Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo tính toán và các văn bản liên quan, phải đến năm học 2025-2026, việc miễn học phí đối với học sinh cấp THCS mới thực hiện được.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh khảo sát cơ sở vật chất tại Trường THCS Hoà Thạnh, huyện Châu Thành.
Ngày 20.12.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023. Một trong những nội dung là Chính phủ yêu cầu không tăng học phí so với năm học 2021-2022, mặc dù trước đó, mức học phí mới đã được thông qua.
Không tăng học phí
Theo nghị quyết mới của Chính phủ, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Cụ thể, học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, đối với cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên thì giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do HĐND tỉnh đã ban hành áp dụng tại địa phương.
Trường hợp địa phương tăng học phí năm học 2022-2023 thì ngân sách địa phương bảo đảm phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Mức hỗ trợ cho từng cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, trình UBND để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt.
Đối với học phí của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022-2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 30.1.2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Tây Ninh, đầu năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT có văn bản gửi cơ sở giáo dục, nhà trường về việc tạm thời chưa thu học phí học kỳ I, năm học 2022-2023 theo Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh.
Ngoài học phí (tạm thời chưa thu), học sinh phải đóng bảo hiểm y tế học sinh, khoản thu này thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 2, Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17.10.2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Học sinh Trường tiểu học Biên Giới, xã Biên Giới, huyện Châu Thành trong giờ học.
Trình lại phương án thu học phí
Đối với Tây Ninh, ngày 9.12.2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập (có hiệu lực từ ngày 20.12.2021).
Theo Nghị quyết 13, giáo dục mầm non, phổ thông (trừ học sinh tiểu học) và giáo dục thường xuyên, học phí mỗi tháng 300.000 đồng; học sinh vùng nông thôn, học sinh mầm non, trung học cơ sở 100.000 đồng/tháng, riêng học sinh THPT 200.000 đồng tháng. Mức thu học phí này căn cứ quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ.
Mặc dù Tây Ninh áp giá thấp nhất so với mức trần của Nghị định 81 nhưng so với quy định trước đó, mức học phí (tuỳ cấp học, khu vực cư trú của học sinh) tăng rất mạnh. “Vì trước đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 13 quy định mức thu học phí mới, nay Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu không tăng học phí so với năm học 2021-2022, do đó, theo quy định, phải xây dựng lại khung học phí theo mức cũ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt”- lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin.
Theo quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức học phí thấp nhất áp dụng đối với học sinh vùng nông thôn chỉ từ 30.000 - 120.000 đồng, thành thị từ 60.000 - 300.000 đồng. Cũng như Nghị định 81 năm 2021, khi áp dụng Nghị định 86 năm 2015, Tây Ninh cũng thu học phí ở mức thấp nhất trong khung học phí do Chính phủ quy định.
Năm học 2022-2023, mức học phí cao hơn nhiều lần so với những năm học trước. Trao đổi về mức học phí mới, hầu hết cán bộ quản lý ngành Giáo dục có chung nhận định, rằng mức thu học phí quá cao, trong khi mấy năm qua, dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn mọi mặt trong đời sống xã hội, kinh tế khó khăn.
“Mức thu này, có lẽ không thu được bao nhiêu, đặc biệt học sinh vùng nông thôn, vùng sâu. Hiện tại, chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể, nhưng mới đây, chúng tôi nhận được thông tin: tạm thời chưa thu học phí theo mức mới, chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét”- nhiều cán bộ quản lý trong ngành cho biết.
Cần nhắc lại, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ hồi tháng 7.2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí đối với học sinh THCS trên toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2022-2023.
Tiếp đó, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8.2022, Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT tăng cường đôn đốc, kiểm tra các địa phương về công tác chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023 đạt kết quả cao nhất, “khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về lộ trình học phí, đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở và mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện trường học để học sinh mượn dùng”.
Theo ước tính của Bộ GD&ĐT, cả nước có 55 triệu học sinh, ngân sách cấp bù miễn học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học thì chi 11.199,8 tỷ đồng/năm học. Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách Nhà nước phải tăng thêm 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 3 năm 2022-2024 (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP).
Theo Nghị định 81 của Chính phủ, học sinh tiểu học trường công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù được miễn học phí. Nếu học sinh trung học cơ sở được miễn học phí, hàng triệu gia đình sẽ giảm gánh nặng học hành, hàng trăm ngàn học sinh được nối dài thêm cơ hội học tập.
Luật Giáo dục năm 2019 (sửa đổi) quy định học sinh cấp THCS không phải đóng học phí. Nhưng Luật này cũng quy định, việc miễn học phí cho học sinh THCS giao Chính phủ thực hiện theo lộ trình. Theo tính toán và các văn bản liên quan, phải đến năm học 2025-2026, việc miễn học phí đối với học sinh cấp THCS mới thực hiện được.
Như vậy, đến thời điểm này, sau nhiều lần cho chủ trương, lên kế hoạch, việc miễn học phí đối với học sinh cấp THCS vẫn chưa thể thực hiện. Bù lại, bằng nghị quyết mới nhất của Chính phủ, mức thu học phí đối với giáo dục công lập, từ mầm non đến đại học (trừ cấp tiểu học không phải đóng học phí) vẫn giữ nguyên mức thu của năm học 2021-2022: học sinh vùng nông thôn chỉ từ 30.000 - 120.000 đồng, thành thị từ 60.000 - 300.000 đồng. Hiện tại, năm học này đã có 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn học phí đối với học sinh mầm non, THCS, trong đó có tỉnh miễn luôn học phí đối với học sinh THPT.
Việt Đông