BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thu hoạch mía cuối vụ: Khi nhà máy tăng công suất lại thiếu nhân công thu hoạch mía

Cập nhật ngày: 27/02/2011 - 11:30

 

 

Như Báo Tây Ninh liên tục đưa tin trong các số gần đây, vào thời điểm gần cuối vụ, cây mía đang khô rất nhanh do sau Tết Tân Mão nắng nóng tiếp tục kéo dài rất gay gắt. Trong mấy tuần qua có rất nhiều hộ nông dân đến các nhà máy đề nghị được chặt mía. Áp lực thu hoạch rất cao khiến các nhà máy phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Một trong những giải pháp mà các nhà máy buộc phải áp dụng là tăng công suất, có lúc vượt cả công suất thiết kế.

Vận hành máy bốc mía lên phương tiện vận chuyển

Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) cho biết, hiện tại vùng nguyên liệu mía do Công ty đầu tư còn khoảng gần 3.000 ha mía chưa và đang thu hoạch. Tình trạng mía khô nhanh đã khiến cả ngàn hộ nông dân nôn nóng muốn được thu hoạch trước. Để giảm bớt áp lực thu hoạch, Công ty SBT đã tăng mức hỗ trợ cuối vụ để bù đắp vào thiệt hại của nông dân trồng mía khi bị khô trong thời gian chờ thu hoạch. Do đó trong thời gian gần đây, công ty không ngừng tăng công suất nhà máy lên cao. Nhà máy thường xuyên chạy từ 8.500 tấn/ngày, có khi liên tục mấy ngày nhà máy chạy đến 9.000 tấn/ngày. Việc Công ty SBT tăng công suất tối đa như vậy đã giúp cho các hộ nông dân rút ngắn được thời gian chờ đợi và thời gian kết thúc vụ cũng được rút ngắn theo.

Thế nhưng, khi nhà máy tăng công suất lên 9.000 tấn/ngày liên tục mấy ngày thì thực tế đã phát sinh những khó khăn khác khiến cho hiệu quả tăng công suất của nhà máy bị hạn chế. Cụ thể là lượng mía đổ về không đủ cung ứng cho nhà máy chạy 24/24 giờ. Trong mấy ngày qua, chưa đến 6 giờ sáng thì mía không còn tồn bãi nữa mà đã được nhà máy tiêu thụ hết sạch. Lúc đó, lượng mía có lịch chặt trong ngày lại chưa về đến nhà máy. Như vậy, cho dù nhà máy có tăng công suất tối đa, nhưng có ngày vẫn không vận hành hết mức do lượng mía về nhà máy không đủ cung ứng. Thực tế, điều “nghịch lý” đang diễn ra là: tất cả nông dân đều muốn được chặt mía, nhà máy nâng tối đa công suất để tiếp nhận lượng mía nhiều hơn, nhưng lượng mía thực tế về nhà máy lại không đáp ứng đủ yêu cầu nguyên liệu cho nhà máy. Vì sao?

Theo Tổng Giám đốc Công ty SBT thì có 2 nguyên nhân chính khiến cho lượng mía thực về nhà máy không đủ cho nhà máy chạy khi tăng công suất. Thứ nhất là do lực lượng nhân công thiếu. Sau Tết Nguyên đán, có một số nhân công chặt mía chuyển sang công việc khác, trong đó có khá nhiều nhân công chuyển sang thu hoạch khoai mì. Lượng nhân công thiếu khiến cho một số diện tích có lịch chặt tăng cường nhưng không có nhân công thu hoạch. Thứ hai là phương tiện vận chuyển mía từ đồng ruộng về nhà máy giảm hơn so với trước Tết Nguyên đán do có một số chuyển sang vận chuyển hàng hoá khác- trong đó có khá nhiều xe chở mía chuyển sang chở mì. Thiếu phương tiện vận chuyển thì cho dù mía có chặt cũng không thể đưa về nhà máy được.

Làm thế nào giải quyết những khó khăn về thiếu lực lượng nhân công và phương tiện? Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp của Công ty SBT cho biết, để tăng cường lượng mía chặt trong điều kiện nhân công không đủ, nhà máy đã đưa ra vận hành máy bốc mía thay thế nhân công ở một số vùng nguyên liệu gặp khó khăn nhất về nhân công. Đồng thời để thu hút lượng xe vận chuyển mía cho nhà máy, lãnh đạo Công ty SBT quyết định tăng thêm phí vận chuyển bình quân là 10% so với giá cước trước đây. Ngoài ra, nhà máy cũng tăng cường thêm chi phí đầu tư cho các hộ nông dân tưới mía với mức đầu tư là 2 triệu đồng/ha.

Mía đứng đồng cuối vụ ngày càng khô

Với những nỗ lực mới đây của nhà máy, hy vọng nông dân trồng mía không phải chờ đợi lâu mới có lịch thu hoạch và mức thu nhập từ cây mía trong giai đoạn cuối vụ không bị ảnh hưởng.

SƠN TRẦN