BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông tin tiếp về “vụ án vịt lạc đàn”: Toà đình chỉ, nhưng bị cáo có nguyện vọng “được xét xử”

Cập nhật ngày: 03/08/2009 - 10:51

Trước đây, Báo Tây Ninh có đăng bài viết “Vụ án vịt lạc đàn và phiên toà dang dở” tường thuật  vụ ông Nguyễn Văn Cu, 59 tuổi ngụ ấp Lộc Thành, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, bị truy tố về tội “chiếm giữ tài sản trái phép”. Trong phiên toà ngày 24.3.2009, vì không đủ chứng cứ, Hội đồng xét xử TAND huyện Trảng Bàng ra quyết định trả hồ sơ cho Viện KSND huyện Trảng Bàng để điều tra bổ sung.

* Sắp xử lại, và...…thôi, không xử nữa (!?)

Tiếp tục theo dõi quá trình tố tụng vụ án này, chúng tôi được biết, ngày 2.6.2009 Công an Trảng Bàng đã có kết luận điều tra bổ sung số 05/KLĐTBS, nội dung kết luận lần này “bổ sung” thêm vợ ông Cu là bà Nguyễn Kim Trương, 55 tuổi cùng bị quy tội “chiếm giữ tài sản trái phép”. Gần hai tuần sau, ngày 15.6.2009 Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bàng có Cáo trạng số 54/QĐ/KLĐT. Nội dung cáo trạng nêu:

Phiên toà đầu tiên xử vụ vịt lạc đàn.

“…Ông Trương Văn Chơn và ông Nguyễn Văn Cu là hai anh em chú bác ngụ cùng địa phương, có nuôi hai đàn vịt đẻ siêu trứng cùng chủng loại, hai trại vịt cách nhau 400 mét. Ngày 4.12.2007, ông Chơn bận đi đám tang nên giao đàn vịt cho anh Trương Văn Chuôl chăn thả trên đồng ruộng cách trại vịt của ông Cu khoảng 200 mét. Đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, ông Chơn quay về thì thấy ông Cu đang cầm cuốc lùa vịt trên đồng ruộng, ông Chơn hỏi: “Tại sao lùa vịt của tôi?”, ông Cu trả lời: “Vịt của tôi bị chó đuổi nên tôi lùa lại”. Sau đó về nhà kiểm tra lại ông Chơn phát hiện số lượng đàn vịt bị hao hụt mất khoảng 180 con. Sáng hôm sau (5.12) ông Chơn đến nhà gặp bà Trương là vợ ông Cu để xin lại số vịt bị ông Cu lùa nhầm vào chiều hôm trước, nhưng bà Trương không đồng ý. Ông Chơn báo chính quyền can thiệp. Sau nhiều lần vận động hoà giải, vợ chồng ông Cu cương quyết không chịu trả lại vịt cho ông Chơn. Ngày 6.12.2007 ông Chơn có đơn thưa vợ chồng ông Cu có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Cùng ngày, Công an xã Lộc Hưng và chính quyền ấp Lộc Thành và người chứng kiến tiến hành kiểm tra thực tế số lượng vịt trong hai đàn vịt của ông Chơn và Cu. Kết quả vịt của ông Chơn có 138 con, đàn vịt ông Cu có 830 con. Qua điều tra xác minh, cơ quan điều tra xác định vào thời điểm ngày 6.4.2007, anh Chí là cán bộ thú y xã Lộc Hưng có đến tiêm chủng ngừa H5N1 cho đàn vịt của ông Chơn là 650 con. Ngày 27.10.2007 anh Chí tiêm chủng lần hai số vịt của ông Chơn còn 560 con. Như vậy số lượng vịt trong đàn của ông Chơn bị mất khoảng 180 con, nhưng ông Chơn chỉ yêu cầu vợ chồng ông Cu bồi thường 150 con.

Tại biên bản định giá tài sản của hội đồng định giá ngày 29.12.2007 kết luận trị giá của 150 con vịt đẻ siêu trứng tại thời điểm tháng 12.2007 của ông Chơn là 9 triệu đồng…”.

Ngày 15.7.2009 vợ chồng ông Cu có đơn kêu oan gởi đến TAND tỉnh Tây Ninh, TAND huyện Trảng Bàng, Viện KSND tỉnh Tây Ninh… và một số cơ quan thông tấn báo chí. Nội dung đơn kêu oan của vợ chồng ông Cu trong đó có đoạn: “…gia đình chúng tôi có 1.370 con vịt, trong đó vịt gốc đẻ trứng là 650 con đã chích ngừa vào ngày 2.5.2006, sau đó chúng tôi mua thêm 320 con của ông Võ Văn Chiến vào tháng 7.2006 và 400 con của con gái tôi là Nguyễn Thanh Rai. Đến năm 2007 đàn vịt bị hao hụt chỉ còn 1.000 con”.

Như vậy ngoài số lượng vịt của cả hai bên mà cán bộ xã, ấp đã kiểm chứng, thì số lượng vịt của ông Chơn lẫn ông Cu đều chỉ thể hiện qua lời khai của mỗi bên, nên không có cơ sở để xác định mỗi đàn có bao nhiêu con? Bởi lẽ bên nào cũng không có giấy tờ gì để chứng minh quyền sở hữu tài sản của mình.

Ngày 19.7.2009 trên Báo Tây Ninh online, chúng tôi có đăng bài: “Trở lại vụ án vịt lạc đàn”, nội dung bài báo bày tỏ ý kiến mong Hội đồng xét xử “vụ án đàn vịt lạc” tại phiên toà ngày 20.7.2009 sẽ phân xử công tâm.

Ngày 20.7.2009 TAND huyện Trảng Bàng mở phiên toà sơ thẩm đưa hai “bị cáo” Cu và Trương ra trước vành móng ngựa. Tuy nhiên do thiếu hai nhân chứng nên lại một lần nữa Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà.

* Khi bị cáo muốn “được” xét xử

Ngày 21.7.2009 TAND huyện Trảng Bàng ra Quyết định số 01/2009/HSST-QĐ đình chỉ vụ án. Quyết định có đoạn: “Nay do chuyển biến tình hình theo điểm c khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 của Quốc hội hành vi của Nguyễn Kim Trương, Nguyễn Văn Cu không còn quy định là tội phạm nữa”.

Thế nhưng khi đã… mặc nhiên được quan toà xác định “hành vi của mình không còn bị pháp luật quy định là tội phạm”, thì ngày 27.7.2009 vợ chồng ông Cu bà Trương có đơn gởi đến TAND tỉnh Tây Ninh với nội dung: “Nay chúng tôi làm đơn này kính gửi Toà án về việc: Kháng cáo Quyết định số 01/2009/HSST-QĐ của Toà án nhân dân huyện Trảng Bàng. Lý do kháng cáo: Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử, chúng tôi đều có đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng, vì chúng tôi không chiếm giữ 180 con vịt của ông Trương Văn Chơn. Việc Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bàng truy tố chúng tôi chiếm giữ 180 con vịt của ông Chơn theo Cáo trạng số 54/QĐ/KSĐT là không đúng và quá oan ức cho chúng tôi.

Tuy nhiên, TAND huyện Trảng Bàng không đưa vụ án ra xét xử mà ra quyết định đình chỉ vụ án là không đúng quy định pháp luật, vì toà án thì căn cứ giá trị 150 con vịt dưới 10 triệu đồng (150 con x 2kg/con x 30.000đ/kg = 9 triệu đồng), trong khi Cáo trạng số 54/QĐ/KSĐT thì cho rằng chúng tôi chiếm giữ 180 con vịt, nên giá trị sẽ là: 180 con x 2kg/con x 30.000đ/kg =  10.800.000 đồng (Tức là đã vượt quá mức quy định “không còn là hành vi tội phạm” theo Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH 12 của Quốc hội – quy định dưới 10 triệu đồng, -NV). 

Do đó, chúng tôi làm đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh Tây Ninh với yêu cầu: Toà án tiếp tục đưa vụ án ra xét xử và tuyên xử cho chúng tôi không phạm tội: “Chiếm giữ trái phép tài sản” được quy định tại khoản 1, Điều 141 BLHS năm 1999".  

Vì chuyện đàn vịt lạc, tình nghĩa anh em chú bác của ông Chơn và ông Cu xem như trôi theo dòng nước.

* Nỗi đau người trong cuộc

Bà Trương rưng rưng nước mắt kể cho chúng tôi nghe cái ngày mà ông Cu bị bắt. Đó là ngày 24.11.2008, ông Cu đang đi dòng đàn trâu 10 con tại nơi giáp ranh xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi-TP.HCM. Nghe tin vợ gọi điện có người tìm, ông lật đật trở về nhà nhưng chưa kịp nói với vợ con câu nào thì ông bị bắt tạm giam. Vợ con ở nhà bàng hoàng nhìn nhau, chồng cha họ bị bắt rồi đàn trâu 10 con là tài sản quý nhất của gia đình không ai biết ở đâu. Cũng may 3 ngày sau đàn trâu nhớ chủ, nhớ chuồng tự bứt giây dòng kéo nhau về nhà. Khổ nỗi, trâu chỉ biết đường về nhưng không biết đi đứng thế nào cho “đúng luật” nên nó cứ băng theo đường chim bay mà về. Đàn trâu lạc chưa về đến nhà thì bà Trương nhận được tin trâu của bà đã “càn quét gãy nát đám bắp mới ra trái của con ông Sáu Gù”. Chủ đám bắp nói bà muốn bắt trâu về phải bồi thường mỗi cây bắp gãy là 3.000 đồng. Tiền không có, bà chạy vạy mượn được 2 chỉ vàng 24k bán lấy tiền đền bù đám bắp gần 3 triệu đồng mới được dắt trâu về. Rồi suốt trong những ngày chồng bị bắt, bà Trương lại ngã bệnh, đàn vịt không ai chăn, bà đã phải bán đi để lấy tiền trang trải thuốc men.

Về phía ông Cu, chúng tôi được biết ông tham gia cách mạng vào năm 1961 tại đội 4, A99, Z22-M2 phòng Tình báo Miền, sau đó chuyển sang công tác Đại đội trinh sát lữ đoàn 316 đặc công biệt động Bộ Tham mưu B2 (thuộc Quân khu 7 miền Nam). Sau giải phóng, ông về tham gia công tác tại địa phương nhưng ông thấy mình không có đủ trình độ nên tự nguyện xin về nhà làm nông dân sống với vợ con. Công trạng của ông đối với đất nước được ghi nhận bằng tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng.

Để tránh hàm oan cho người vô tội, dư luận rất mong cơ quan pháp luật sẽ có một phiên toà thật công minh, dù vợ chồng ông Cu, bà Trương có tội hay không cũng phải được đưa ra xét xử để làm rõ, lấy lại danh dự cho một gia đình nông dân có công với đất nước.

DUY NHÃ - BẢO THIÊN