Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thử nghiệm giải pháp trục vớt mới lục bình trên sông Vàm
Thứ năm: 22:50 ngày 23/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mùa khô năm 2020, tình trạng lục bình phát triển dày đặc hơn trên sông Vàm Cỏ Đông so với những năm trước đây đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển bằng đường thuỷ của người dân.

Theo UBND tỉnh, sông Vàm Cỏ Đông qua địa phận tỉnh Tây Ninh có chiều dài khoảng 105 km bắt nguồn từ Campuchia đến ranh giới tỉnh Long An. Tình trạng lục bình phát triển mạnh vào mùa khô gây cản trở giao thông đường thuỷ, đặc biệt là các phương tiện có công suất nhỏ, ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con. Để giải quyết vấn nạn lục bình, UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.

Lục bình phát triển dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông mùa khô năm 2020 ảnh hưởng đến việc vận chuyển của người dân.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo xử lý lục bình, Sở GTVT, các tổ chức, cá nhân cũng đã nghiên cứu, đưa ra nhiều phương án thực hiện như tháo dỡ cọc chà 2 bên bờ sông, vận động người dân không cắm cọc chà, khoanh nuôi cá 2 bên bờ sông và các kênh rạch; tổ chức trục vớt, xử lý lục bình trên sông, những đoạn có mật độ dày đặc (có địa hình uốn lượn, nơi giao nhau 2 dòng thuỷ triều lên xuống). Các huyện tổ chức xử lý, trục vớt lục bình và tháo dỡ cọc chà trong các kênh rạch.

Trong giai đoạn 2012-2016 và từ năm 2017 đến nay, chúng ta thực hiện các giải pháp nêu trên và công tác vớt trên sông được đặt hàng cho một đơn vị (doanh nghiệp) thực hiện với thời hạn 5 năm. Nhìn chung,, trong các năm 2017, 2018, 2019 với sự quyết tâm của doanh nghiệp, Sở GTVT, UBND các huyện thì tình trạng lục bình vào mùa khô giảm nhiều so với trước đây, đảm bảo được luồng ghe, tàu lưu thông. Cũng có nhiều thời điểm, tại các khúc sông gấp khúc, nơi giao nhau giữa 2 dòng thuỷ triều có lục bình dày đặc, trường hợp này được đơn vị trục vớt lục bình điều ngay phương tiện đến xử lý.

Riêng năm 2020 này, tình trạng lục bình phát triển mạnh, dày đặc vào mùa khô, đánh giá có những nguyên nhân như mùa mưa năm 2020 đến muộn (hằng năm, đến khoảng tháng 3 âm lịch đã có nhiều cây mưa lớn, năm nay, đến thời điểm hiện tại chỉ có vài cây mưa); lục bình nhiều do tháo dỡ cọc chà khoanh nuôi cá, sau khi thu hoạch đổ ra sông. Mặc dù Sở GTVT và đơn vị thi công đã rất quyết liệt, tuy nhiên, tốc độ sinh trưởng của lục bình rất nhanh (chu kỳ từ 18 - 20 ngày sinh trưởng gấp đôi).

Trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông.

Theo UBND tỉnh, trong tháng 5.2020 vừa qua, Tập đoàn Thành Thành Công đã có buổi làm việc với Sở GTVT, với mong muốn hỗ trợ địa phương xử lý vấn nạn lục bình trên tinh thần Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại với tiềm lực của mình, Tập đoàn Thành Thành Công sẽ đồng hành, nỗ lực cùng với địa phương xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông thuỷ, đặc biệt là trong thời gian tới tỉnh nhà dự kiến kêu gọi khai thác vận tải hành khách du lịch.

Từ đầu tháng 6.2020, Tập đoàn Thành Thành Công đã đưa thiết bị vận hành chạy thử (nhập từ nước ngoài, đã được cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện thực tế). Qua đánh giá có hiệu quả, nhưng chi phí đầu tư ban đầu lớn. Hiện Tập đoàn đã đặt hàng sản xuất thêm một máy tự vận hành khác, chuẩn bị vận chuyển về Việt Nam với mong muốn cùng với địa phương xử lý tình trạng lục bình. UBND tỉnh đã giao Sở GTVT có báo cáo đánh giá và đề xuất tỉnh thực hiện trong quý III năm 2020.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở GTVT tiếp tục cùng các địa phương vận động người dân không cắm cọc chà hai bên bờ sông (đây là nguồn sinh trưởng lục bình vào mùa khô sau khi thu hoạch cá). Đối với lục bình trong các kênh rạch, Sở GTVT thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc các địa phương tích cực thực hiện trục vớt.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục