Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thu hút đầu tư có chọn lọc, đa dạng về ngành nghề
Chủ nhật: 17:52 ngày 30/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 586 ngày 26.3.2020 về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 217 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó, cụ thể hóa nhiệm vụ giao cho từng sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

Công nhân làm việc tại một công ty dệt may, Khu công nghiệp TMTC.

Hàng năm, tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt được các kết quả khả quan. Việc áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thành lập doanh nghiệp đã góp phần rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình thủ tục hành chính tại địa phương, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

Tính đến tháng 4.2021, tổng vốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 427,54 triệu USD, tăng 28% so cùng kỳ, gồm: cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án với vốn đầu tư 74,25 triệu USD – bằng 78% về số dự án và 22% vốn đăng ký so cùng kỳ; 6 dự án tăng vốn với vốn tăng 357,18 triệu USD – tăng 128% về vốn đăng ký so cùng kỳ; 3 dự án giảm vốn với vốn giảm 3,88 triệu USD.

Nhìn chung, thu hút đầu tư nước ngoài 4 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ, chủ yếu do tăng vốn đầu tư, riêng dự án thu hút mới giảm do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 338 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký 8 tỷ USD.

Năm 2020, do tác động tình hình dịch Covid-19 nên các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài, sơ kết thỏa thuận hợp tác quốc tế của tỉnh chưa được triển khai, thực hiện. Tính đến tháng 4.2021, UBND tỉnh đã ký kết 6 bản Thỏa thuận hợp tác quốc tế với 2 thành phố Gimhae, Chungju (Hàn Quốc) và 4 tỉnh Svay Riêng, Prey Veng, Tboung Khmum, Kampong Cham (thuộc Vương quốc Campuchia). Nội dung hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, trong đó, chủ yếu tập trung vào tiềm năng, thế mạnh của hai bên như nông nghiệp, thương mại, khoa học và công nghệ, giao lưu văn hóa thể thao.

Tỉnh cũng quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài như: thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách quy định của Trung ương, đồng thời, ban hành và tổ chức thực hiện tốt các chính sách, quy định thuộc thẩm quyền nhằm khuyến khích mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, linh hoạt thích ứng với những thay đổi của kinh tế khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, bảo đảm chặt chẽ về quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài theo đúng quy định pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm liên quan tới đầu tư nước ngoài.

Nhìn chung, các dự án đầu tư nước ngoài hoạt động trải đều trên tất cả các huyện, thị xã thành phố của tỉnh. Trong đó, các dự án tập trung chủ yếu tại thị xã Trảng Bàng với 203 dự án (chiếm 62,1% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh), huyện Gò Dầu 67 dự án (chiếm 20,4% số dự án FDI trên địa bàn tỉnh).

Công nhân làm việc tại một công ty sản xuất giày, Khu công nghiệp TMTC.

Đây là hai địa bàn có lợi thế thuận lợi về đường giao thông, gần thành phố Hồ Chí Minh, thuận tiện trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong thời gian qua, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, các chỉ tiêu: doanh thu, xuất khẩu, nhập khẩu của các dự án tăng dần theo từng năm. Khu vực FDI góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.

Tuy nhiên, các dự án và vốn thu hút đầu tư trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào khu công nghiệp Phước Đông, Thành Thành Công, Trảng Bàng, Linh Trung 3. Các cụm công nghiệp, đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong mời gọi, thu hút đầu tư.

Việc thu hút chưa đa dạng hóa về quốc tịch nhà đầu tư, tập trung chủ yếu là các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc; còn thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật. Trong quá trình hoạt động, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là các doanh nghiệp hoạt động ngoài các khu, cụm công nghiệp nên việc kiểm tra, xử lý về vấn đề môi trường đôi khi còn gặp nhiều khó khăn.

Định hướng thời gian tới, tỉnh duy trì môi trường đầu tư ổn định, thu hút đầu tư có chọn lọc, đa dạng về quốc gia và ngành nghề đầu tư; hoàn thành và công khai bộ thủ tục hành chính theo Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 31 ngày 26.3.2021 của Chính phủ và Thông tư số 03 ngày 9.4.2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mặt khác, tăng cường công tác hậu kiểm, thực hiện tốt công tác quy hoạch, định hướng phát triên nguồn nhân lực; đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật của trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục