Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công tác quy hoạch, bố trí vị trí đất đáp ứng điều kiện làm các điểm tập kết, lưu giữ rác thải sinh hoạt tạm thời gặp khó khăn do không có quỹ đất công, nên tình trạng các điểm tập kết tạm gây ô nhiễm vẫn còn xảy ra...
Việc thu gom việc tập kết rác tại xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng vẫn còn thu gom, tập kết bằng xe máy cày.
Cách đây gần 3 năm, UBND tỉnh đã có Công văn số 2312/UBND-KTTC ngày 16.10.2019 về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Riêng đối với huyện Trảng Bàng (nay là thị xã), tại Công văn số 1614/UBND-KTTC ngày 30.7.2019, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện báo cáo tiến độ xử lý tại bãi rác xã Bình Thạnh (nay là xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) và kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ, sử dụng cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ năm 2013 đến 6 tháng đầu năm 2019… Điều đó cho thấy, việc quản lý, xử lý chất thải rắn ở khu vực nông thôn rất được UBND tỉnh chú trọng nhằm bảo đảm công tác bảo vệ môi trường.
BÃI RÁC BÌNH THẠNH: ĐÃ CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN
Đầu tháng 8.2022, quay lại bãi rác Bình Thạnh (xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng), chúng tôi nhận thấy đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bãi rác được di dời cách xa đường 786, không ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan. Dọc hai bên đường không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước đây.
Đó là nỗ lực của chính quyền xã Phước Bình, vấn đề ô nhiễm do bãi rác tự phát đã được địa phương giải quyết. Thế nhưng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn xã hiện nay vẫn cần nhiều thời gian để chấn chỉnh đưa vào khuôn khổ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo một tài xế xe vận chuyển rác thải vào tập kết tại bãi rác Bình Thạnh, việc thu gom, vận chuyển rác chủ yếu bằng xe máy cày nhỏ chứ không có xe thu gom chuyên dụng. Sau khi tập kết, rác được xử lý bằng 2 cách là đốt một phần và hợp đồng với công ty vận chuyển rác khác bằng xe chuyên dụng đến nhà máy xử lý.
Có thể thấy việc thu gom rác thải sinh hoạt và phân loại rác hiện nay còn nhiều bất cập. Tại đầu bãi rác Bình Thạnh có một cặp vợ chồng cất chòi tạm để ở, họ chủ yếu sống bằng việc lựa rác thải nhựa tái chế để bán.
Xe thu gom rác từ xe tải cải tạo lại vẫn còn xuất hiện trên đường 787, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng.
SẼ TRANG BỊ XE THU GOM RÁC CHUYÊN DỤNG
Đại diện doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn xã Phước Bình cho biết, trước đây có một doanh nghiệp khác thu gom nhưng không hiểu sao doanh nghiệp đó nghỉ, khiến rác tồn đọng.
Địa phương đề nghị doanh nghiệp của ông tham gia thu gom, do muốn đóng góp bảo vệ môi trường địa phương nên ông đồng ý ký hợp đồng. “Nghề dạy nghề”, nhân viên thu gom, vận chuyển rác thải ngày càng có kinh nghiệm hơn. Doanh nghiệp sẽ mua xe chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác đến nhà máy xử lý, sẽ không còn tình trạng tập kết rác tại bãi rác Bình Thạnh.
Lãnh đạo UBND xã Phước Bình cho biết, sắp tới địa phương thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác thải theo chỉ đạo của tỉnh, bảo đảm việc xử lý rác thải sinh hoạt ở địa phương ngày càng tốt hơn.
Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng, hiện nay các phường nội thị được thu gom bằng xe chuyên dụng. Riêng các xã nông thôn mới như Hưng Thuận, Phước Bình… vẫn còn thuê riêng lẻ từng doanh nghiệp thu gom. Trong thời gian tới, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền việc thu gom, phân loại rác thải rắn sinh hoạt, vận chuyển xử lý tại các xã nông thôn mới từng bước đi vào nề nếp.
Mặc dù các sở, ngành, địa phương chú trọng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quyết liệt triển khai; các xã nông thôn mới cần có lộ trình bài bản để thay đổi việc thu gom, xử lý rác.
Bởi công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt chỉ tập trung ở khu đô thị, chợ, nơi công cộng, khu dân cư tập trung tại vùng nông thôn. Đối với các khu dân cư phân tán, nhỏ lẻ, hộ gia đình ở xa khu dân cư… phần lớn, các hộ tự xử lý rác thải sinh hoạt bằng cách đốt, chôn lấp nếu không thể tái chế, tái sử dụng được.
Công tác quy hoạch, bố trí vị trí đất đáp ứng điều kiện làm các điểm tập kết, lưu giữ rác thải sinh hoạt tạm thời gặp khó khăn do không có quỹ đất công, nên tình trạng các điểm tập kết tạm gây ô nhiễm vẫn còn xảy ra; ý thức của một số đơn vị thu gom rác thải chưa cao, việc thu gom chưa triệt để nên còn tồn đọng rác thải trên các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, UBND cấp huyện, thị xã và cấp xã chưa quyết liệt xử lý vi phạm về hành vi vứt rác bừa bãi, không đúng nơi quy định đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo thẩm quyền tại Điều 48 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18.11.2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; một số UBND huyện giao nhiệm vụ cho UBND các xã, thị trấn thực hiện ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn nhưng chưa theo dõi chặt chẽ nên đã hợp đồng với các đơn vị không đủ năng lực thực hiện thu gom, vận chuyển.
Thế Nhân