Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ghi chép tản mạn
Thú đi câu
Thứ sáu: 07:31 ngày 18/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Câu cá, tôi có thể tạm coi đó là một nghề. Gọi nghề vì quả thật có một số người chọn việc câu cá làm một nghề mưu sinh hẳn hoi đấy, thưa quý bạn. Như tôi đã từng gặp và trò chuyện với một bác câu cá ở Bến Kéo, thuộc xã Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành.

Câu cá ở lòng hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đ.H.T

Bác là công nhân, nay đã nghỉ hưu. Và nghề bác chọn trong quãng đời còn lại là câu cá trên sông Vàm Cỏ Đông. Điểm ưa thích nhất của bác là cái cầu cảng cũ có từ thời “mồ ma giặc Pháp”. Bác luôn có hai cần, một lớn dài và một nhỏ ngắn, đều làm bằng trúc, không phải như đa số cần thủ ngày nay đều xài cần câu ống rút bằng nhôm vừa tiện lợi, vừa nhẹ vừa bền. Với cần câu trúc, bác lại toàn giật được cá lăng, cá mè vinh hay cá chép, đôi khi có cả tôm càng xanh dính mồi ở cái cần nhỏ ngắn, đặt ngay dưới những tấm sàn bê tông đá sỏi sần sùi.

Tôi cũng có lần gặp các anh “lãng tử” chuyên đi câu cá Lòng hồ. Gọi “lãng tử” bởi các anh đi toàn xe chiến, trang bị bao da đựng nhiều loại cần câu xịn, dĩ nhiên phải là loại ống rút bằng nhôm hay i-nox. Họ mang theo cả dù.

Rồi cả đoàn chọn một góc bờ hồ nào đó, cắm dù che nắng, thong thả buông cần đợi cá. Có hôm phát hiện đàn cá bơi ngoài xa, họ xăn quần lội ra thêm nữa, rồi quăng dây vun vút. Lại giật cần cùng những tiếng reo to. Kết quả là một chú cá to cỡ bàn tay, ngời ngời trắng bạc quẫy cựa, thường thì đấy là loại cá rô phi. Tôi hỏi, mới biết rằng cá rô phi Lòng hồ có khi nặng trên cả ký lô.

Nhưng thường gặp nhất với tôi thì đấy là các dân câu ở phố. Thì các bạn thấy đó! Khi đi qua cầu Quan, đưa mắt nhìn ngang thế nào chẳng thấy vài cần thủ lom khom, tựa lên can can bờ kè, mắt nhìn chăm chú.

Rồi suốt một dải công viên ven đường Quang Trung, bên kia là con hẻm của đường Yết Kiêu, người câu cũng khá đông. Thường khi tôi ngó vào bịch nylon đựng sản phẩm của họ mà chẳng thấy gì đáng kể, ngoài vài con cá trắng như cá rói hoặc rô phi nhỏ xíu. Có lẽ đi câu là một cái thú, một đam mê hơn là một nghề với người đô thị.

Còn một vài nơi có đông người đến câu như đoạn ven rạch thuộc khu phố 4, phường 3 hay ven con kênh cụt vào chợ bên phố Hồ Văn Lâm. Ai thích ồn ào thì tới phố Hồ Văn Lâm, có cả một quán cà phê dưới rặng tre ngà sẵn sàng phục vụ. Ai mê hoang dại cảnh quan thì tới khu phố 4, phường 3.

Ngay cả những ngày “cách ly xã hội” vì dịch Covid-19 thì những nơi này cũng chẳng vắng người. Trời nước miên man, gió chiều lồng lộng. Cách nhau 2 mét chứ 10 mét cũng tha hồ thoải mái. Mê câu, có khi khói sóng đã loang loang trên mặt sông dài mà người vẫn mê mải ngồi câu.

Câu được cá rồi, có người đem thả lại; có người mang về như muốn khoe thành tích với vợ con. Tuần trước tôi gặp một anh, câu được con nào thì vứt sắp ngang lên bờ cỏ ven đường. Thì ra, xui xẻo cho anh, chỗ anh chọn lại là nơi tổ cá lau kiếng hay sao mà giật lên toàn lau kiếng.

Vậy mà cứ ngồi lì, cứ giật, rồi lại vứt đi. Anh bảo, không để chúng về sông rạch nữa, bởi đây là loại cá ngoại lai, chuyên làm rách lưới dân chài. Với lại thân chúng toàn xương xẩu, đen và xù xì như da cóc, nhìn thôi đã không muốn ăn.

Dân câu “lãng tử” nhất mà tôi gặp lại là một ông trung tuổi trên bến Cây Dừa thuộc xã An Bình, huyện Châu Thành. Sáng ấy, sông Vàm Cỏ Đông lưa thưa lục bình, nước chảy xuôi chầm chậm. Chiếc vỏ lãi có gắn máy chỉ một người cầm chèo và ông gác cần câu ngang trước mặt. Hỏi với ra sông, ông câu được gì chưa? - Thì vẫn chỉ có vài con cá trắng và cá chốt.

Hỏi ông đi từ đâu về? Trả lời:- Gò Chai! Về tới đâu lên? Lại trả lời:- Bến Kéo. Chiếc vỏ lãi đang tắt máy, người lái quậy mái chèo chầm chậm để cho ông từ tốn mắc mồi câu và sẽ tiếp tục theo dòng. Chu choa! Câu thế này mới thật là câu chứ! Một mình nguyên một dòng sông, với nguyên cả bầu trời trong đáy nước. Chiếc thuyền câu trôi như ảo mộng, thoắt cái đã trôi đâu mắt hút phía chân trời.

Cảm tạ đất trời đã cho Tây Ninh quê ta dòng sông Vàm Cỏ Đông cùng những con rạch ở đôi bờ. Thú câu cá chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng ngắm những người câu giữa nước, trời kia mới biết xót lòng khi nghe tin ô nhiễm mới xảy ra đâu đó, hoặc những ai kia lạnh lùng tàn nhẫn xả thải độc hại xuống dòng sông. Tháng 9 rồi mà con nước vẫn “lưng lưng”. Độ này mà con nước lớn còn chưa về, thành ra, nhớ!

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục