Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Từ nhiều năm trước, hoạt động thu gom rác thải đã được Nhà nước tổ chức ở các khu vực đông dân cư và ngày càng được củng cố, tăng cường. Thế nhưng đến nay vẫn còn một số bất cập đang tồn tại.

Theo thông số chung ở nước ta, ước tính mỗi người dân bình quân thải một lượng rác khoảng 0,3 kg mỗi ngày. Tây Ninh có dân số hơn 1 triệu người, như vậy lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày khoảng hơn 300 tấn. Đây là con số không nhỏ. Tuy nhiên thực tế lượng rác thải chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị mật độ dân cư tập trung cao, còn ở khu vực nông thôn thì lượng rác thải rất ít. Từ nhiều năm trước, hoạt động thu gom rác thải đã được Nhà nước tổ chức ở các khu vực đông dân cư và ngày càng được củng cố, tăng cường. Thế nhưng đến nay vẫn còn một số bất cập đang tồn tại.
Số hộ hợp đồng thu gom rác còn quá ít
Trước đây, công việc thu gom rác thải ở Tây Ninh hoạt động theo kiểu nhỏ lẻ ở từng địa phương. Từ thập niên 1990, đội thu gom rác chuyên trách được thành lập, có xe chuyên dùng vận chuyển rác và giao cho một doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Xây dựng và Phát triển đô thị Tây Ninh quản lý. Năm 2004, đội thu gom rác được giao lại cho doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích là Công ty Công trình đô thị Tây Ninh quản lý đến nay. Từ sau khi hoạt động thu gom rác được tổ chức bài bản thì công việc thu gom rác ngày càng mở rộng, phương tiện thu gom và vận chuyển rác được bổ sung ngày càng nhiều hơn. Hiện nay, lực lượng thu gom rác khá hùng hậu, gồm: 6 xe ép và vận chuyển rác hiện đại; 283 xe thu gom rác đẩy tay và lực lượng công nhân thường xuyên có trên 110 người. Địa bàn thu gom rác cũng được mở rộng- trước đây chủ yếu là thị xã Tây Ninh, sau đến Hoà Thành, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Châu Thành, Tân Châu… Ngoài ra, vài năm gần đây, bãi chôn lấp rác ở xã Tân Hưng- Tân Châu được đưa vào hoạt động, góp phần tạo thuận lợi cho công việc xử lý rác sau khi thu gom. Hoạt động thu gom và xử lý rác ngày càng phát triển đã góp phần rất tích cực vào công tác bảo vệ môi trường đô thị.
![]() |
Thế nhưng hiện đang có vấn đề bất cập, đó là số hộ đăng ký hợp đồng thu gom rác ở các khu vực đô thị còn quá ít so với tổng số hộ hiện có. Tây Ninh hiện đang có khoảng hơn 273.000 hộ dân. Trong đó số hộ sinh sống ở Thị xã, thị trấn ước không dưới 100.000 hộ. Thế nhưng theo số liệu của Công ty Công trình đô thị Tây Ninh thì mới chỉ có khoảng 9.500 hộ đăng ký hợp đồng thu gom rác thải- chiếm chưa đến 10% tổng số hộ dân đô thị. Thậm chí ở những khu phố sầm uất nhất như phố Gia Long ở trung tâm thị xã Tây Ninh, số hộ đăng ký hợp đồng thu gom rác thải cũng chưa đến phân nửa (?!).
Rất nhiều hộ ở các khu dân cư tập trung không hợp đồng thu gom rác thải, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày vẫn cứ thải rác. Và cách “xử lý” rác của họ là lén đem rác thải… đổ chung với hộ hàng xóm có hợp đồng để đội thu gom rác thải gom đi. Có hộ “tự nhiên” đem rác thải ở nhà mình ra chất đầy chung quanh các thùng rác công cộng, tất nhiên là cũng được nhân viên thu gom đưa đi cùng rác trong thùng. Còn có không ít hộ, nhân đêm tối đem rác đi quăng đại đâu đó. Kiểu “xử lý” này đã gây ảnh hưởng không ít đến cảnh quan và môi trường đô thị.
Phí thu gom rác thải, 10 năm vẫn “ổn định”... 8.000 đồng/tháng
Trước năm 2000, phí thu gom rác thải đối với hộ gia đình đã có giá 8.000 đồng/hộ/tháng (thời điểm này 8.000 đồng là giá của 2 tô phở). Đến nay- năm 2010, phí thu gom rác thải đối với hộ gia đình vẫn cứ “ổn định” mức 8.000 đồng/hộ/tháng như hơn 10 năm trước đây. Bây giờ 8.000 đồng chỉ còn có thể ăn được phân nửa tô phở mà thôi.
Từ số hộ đăng ký hợp đồng thu gom rác thải thực tế quá ít cùng định mức phí thu nhiều năm không tăng nên nguồn thu phí thu gom rác thải hằng năm chẳng thấm vào đâu so với nguồn kinh phí phải chi cho hoạt động này. Trong năm 2009, tổng nguồn thu phí thu gom rác thải trên địa bàn Công ty Công trình đô thị Tây Ninh quản lý chỉ có hơn 1,7 tỷ đồng. Trong khi đó tổng nguồn chi cho hoạt động thu gom và xử lý rác thải lên đến gần 13,5 tỷ đồng. Cụ thể như ở thị xã Tây Ninh trong năm 2009, tổng nguồn chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải là hơn 8,5 tỷ đồng, nhưng tổng nguồn thu từ phí thu gom chỉ được chưa đến 1 tỷ đồng; ở huyện Hoà Thành, tổng nguồn chi là 3,5 tỷ đồng nhưng tổng nguồn thu phí chỉ được 570 triệu đồng; ở huyện Trảng Bàng, tổng nguồn chi là 1,4 tỷ đồng nhưng tổng nguồn thu phí thu gom rác thải chỉ được 232 triệu đồng… Khoản chênh lệch hàng chục tỷ đồng mỗi năm ngân sách Nhà nước phải chịu. Nếu như định mức phí thu gom rác thải được nâng theo thời giá thì có lẽ khoản hụt này sẽ giảm bớt đáng kể.
Tóm lại, hoạt động thu gom và xử lý rác thải trong giai đoạn đẩy mạnh đô thị hoá như hiện nay là hết sức cần thiết. Thế nhưng do còn những bất cập về nhận thức của nhiều hộ dân trong việc xử lý rác thải, về nghĩa vụ hợp đồng thu gom rác thải, về mức phí thu gom rác thải… nên hoạt động thu gom và xử lý rác thải vẫn còn bị hạn chế. Nên chăng, các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương tăng cường vận động các hộ dân hợp đồng thu gom rác, song song với việc điều chỉnh lại định mức cho phù hợp. Đồng thời cũng cần phải có biện pháp chế tài để tất cả các hộ đều thực hiện nghĩa vụ như nhau trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.
SƠN TRẦN