Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Năm nay mưa sớm và mưa lớn kéo dài nên lượng nước đổ về hồ tăng đột biến. Do vậy, hàng trăm ha mì người dân trồng ở diện tích đất thấp bị ngập nước buộc phải thu hoạch “non”.

Năm nay mưa sớm và mưa lớn kéo dài nên lượng nước đổ về hồ tăng đột biến. Do vậy, hàng trăm ha mì người dân trồng ở diện tích đất thấp bị ngập nước buộc phải thu hoạch “non”.
|
Nhộn nhịp vận chuyển mì ở các bến ghe, đò trong hồ Dầu Tiếng |
(BTN) - Hằng năm, khi hồ Dầu Tiếng tích nước, việc thu hoạch củ mì trồng trên đất bán ngập bắt đầu. Năm nay mưa sớm và mưa lớn kéo dài nên lượng nước đổ về hồ tăng đột biến. Giữa tháng 8.2013, nước trong hồ Dầu Tiếng đã đạt cao trình 22,06 mét- cao hơn trung bình hằng năm 1,5 mét nước đứng. Do vậy, hàng trăm ha mì người dân trồng ở diện tích đất thấp bị ngập nước buộc phải thu hoạch “non”.
Vì phải thu hoạch đông ken cho kịp nên lượng người và phương tiện tập trung trong hồ rất nhiều. Riêng khu vực đảo Nhím có hơn 300 người từ nhiều nơi đến “tạm trú” ăn nghỉ để thu hoạch củ mì. Các phương tiện vận chuyển được huy động tối đa, kể cả ghe chuyên dùng đánh bắt cá cũng được dùng để chở củ mì. Ông Võ Thành Tơ, trồng hơn 20 ha trên đất bán ngập tại đảo Nhím, cho biết: “Nước hồ lên nhanh làm cho hơn 300 ha mì ở khu vực này bị ngập phải thu hoạch dù chưa đến ngày, mỗi ha thiệt hại khoảng 10 triệu đồng vì mì non”.
Tại ngã ba Bờ Hồ, hằng ngày từ lúc 2 giờ sáng đã có hàng trăm người từ nhiều nơi tụ tập ăn sáng, uống cà phê rồi toả đi các nơi trong lòng hồ để thu hoạch củ mì. Một số đầu công ở xa dùng xe ô tô khách loại 20 chỗ ngồi chở công từ Hoà Thành, Bến Cầu đến hồ Dầu Tiếng thu hoạch củ mì mướn cho thương lái. Chị Nguyễn Thị Bé Liễu ở Long Thành Bắc, Hoà Thành cùng chồng và 2 con đi thu hoạch củ mì mướn cho biết: “Hằng ngày phải thức dậy từ lúc 1 giờ sáng, ăn uống rồi đi xe Honda vào ngã ba Bờ Hồ, lên xe kéo vào rẫy nhổ mì. Đến 10 giờ thu hoạch xong, đi bộ từ 5 đến 6km ra chỗ gửi xe về nhà”. Người thu hoạch củ mì được trả công theo số lượng củ mì thực thu, mỗi tấn được trả 150.000 đồng. Bình quân mỗi ngày một người thu hoạch được từ 1 đến 1,2 tấn củ, nhưng gặp rẫy mì xấu, ít củ hay mì non chỉ thu hoạch được hơn 800kg. Vì vậy thu nhập từ việc thu hoạch mì cũng không ổn định, có ngày được hơn 100.000 đồng cũng có ngày vài chục ngàn đồng.
Hiện nay giá củ mì tươi 30 điểm được các nhà máy thu mua với giá 2.600 đồng/kg, mì non chỉ được trả 2.100 đồng/kg. Những người trồng mì trên đảo Nhím còn phải chịu thêm chi phí ghe đò, công bốc lên xuống 4 đến 5 lượt nên chi phí tăng thêm 500 đồng/kg trước khi đến được nhà máy.
Ngoài ra, do phải thu hoạch “chạy nước” nên củ mì rơi rớt khá nhiều. Từ đó, ven bờ hồ Dầu Tiếng mọc ra một số điểm thu mua củ mì mót, giá cả thu mua chỉ từ 1.300 đồng đến 1.600 đồng/kg tuỳ loại. Chị Lê Thị Vân- chủ một điểm thu mua củ mì mót cho biết: “Mỗi ngày thu mua được gần 2 tấn củ, đem bán cho nhà máy, trừ hết các chi phí còn lời hơn 500.000 đồng”. “Một số người có sức khoẻ, chịu khó đào bới mỗi ngày cũng mót được gần 200kg củ mì, thu nhập hơn 200.000 đồng”- chị Vân cho biết thêm.
Từ nhiều năm qua, hơn 4.000 ha đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng đã được người dân tận dụng trồng khoai mì- kể cả một số diện tích thấp. Cho nên khi nước dâng nhanh, khoai mì bị thiệt hại là điều không thể tránh khỏi. Nên chăng, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven hồ thường xuyên phổ biến tình hình tích nước của hồ, đồng thời khuyến cáo để người dân tránh những thiệt hại do thiếu thông tin gây ra.
NGUYỄN CÔNG DÂN