BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thử nghiệm máy vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông: Kém hiệu quả, không khả thi!

Cập nhật ngày: 17/01/2010 - 05:44

Ngày 15.1.2010, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở KH&CN Tây Ninh, Sở GT-VT, Sở TN&MT, Phòng TN&MT các huyện Hoà Thành, Châu Thành…, Thạc sĩ Bùi Trung Thành và các cộng sự thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM đã tổ chức trình diễn máy vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Địa điểm thử nghiệm là đoạn sông ven quốc lộ 22B, gần khu vực cầu đôi Rạch Rễ, thuộc địa phận xã Trường Tây, huyện Hoà Thành. Thiết bị cắt rong, cỏ dại, vớt bèo tây, rác thải nổi trong lòng kênh, mương, hồ chứa nước thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cơ khí chế tạo.

“Xả” lục bình từ máy vớt lên bờ

Theo sự giới thiệu của Thạc sĩ Bùi Trung Thành, máy vớt rong, cỏ, lục bình, rác nổi… được vận hành thử nghiệm là một hệ thống cơ giới có khả năng tự hành, cắt rong, cỏ dại dưới mặt nước. Cụm dao cắt được điều chỉnh lên, xuống theo chiều sâu của mực nước cũng như theo chiều cao của rong, cỏ… trong phạm vi 1,5m đến 2m. Máy này còn có chức năng vớt bèo tây (lục bình), rác thải nổi (dạng rời, không kết khối) trên sông, hồ, kênh. Cơ chế làm việc của máy là vớt rong, bèo, rác bằng hệ thống băng chuyền đưa lên thuyền. Khi thuyền đầy (thuyền có tải trọng chở cỏ, rong 1,5 tấn) sẽ quay vào bờ “xả” xuống bãi chứa hoặc xe tải chờ sẵn.

Tuy nhiên, qua một giờ chứng kiến sự vận hành và khả năng vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ của máy, nhiều cán bộ thuộc các ngành chức năng đã tỏ ra nghi ngờ tính khả thi và hiệu quả của máy. “Với lượng lục bình khổng lồ, kết thành từng mảng lớn trên sông Vàm Cỏ Đông thì nếu có cả chục chiếc máy như thế này hoạt động suốt trong vài tháng cũng chẳng “ăn thua” gì!”, một người nói.

Quả thật, trên dòng sông mênh mông lục bình, chiếc máy vớt bèo trở nên mong manh, nhỏ bé. Dù thời điểm máy hoạt động thử nghiệm chưa phải là lúc lục bình “phủ kín” sông nhưng thỉnh thoảng, máy bị “khựng” lại khi gặp những mảng lục bình lớn. Tốc độ di chuyển, trọng lượng chứa lục bình khá hạn chế của máy cũng là những điểm cần được nghiên cứu, cải thiện. Tuy nhiên, một ý kiến khác nhận định: “Cho dù máy này có được cải tiến về tốc độ, về tải trọng, về quy mô thiết kế… gấp ba, bốn lần đi nữa thì cũng không thể đạt hiệu quả khi đem xuống sông vớt lục bình. Có thể nói, máy này chỉ có thể vớt bèo, rác, cắt cỏ ở kênh, suối…, còn đem ra sông thì không phù hợp”.

Cho đến nay, dù đã “thử” áp dụng nhiều biện pháp xử lý nhưng Tây Ninh vẫn chưa dẹp được “giặc lục bình” trên sông Vàm Cỏ Đông. Đã có nhiều ý tưởng thành lập các xưởng làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với nguyên liệu chính là lục bình trong tự nhiên. Có nơi đã triển khai dự án ủ lục bình nuôi trùn làm thức ăn cho cá. Có người lại dùng lục bình làm “thức ăn xanh” cho gia súc, làm phân bón cây… Tuy nhiên, những ý tưởng trên không trở thành những mô hình “lý tưởng” để nhân rộng, không tạo được sức cộng hưởng trong việc diệt lục bình trên sông.

Chiếc thuyền như “mắc cạn” giữa dòng sông dày đặc lục bình

Hiện nay đang là mùa lục bình sinh sôi phát triển, “lấp” kín sông Vàm Cỏ. Trong khi đó, dòng sông này ngày càng thể hiện vai trò tuyến vận chuyển hàng hoá, vật liệu xây dựng… cực kỳ quan trọng của người dân Tây Ninh và các doanh nghiệp bởi so với đường bộ, vận chuyển bằng đường thuỷ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Tuy nhiên có thể nói, với việc thể hiện thiếu thuyết phục của máy vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông lần này, hy vọng về một phương tiện diệt lục bình hiệu quả khó trở thành hiện thực. Để rồi vấn nạn lục bình tiếp tục làm “đau đầu” những người có trách nhiệm, gây khó khăn, nguy hiểm cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá, sản xuất nông nghiệp của người dân.

“Lời giải” cho “bài toán xoá lục bình” trên sông Vàm Cỏ Đông vẫn còn ở phía trước!

BẢO TÂM