BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thu hút đầu tư vào các khu, cụm CN: Nâng dần chất lượng

Cập nhật ngày: 23/01/2012 - 05:57

Tín hiệu vui

Đến cuối năm 2011, Tây Ninh có 9 khu công nghiệp (KCN) nằm trong danh mục quy hoạch KCN Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn 2020. Tổng quy mô đất tự nhiên tại các KCN là 4.485 ha (chưa bao gồm đất đô thị - dịch vụ). Hiện đã có 5 KCN được thành lập: KCN Trảng Bàng (190 ha), KCX&CN Linh Trung 3 (203 ha), KCN Bourbon- An Hoà (760 ha), KCN Phước Đông- Bời Lời (2.190 ha) và KCN Chà Là giai đoạn 1 (42 ha). Quy mô đất tự nhiên tại 5 KCN là 3.385 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê xây dựng nhà xưởng là 2.162 ha. Ngoài ra, Tây Ninh còn có nhiều cụm công nghiệp (CCN) quy mô từ 50- 70 ha đã được quy hoạch phát triển, trong đó các CCN Ninh Điền (Châu Thành), Bến Kéo (Hoà Thành) và Thanh Xuân (Tân Biên) có khả năng triển khai trong giai đoạn 2011-2015. Từ năm 2009 đến nay, các KCN đã tạo ra quỹ đất sạch khoảng trên 2.000 ha sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Trảng Bàng

Đến nay, toàn bộ diện tích đất công nghiệp trong KCN Trảng Bàng đã được các doanh nghiệp đăng ký đầu tư. KCN này hiện có 151 dự án với tổng vốn đăng ký trên 432,5 triệu USD và 2.263 tỷ đồng, đã có 125 dự án đi vào hoạt động. Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thu hút được 48 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 219 triệu USD và 6.468,5 tỷ đồng, đã có 16 dự án đi vào hoạt động. KCN Bourbon- An Hoà thu hút được 14 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 37,6 triệu USD và 237 tỷ đồng. Khu Liên hợp Công nghiệp- Đô thị- Dịch vụ Phước Đông -Bời Lời có 6 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 460 triệu USD và 661 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 11 tháng đầu năm 2011, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 45 dự án đầu tư mới và dự án điều chỉnh tăng vốn, với số vốn đăng ký tương đương là 671,6 triệu USD- tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2010.

Nâng chất lượng cả “khách” lẫn “chủ”

Một cán bộ phụ trách quản lý các KCN Tây Ninh nhận định: Để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế xã hội địa phương theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, địa phương và Trung ương phải có những chính sách hợp lý. Việc lấp đầy nhanh các KCN; xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; xem nhà đầu tư và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, là “đối tác tin cậy”; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả cũng là các giải pháp góp phần cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Hai trong những dự án đầu tiên ở Vườn công nghiệp Bourbon-An Hoà

Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm trong giai đoạn hiện nay ở các KCN là có thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất hay không. Mặt khác, chất lượng các dự án của các nhà đầu tư thứ cấp cũng rất quan trọng. Lấy ví dụ từ KCN Trảng Bàng, KCN và chế xuất Linh Trung III cũng như ở KCN Thanh Điền (vừa được nâng cấp từ CCN) trong thời gian qua, có thể thấy chất lượng nhiều dự án chưa cao. Dự án gia công, may mặc, giày da chiếm đa số, hiệu quả đóng góp cho địa phương về lâu dài là không nhiều. Do đó, bên cạnh mục tiêu lấp đầy nhanh diện tích đất KCN cần phải chuyển mạnh từ công nghiệp gia công sang công nghiệp chế biến các nguyên liệu trong nước và công nghiệp chế tạo nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh. Trong giai đoạn 2011- 2015 và về lâu dài, thu hút đầu tư sẽ có sự chọn lọc vào các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao; công nghiệp phụ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp và nông thôn; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội... 

KCN Tây Ninh có lợi thế là các KCN mới được hình thành nên quỹ đất còn nhiều, nguồn lao động chưa khan hiếm. Tuy nhiên, lực lượng lao động có tay nghề và tay nghề cao còn rất hạn chế. Do vậy khâu đào tạo nghề có định hướng cho người lao động là việc cần sớm xúc tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh tại các KCN, CCN trên địa bàn. Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển các KCN sau các địa phương khác còn có những bất lợi về cạnh tranh do hạ tầng kỹ thuật của tỉnh chưa phát triển, kém đồng bộ;  hạ tầng xã hội và dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động của KCN chưa  đáp ứng được nhu cầu. 

Một góc KCN Trảng Bàng, hướng giáp đường Xuyên Á

Dù kết quả thu hút đầu tư trong thời gian gần đây có những tín hiệu đáng mừng nhưng chưa thể an tâm, vì trong thực tế nhiều nhà đầu tư mới chỉ xem Tây Ninh như là một vùng đất tiềm năng, chưa phải là điểm đến. Có thể có những lý do khách quan như do cách xa trung tâm TP.HCM, xa sân bay, xa bến cảng nên thời gian luân chuyển hàng hoá chậm, tốn phí nhiều; lý do về hạ tầng xã hội còn yếu kém… Nhưng bên cạnh đó còn có những lý do chủ quan cần được khắc phục một cách triệt để, nhằm tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư. Việc xây dựng niềm tin của doanh nghiệp đối với hệ thống chính quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một trong những khâu quan trọng mang tính quyết định nhằm thu hút đầu tư vào các KCN, CCN cũng như những nơi khác trên địa bàn tỉnh.

ĐÌNH CHUNG