Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thứ ba học trò...
Chủ nhật: 08:26 ngày 01/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mười lăm phút đầu giờ là khoảng thời gian ngắn để học sinh ôn lại bài đã học hồi tối hoặc bài tập về nhà làm chưa xong thì làm tiếp trước khi vào tiết học đầu tiên.

1.

- Cả lớp! Nghiêm!

Mười lăm phút đầu giờ là khoảng thời gian ngắn để học sinh ôn lại bài đã học hồi tối hoặc bài tập về nhà làm chưa xong thì làm tiếp trước khi vào tiết học đầu tiên. Nhưng chỉ chừng chục đứa học bài, làm bài, vài đứa mua xôi, bánh mì đem vào lớp ngồi ăn sáng, số còn lại dựng đứng quyển vở như đang học bài, thực chất là dùng quyển tập làm bình phong che khuất tầm nhìn để chơi game. Nghe hiệu lệnh của lớp trưởng, tất cả lật đật dẹp các thứ đút dưới hộc bàn, đứng nghiêm chào cô.

Thằng Minh thò tay vô cặp lấy trái xoài vỏ còn xanh lét chuyền vào tay thằng Bình đứng bên cạnh. “Nè, không được ăn vụng xoài trong giờ học nghen”. Cô Tâm lên tiếng nhắc nhở. Không ngờ ở tuốt bàn chót mà cô vẫn phát hiện ra.

Bình nhanh miệng: “Dạ, em cất chứ hổng có ăn đâu cô”. “Lo tập trung học đi”. Lợi dụng lúc cô quay lên bảng ghi tên bài, ở bàn chót hai thằng tranh thủ ngoạm xoài, bất ngờ cô quay xuống gọi: “Minh, đọc cho cô đoạn đầu tiên trong bài”.

Nghe cô gọi tên mình, thằng Minh giật thót người như tên trộm bị bắt quả tang. Minh độn miếng xoài chưa kịp nhai sang bên làm gò má u ra như khỉ khiến mấy đứa ở bàn gần đấy cười khặc khặc. “Dọ…a…ô”- Minh không mở mồm đuợc, thằng Bình không kiềm chế nổi bật cười thành tiếng, miếng xoài từ trong miệng nó bay vèo rơi “bịch” xuống quyển vở của con Diễm (ngồi phía trước mặt).

Miếng xoài nằm gọn trên trang giấy trắng làm quyển tập bị ướt một lõm. Con Diễm nhảy dựng: “Trời ơi! Thằng quỷ! Miếng xoài của mầy tẩm nước miếng thúi ình ướt vở. Đền cuốn vở cho tao, thằng quỷ sứ!”.

Cả lớp cười vỡ oà. Vật chứng rành rành, hết chối cãi! Minh vội khum xuống gầm bàn nhả miếng xoài giấu vào bàn tay. Thế là hai đứa bị phạt đứng (nghe giảng bài) vì cái tội ăn vụng trong giờ học.

“Ê! Trả cây thước tao”, “Cây thước của tao chứ bộ!”. Ngày nào cô Tâm có giờ ở lớp 12A3 đều có việc để “giải quyết”. Lớn tồng ngồng cái đầu mà tối ngày đùa nghịch rồi méc như con nít lớp một vậy. “Cô! Nó lấy cây thước của em hổng trả kìa, cô!”.

Cô Tâm bước xuống chỗ hai thằng nhóc tinh nghịch (cô hay gọi hai đứa là nhóc). “Chuyện gì?”. “Nó lấy thước em”, “Thước của mày, tên đâu?”. Vừa nói, Quang vừa trả thước cho Thắng. “Cô, coi nó lừa đảo hôn cô.

Thước em nguyên cây mà nó tráo, đưa cho em cây thước gãy”. “Thôi, không giỡn nữa. Trật tự làm bài tập đi”. Cô Tâm lúc nào cũng nhẹ nhàng nhắc nhở nhưng cũng nghiêm khắc. Cô phán điều gì thì “quân lịnh như sơn”, cô hay nói vui: “Vua không nói chơi”. Lời cô đã ban ra thì đừng hòng mà năn nỉ, cứ chấp hành nghiêm lệnh đi bạn ơi.

Cô Tâm rất công bằng, thưởng phạt công minh. Cô vui vẻ dễ gần nhưng cứng rắn. Cô hay nói vui: “Thương cho roi cho vọt” cũng vì cô muốn học trò dồn tâm sức cho việc học để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới và cao hơn nữa là đậu đại học. Điều cô cấm kỵ nhất là “không trung thực”.

Ngay tiết học đầu tiên ở bất kỳ lớp nào cô dạy đều khuyên học sinh phải trung thực. Lỡ sai phạm điều gì thật thà nhận lỗi thì cô tha thứ. Cũng may là lớp tôi chỉ có năm thằng tiểu quỷ quậy nổi sóng chứ thêm vài thằng như thế nữa không ai chịu nổi.

Cái thằng Lai mới sáng sớm vô lớp đã ngủ gục trên bàn. Cô mỉm cười bước nhẹ không nghe tiếng động thẳng xuống đứng sát bên thằng Lai cả hai phút mà nó không hay biết. Cô gõ nhẹ lên bàn. Thằng Lai giật mình ngóc đầu lên, hai mắt đỏ hoe.

Cả lớp cười cái rần, thằng Bình chọc: “Trời ơi! Nó ngủ chảy ke ướt vở luôn kìa cô”. Cô cười: “Đi tới Sài Gòn chưa?”. Thằng Lai không biết mắc cỡ mà còn cười toe toét: “Dạ con đi mới tới Trảng Bàng cái bị cô kêu dìa”. “Hồi hôm đi chơi khuya hay sao mà mới sáng sớm ngủ trong lớp?”.

Thằng Lai nói hồi hôm nó thức giặt đồ. “Đồ dơ thì giặt liền phơi lên, để dồn chi cho cả đống rồi giặt ban đêm?”. Thằng Lai là thằng hay lý sự: “Hổng có cô! Con giặt mùng mền”. “Tiết trời lạnh, mấy bữa nay mưa suốt, nửa đêm giặt mền!?”. “Nó nói xạo đó cô!”.

Trong lớp tôi thằng nhiều mưu mẹo nhất cũng là nó. Hôm nào không thuộc bài nó liền nghĩ ra kế hoãn binh để câu giờ. Cả lớp đứng nghiêm chào cô xong, cô chưa kịp ngồi ghế thì thằng Lai liền giơ tay xin cho ý kiến: “Cô, cho con hỏi cái này”.

Thế là nó hỏi đủ thứ, kiến thức về địa lý có, về cuộc sống có. Lần sau ăn quen, nó cũng “câu giờ” cái kiểu ấy. Nhưng lần này cô yêu cầu nó trả bài trước đi rồi muốn hỏi gì hỏi thì hỏi sau. Bị cô nhìn ra ý đồ, Lai cười ngỏn ngoẻn ôm quyển tập đi tà tà lên bàn cô để trả bài.

Lai đứng “chào cờ” mãi không nói được một chữ. Cả lớp cười chế nhạo. Thằng Lai tám chuyện thì giỏi số một mà học dở số một trong lớp. Ngày nào nó không bị phạt y như là ăn cơm không ngon vậy. Nhất là môn Toán, môn Văn, nó thường xuyên bị phạt bởi cái tính loi nhoi chọc phá bạn bè, không tập trung nghe giảng bài.

Hai tuần nay, thằng Quang đều học ké đề cương của người khác. Khi cô Tâm kiểm tra đề cương nó nói là con Nhiên mượn hổng trả. “Hồi nào? Tao trả rồi nghen! Nhìn đi! Có phải đề cương của mày hôn?”. Con Nhiên phản công, nó làm thinh chịu thua. Kẻ nói trả, người nói chưa. Không có nhân chứng vật chứng, cô Tâm không thể xử được. Cô bảo Quang phải mượn đề cương của bạn phô tô ra mà học.

 Học môn Vật lý, Quang ngán còn hơn ăn cơm nếp, thầy dạy Vật lý khó có tiếng nên ngày nào có môn Vật lý là ngày đó nó vắng. Vắng miết như thế cô chủ nhiệm tới nhà động viên. Hôm nay có giờ Vật lý và nó đi học. Vừa bước vào lớp, nhìn thấy mặt nó thầy liền nói: “Em học mà cứ nghỉ hoài như vậy hiểu biết gì mà học. Thôi nghỉ luôn đi”. “Dạ. Con cảm ơn thầy”. Thằng Quang ôm cặp, cúi đầu chào thầy rồi đi ra khỏi lớp, để lại phía sau bao ánh mắt ngỡ ngàng nhìn theo… Các bạn được dịp cười trước thái độ tỉnh bơ và ngoan ngoãn của thằng Quang. Thầy giận nói thế thôi ai dè nó làm thật. Thầy lắc đầu ngao ngán.

Thằng Minh và thằng Bình là hai thằng tinh quái. Sân trường xuất hiện một cô giáo trẻ mới ra trường. Dáng người thon thon, bước đi uyển chuyển, đôi mắt đen láy của cô luôn ánh lên nụ cười, da trắng được trời phú cho đôi môi son nên cô không trang điểm vẫn đẹp. Hai thằng thường đứng dựa lan can trước cửa lớp trên lầu một nhìn xuống sân trường, hễ thấy dáng cô đi trong sân liền hát trêu: “Cô ơi cô có chồng chưa cô? Về Tây Đô bên dòng sông em ngồi hát cô nghe. Cô ơi cô đừng đi lấy chồng. Để hai thằng buồn câu hò lý cây bông”.

2.

Mấy ngày nay bão hoạt động ngoài miền Trung làm cho thời tiết ở Tây Ninh cũng bị ảnh hưởng nên ngày nào cũng mưa. Đi trong mưa từ nhà đến trường, dù có áo mưa nhưng hai ống quần vẫn bị ướt, tay chân lạnh ngắt đứa nào cũng mặc áo khoác. Vậy mà vào lớp lại bật cho bốn cái quạt trần quay vù vù theo thói quen dùng quạt hằng ngày.

- Cả lớp, nghiêm!

 Cô mới! Bọn con gái con trai tròn mắt ngạc nhiên. “Cô đẹp quá!”. Cô thông báo với lớp: “Cô Nga nghỉ hộ sản. Kể từ hôm nay trở đi cô sẽ dạy Văn lớp các em”. Thằng Bình lí lắc hát: “Cho em xin số nhà và cho em biết tên cô luôn”. Thằng Minh bồi thêm hai câu thơ của Nguyễn Trãi: “Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi? Chồng có hay chưa, được mấy con?”. Cô nở nụ cười hiền, giới thiệu về mình bằng văn vần: “Nhà ở cửa năm. Cô tên Thuỳ Trâm. Tuổi mới hai lăm. Con, tròn một năm”. Cả lớp vỗ tay thán phục. Màn giới thiệu làm quen vui hóm hỉnh của cô trò đã tạo bầu không khí thoải mái hứng khởi cho tiết học. Đứa nào cũng chăm chú nhìn cô, nghe cô giảng như uống từng lời đến nỗi quên ghi bài.

 Cô đứng ghi bài trên bảng, gió từ bên ngoài cửa sổ thổi ào, xô ngã bình hoa nhựa rơi xuống đất, thằng Bình nhanh nhảu đi lên nhặt. Không hiểu thằng Bình làm gì mà cầm bình hoa trên tay cứ ngồi hoài không đứng dậy. Thấy lạ, cô Thuỳ Trâm nhìn coi nó đang làm gì. Thì ra… một con cuốn chiếu bằng đầu đũa ăn chẳng biết xuất hiện trong lớp từ khi nào, Bình cầm bình hoa kề sát con cuốn chiếu cho nó bò lên chiếc lá, nhử hoài mà con cuốn chiếu cứ từ chối thịnh tình của nó. Cô ngồi xuống thò tay vừa chộp con cuốn chiếu vừa nói: “Bắt như vầy nè”. Bình đứng lên đặt bình hoa lên bàn. “Em xoè tay ra!”. Bình xoè tay ra, cô Thuỳ Trâm bỏ con cuốn chiếu vào lòng bàn tay bảo nó nắm chặt không được buông ra. Bắt nó đứng ở góc lớp cạnh bảng đen, cô tiếp tục giảng bài như không có chuyện gì. Bình định cho con cuốn chiếu bò lên bình hoa để nhát cô Thuỳ Trâm. Ai dè cô không sợ mà nó sợ. Con cuốn chiếu rọ rạy trong lòng bàn tay nhột nhột cảm giác ghê ghê, mặt nó tái mét, đổ mồ hôi hột. Thằng Bình năn nỉ cô xin tha. Cả lớp cùng xin cô tha cho nó. Trị tội nghịch ngợm như vậy đủ rồi nên cô cho nó về chỗ. Nó tởn, chắp hai tay bái phục: “Sư phụ”. Thằng Minh cười trêu nó: “Cho mày! Tưởng bở hả con”.

Mọi người chăm chú nghe giảng bỗng thằng An la “Á!” một tiếng lớn, mặt mày xanh mét chạy lên phía cô. Cô nhìn An, hỏi. “Gì vậy?”. “Cô, nó lấy con thằn lằn nhát em, cô”. An cao ráo ra dáng nam nhi, nhưng khi nói chuyện lại nhão nhè nhão nhoẹt dáng õng a õng ẹo như con gái. “Con thằn lằn có gì mà sợ. Em về chỗ học đi”. Thằng An nũng nịu: “Thôi cô. Em về dưới nó nhát em. Em hổng dám về chỗ đâu. Cô cho em ngồi bàn trên đây nghen cô.”. “Minh! Đem thằn lăn lên đây cho cô”. “Em quăng ngoài cửa sổ rồi cô”. An không tin: “Nói nói dóc đó cô”. Cô dẫn An về chỗ ngồi. Minh giũ sách, vở cho cô xem để chứng minh là mình nói thật. Cô tiếp tục giảng bài.

Reng… reng… tiếng chuông ngân dài báo giờ học đã kết thúc. Cả lớp cảm thấy tiết học hôm nay sao qua nhanh quá. Cả lớp đứng dậy chào cô.

Á! Vừa bước ra cửa lớp, nghe tiếng la thất thanh của một học sinh nữ, cô Thuỳ Trâm trở vào xem chuyện gì? “Sao vậy? Đưa bạn lên phòng y tế gấp”. Bình bồng Lan đi nhanh xuống phòng y tế. Lan vốn có bệnh tim bẩm sinh, lại chết nhát. Thằng Bình lấy đuôi thằn lằn nhát thằng An. An sợ quá hất mạnh tay Bình làm đuôi thằn lằn bay vèo vào cổ áo Lan. Lan sợ quá ngất xỉu.

Nhìn vẻ mặt đầy lo lắng của Minh cô biết ngay hắn là thủ phạm. Cô gọi Minh lại để nói chuyện. Không biết cô nói gì với Minh mà nó rân rấn nước mắt, mang vẻ mặt hối hận đi xuống phòng y tế…

P.T.T.A

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục