BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thông tuyến bảo hiểm y tế, người dân được lợi nhiều hơn

Cập nhật ngày: 22/02/2016 - 04:37

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện tư nhân Cao Văn Chí.

Để Luật Bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống, ngày 16.11.2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 40/2015/TT-BYT (Thông tư 40) quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Sau gần hai tháng thực hiện, có thể thấy tín hiệu tích cực ban đầu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thể hiện qua việc người dân ở địa phương khác đã tìm đến đây để khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, việc tuyên truyền Thông tư 40 đến người dân vẫn cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa.

Phấn khởi với quy định mới

Thông tư 40 quy định rất cụ thể về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT... Đáng chú ý nhất trong Thông tư này là tại Điều 11, Chương IV (quy định các trường hợp được xác định đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT) có ghi rõ: người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh; trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu. Nói cho dễ hiểu là người tham gia BHYT dù đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, phòng khám đa khoa hay bệnh viện tuyến huyện khi có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến xã, tuyến huyện khác trong tỉnh đều được xem là đúng tuyến. Đây là điểm mới, tích cực nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT và có tác dụng vận động, khuyến khích mọi người cùng tham gia BHYT.

Sau gần hai tháng thực hiện Thông tư 40 của Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến huyện đã tiếp đón nhiều người tham gia BHYT ở địa phương khác đến khám bệnh, chữa bệnh, nâng số người khám bệnh, chữa bệnh có thẻ BHYT tăng lên từng ngày. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoà Thành, người ngoài huyện đến khám bệnh đã tăng 50 - 60 người/ngày, thậm chí có ngày tăng lên gần 100 người.

Tại Bệnh viện thành phố Tây Ninh và Bệnh viện Châu Thành cũng có người tham gia BHYT ở địa phương khác tìm đến khám bệnh, chữa bệnh- tuy chưa nhiều. Theo bác sĩ Trần Thế Vui- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoà Thành, Thông tư 40 đã giúp giải quyết dứt điểm tình trạng thủ tục giấy tờ gây phiền hà cho người tham gia BHYT.

Trước đây, người tham gia BHYT đăng ký cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, muốn chuyển lên tuyến huyện phải có giấy chuyển viện. Còn từ huyện này sang huyện khác khám bệnh, chữa bệnh bị coi là trái tuyến và không được thanh toán BHYT. Nay có Thông tư 40, người bệnh chỉ cần có thẻ BHYT, dù đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ở đâu trong tỉnh, vẫn được xem là đúng tuyến khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh, kể cả bệnh viện đa khoa tư nhân được xếp loại tương đương bệnh viện tuyến huyện mà không cần bất cứ thủ tục nào.

Đây chính là điều thuận lợi tích cực nhất cho người tham gia BHYT. Ông Vui chỉ băn khoăn rằng: khi đã thông tuyến BHYT, nếu như người có thẻ BHYT đến khám bệnh tại hai bệnh viện trong cùng một ngày thì làm sao kiểm soát được? Và nếu phát hiện trường hợp này thì phải xử lý thế nào?

Riêng ở Bệnh viên Đa khoa tư nhân Cao Văn Chí, việc thông tuyến BHYT hiện chưa thực hiện được. Theo ông Đào Anh Dũng- Phó Giám đốc bệnh viện này, Bệnh viện vừa được xếp hạng III, tương đương bệnh viện tuyến huyện, và hiện nay Bệnh viện Cao Văn Chí đã làm hồ sơ điều chỉnh hợp đồng thông tuyến với BHXH tỉnh. Theo dự kiến đến tháng 3.2016, Bệnh viện Cao Văn Chí sẽ thực hiện việc thông tuyến BHYT. Để phục vụ tốt hơn lượng người tham gia BHYT từ nơi khác đến, Bệnh viện Cao Văn Chí đang mở rộng khu khám bệnh, chuẩn bị nhân lực, tài lực, vật lực, trang bị thêm các dịch vụ kỹ thuật, tăng chất lượng phục vụ để thu hút người tham gia BHYT trong tỉnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại đây.

Vẫn còn người biết, người không

Sau nhiều ngày tìm hiểu về công tác tuyên truyền Thông tư 40 của Bộ Y tế đến người dân, phóng viên đã tiếp xúc với nhiều sở, ngành liên quan và các địa phương. Thực tế ghi nhận cho thấy: hiệu quả của việc tuyên truyền Thông 40 là có nhưng cũng còn nhiều hạn chế.

Theo ông Võ Văn Thảo- Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, ngành BHXH đã phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức thực hiện 43 cuộc đối thoại, tập huấn, tuyên truyền với hơn 8.000 lượt người tham dự; đăng tải 27 kỳ chuyên mục BHYT trên Báo Tây Ninh, cấp hơn 600 đĩa CD tuyên truyền chính sách BHYT cho UBND các xã, phường, thị trấn và các đại lý BHYT. Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, ngày 29.12.2015 (trước khi Thông tư 40 có hiệu lực), Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức tập huấn, triển khai văn bản này cho 66 cán bộ công tác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Sau đó, các cơ sở này tiếp tục phổ biến, tập huấn lại cho cán bộ y tế có liên quan tại đơn vị mình để triển khai thực hiện Thông tư đúng quy định.

Tại xã nông thôn mới Long Thành Trung, huyện Hoà Thành, ông Nguyễn Văn Lộc- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Thông tư 40 đã được triển khai bằng nhiều hình thức như trong các cuộc họp giao ban hằng tuần hay trong các cuộc họp mở rộng được tổ chức hằng tháng có cả hệ thống chính trị xã, bí thư chi bộ ấp, trưởng ấp tham dự. Địa phương cũng phối hợp BHXH tỉnh triển khai Thông tư 40 cho cán bộ chủ chốt cấp xã. Tại nơi khám bệnh BHYT, thái độ nhân viên phục vụ có nhiều chuyển biến, người dân tham gia BHYT ít phản ánh. Tuy nhiên cũng theo ông Lộc, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có khám bệnh, chữa bệnh vào ngày thứ 7 hằng tuần thì sẽ tốt hơn.

Bác sĩ Bệnh viện Châu Thành khám bệnh cho người dân.

 Tại xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành và xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, việc tuyên truyền Thông tư 40 được thực hiện qua các bản tin phát hằng ngày trên cụm truyền thanh của xã hay phổ biến qua các cuộc họp giao ban hằng tuần, và còn được các cộng tác viên BHYT tuyên truyền đến tận từng hộ dân. Được biết, theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, tính đến tháng 12.2015, 90/95 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có người đăng ký tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu  với số lượng 195.097 thẻ. Nhiều nhất là ở xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng với 5.119 thẻ, ít nhất là phường 1, thành phố Tây Ninh- chỉ có 37 người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại phường.

Tại Bệnh viện Hoà Thành, phóng viên có dịp tiếp xúc với ông Trần Quang Hoài, ngụ tại xã An Hoà, huyện Trảng Bàng đang khám bệnh tại Bệnh viện Hoà Thành. Theo lời ông Hoài, ông biết đến Thông tư 40 qua loa truyền thanh tại xã. Nhân đến Hoà Thành để thăm mẹ già, ông đến Bệnh viện Hoà Thành khám bệnh BHYT. Dù đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại Trảng Bàng nhưng khi khám bệnh ở Hoà Thành ông vẫn được thanh toán đúng tuyến. Ông rất phấn khởi cho rằng, Thông tư 40 đã đem lại lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT. Còn bà Nguyễn Thị Hương, nhà ở xã Tân Hưng, huyện Tân Châu thì biết đến Thông tư 40 là nhờ người thân làm việc trong ngành y tế.

Tuy nhiên, tại một số trường học trong tỉnh, Thông tư 40 lại chưa được triển khai. Ông Trương Văn Thanh- Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nói… ông chưa từng nghe nói đến Thông tư này. Tuy nhiên, sau khi nghe phóng viên trình bày, ông Thanh tỏ ra tâm đắc ở chỗ Thông tư quy định những điều có lợi cho học sinh tham gia BHYT; nhà trường sẽ phổ biến ngay cho các em biết trong buổi sinh hoạt đầu tuần và sinh hoạt chủ nhiệm sắp tới.

Đi một vòng qua một số trường ở thành phố Tây Ninh và huyện Châu Thành, phóng viên ghi nhận được tình hình tương tự- nghĩa là cả thầy và trò chưa ai biết Thông tư 40 là gì! Ông Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (TP. Tây Ninh) cho biết, nhà trường chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo nào của Phòng Giáo dục - Đào tạo Thành phố hay văn bản hướng dẫn của ngành BHYT về thực hiện Thông tư 40.

Người dân cần được hiểu rõ

Nhìn chung, sau gần hai tháng thực hiện Thông tư 40, bên cạnh những điều thuận lợi vẫn còn có những khó khăn nhất định. Trong đó có thực trạng đa số bệnh viện tuyến huyện chưa thông thạo việc sử dụng phần mềm; các yêu cầu về kết xuất số liệu theo quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chưa được thực hiện hoàn chỉnh. Đồng thời trước đây, mỗi bệnh viện tư nhân đều có phần mềm riêng, nay phải triển khai phần mềm chung do BHYT xây dựng, việc tập huấn chuyển giao công nghệ kết nối cũng gặp nhiều khó khăn.

Thông tư 40 của Bộ Y tế mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT, góp phần tiến tới BHYT toàn dân. Vì thế, các ngành chức năng có liên quan cần đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến Thông tư này đến người dân, tích cực vận động người dân tham gia BHYT, giảm bớt gánh nặng gia đình khi viện phí sắp sửa tăng trong thời gian tới.

DUY ĐỨC


Liên kết hữu ích