà Hiệp cũ. Ông cũng chưa rõ, trước thời điểm năm 2009 Thanh tra huyện có làm việc về nội dung này hay không.

Ngày 29.8, Chủ tịch huyện cho biết kế hoạch thanh tra của huyện trong năm nay không có nội dung như trên. Trong năm tới, UBND huyện sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra về nội dung Báo Tây Ninh đề cập. Khi nào có kết luận, huyện sẽ cung cấp thông tin chính thức.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục