Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thu hoạch mía ở huyện DMC: Năng suất tăng cao, hạn chế cháy
Thứ năm: 01:16 ngày 24/11/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm nay, năng suất mía bình quân đạt 75 tấn /ha, tăng khoảng 20 tấn/ha (tăng gần 1/3) so với niên vụ trước (55 tấn/ha).

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu, tổng diện tích mía niên vụ 2010-2011 trên địa bàn huyện là 4.188 ha, trong đó mía gốc là 3.565,5 ha, mía trồng mới là 622,5 ha. Năm nay, năng suất mía bình quân đạt 75 tấn /ha, tăng khoảng 20 tấn/ha (tăng gần 1/3) so với niên vụ trước (55 tấn/ha).

Bớt rầu vì mía cháy, thu hoạch chậm 

Bà Bùi Thị Hải Đường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Vụ vừa qua, các nhà máy đường đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương phát triển vùng nguyên liệu và tăng năng suất cây mía. UBND tỉnh đã tổ chức rà soát quy hoạch lại vùng nguyên liệu sát với thực tế. Nhà máy và chính quyền địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân trồng mía tạo vùng nguyên liệu tập trung đủ điều kiện để áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh cây mía.

Nếu như vào những vụ thu hoạch trước, người trồng mía phải luôn “hồi hộp” vì có quá nhiều rủi ro như dễ bị đốt cháy; chi phí công, xe phụ thuộc vào “đầu công” nên do bức xúc, nhiều nông dân buộc phải đốt mía để được thu hoạch; lao động ngày càng thiếu nên công chăm sóc, thu hoạch mía ngày càng tăng cao; vụ thu hoạch kéo dài làm mía chết khô trên đồng… Năm nay, các nhà máy đã có kế hoạch tổ chức thu hoạch hợp lý hơn nên hầu hết người trồng mía an tâm trước tiến độ thu hoạch mía trên các cánh đồng đang được đẩy nhanh so với trước. Không như mọi năm, vụ thu hoạch này, mía có “tháng tuổi” cao hơn sẽ được thu hoạch trước, tránh tình trạng để mía già quá tuổi làm giảm lượng đường.

Cần đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thuỷ lợi ở các vùng nguyên liệu mía

Ngoài năng suất mía tăng cao, năm nay, nông dân trồng mía ở Dương Minh Châu thêm phần an tâm bởi so với vụ trước, đến nay trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy mía nào. Trong khi đó, so với cùng thời điểm năm trước, đã có khoảng hơn 20 vụ với trên 100 ha mía cháy. “Điều này cho thấy, nếu các nhà máy thu hoạch một cách khoa học thì nhiều người sẽ không tự đốt mía, tự làm giảm thu nhập của họ. Mặt khác, kết quả đó cũng cho thấy ngành chức năng và chính quyền các xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không nên đốt mía, dù của mình hay của người khác”, bà Hải Đường nói.

Nhưng vẫn còn lo

Tuy nhiên, trước tình hình giá cả biến động, vụ sản xuất 2010-2011 ngành mía đường gặp nhiều khó khăn. Giá đường, giá mía có tăng nhưng không tương xứng với mức tăng của vật tư, nguyên liệu đầu vào cũng như mức tăng giá của nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Chi phí sản xuất quá cao, giá mía tăng không bù đắp được chi phí sản xuất tăng. Kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu (giao thông, thuỷ lợi) phát triển không đồng bộ nên chi phí vận tải mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy cao, làm giảm thu nhập thực tế của người trồng mía. Ở những ruộng mía thấp, lầy lội, hiện chi phí “tăng bo” từ ruộng mía lên xe đã tăng từ 70.000 đồng/tấn lên đến 120.000 đồng/tấn. Lãnh đạo phòng nông nghiệp cũng cho rằng thực tế cho thấy trên địa bàn huyện chưa được quan tâm đến việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu về lâu về dài. Hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng chưa hoàn chỉnh, có nơi đã xuống cấp; còn có sự quy hoạch chồng chéo giữa các nhà máy và các cây nguyên liệu khác. Khâu chuyển giao giống mới, chuẩn bị mía giống chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Những nguyên nhân trên làm cho người trồng mía không an tâm sản xuất, không tiếp tục đầu tư cho cây mía mà chuyển sang các cây trồng khác như mì, cao su.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có năng suất, chất lượng cao, các nhà máy đường cần có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng diện tích để tăng sản lượng là cần thiết nhưng để có vùng nguyên liệu ổn định thì việc tăng năng suất sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất cho cả nhà máy và người trồng mía, nên coi đây là giải pháp cơ bản để đảm bảo nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy hoạt động. Cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hộ trồng mới và các HTX làm dịch vụ cây mía trong vùng nguyên liệu như hỗ trợ giống mới, lãi suất tiền vay, công chăm sóc, phân bón. Các nhà máy phải có kế hoạch tổ chức thu hoạch cuốn chiếu, dứt điểm trên từng diện tích mía hợp đồng, không để ảnh hưởng đến mía chăm sóc mùa sau.

 Bên cạnh đó, giá cả thu mua phải tương ứng với giá thị trường trong thời điểm thu hoạch. Các nhà máy phải xây dựng mức giá sàn bảo đảm cho người trồng mía có lãi. Các nhà máy cũng phải có kế hoạch áp dụng cơ giới hoá trong chăm sóc và thu hoạch, đó là giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành sản xuất; xây dựng các chính sách phối hợp hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hoá; bố trí cơ cấu giống mía rải vụ thu hoạch, làm giảm áp lực trong thu hoạch. Mặt khác, cần đầu tư đồng bộ hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, các cơ sở vật chất kỹ thuật khác; huy động tối đa nguồn tài chính Nhà nước, nhà máy, nhân dân cùng làm để đầu tư cho vùng chuyển đổi. “Phải chú trọng đến việc xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu, trong đó có đường giao thông nội đồng để góp phần giảm chi phí và bảo vệ cây mía cho nông dân sản xuất vùng thấp”, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện nói.

HOÀNG THI

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục