Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ở ấp Nam Bến Sỏi (xã Thành Long, huyện Châu Thành), mô hình trồng tre điền trúc lấy măng của ông Nguyễn Văn Hưng- tên thường gọi là ông Năm Hưng được nhiều người biết đến.
Ông Năm thu hoạch măng tre.
Từ vài bụi tre giống được mua ở Củ Chi đem về quê trồng, sau một khoảng thời gian chăm sóc, nhận thấy giống cây này phù hợp với đất đai của địa phương nên ông Năm quyết định mở rộng diện tích.
Ông bắt đầu dành thời gian, công sức để học hỏi kinh nghiệm, tích luỹ kiến thức về nhân giống và chăm sóc tre điền trúc sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Ðến nay, vườn tre điền trúc của ông đã có đến hơn 200 bụi.
Mùa măng tre bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch, với giá bán khoảng 10 ngàn đồng/kg, thời điểm nghịch mùa tầm 50 ngàn đồng/kg, có khi măng khan hiếm, giá lên đến cả trăm ngàn đồng/kg. Giá măng cao nhất là vào dịp tết, măng bán rất chạy, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người nông dân.
Ông Năm chia sẻ, so với trồng cây ăn trái, trồng tre lấy măng cho thu nhập ổn định hơn. Ông nói: “Tôi từng trồng đủ loại cây ăn trái, nhưng riêng chỉ có măng là thấy hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhu cầu lúc nào cũng có nên đầu ra ổn định, vốn để trồng tre lấy măng cũng không quá tốn kém”.
Từ sáng sớm, ông Năm đã ra vườn xắn măng đem ra chợ bán. Nhiều người biết măng vườn do ông trồng có chất lượng nên rất ưa chuộng. Chỉ trong buổi sáng, ông đã nhanh chóng bán hết vài chục ký măng.
Ông cười nói: “Hiện có nhiều loại măng chở từ nơi khác về bán ở chợ, nên nhiều người cũng lo ngại chất lượng. Những người quen chuyên mua măng của tôi lúc nào cũng bảo chỉ có măng Năm Hưng trồng họ mới dám mua ăn”.
Ông Năm cho biết thêm, giống măng điền trúc này có nhiều ưu thế so với măng ta, khi chế biến măng trắng, ít xơ và giòn ngọt hơn. Vào mùa thuận, trung bình ông Năm có thể thu hoạch từ 40-50kg măng/ngày.
Không chỉ vậy, vườn tre điền trúc của ông còn có thể cho măng ra trái vụ, nhờ vậy, thu nhập cao hơn nhiều so với những người trồng tre lấy măng khác. Ngoài thu nhập từ măng, vườn tre điền trúc còn mang thêm cho ông Năm một phần lợi nhuận từ việc bán thân tre làm nguyên liệu đan, lát và cung cấp tre giống cho những người có nhu cầu. Qua việc tận dụng tối đa nguồn thu từ cây tre, mỗi năm, ông có thu nhập trên 100 triệu đồng.
Theo ông Năm, trồng tre điền trúc không khó, nhưng phải biết cách chăm sóc, cây tre mới phát triển tốt và đẻ nhiều măng. Tre là loại cây có sức sống mãnh liệt, nếu trồng đúng kỹ thuật, sau khoảng 1 năm cây đã bắt đầu cho măng. Từ năm thứ hai trở đi, tre sẽ cho măng nhiều hơn. Măng sau khi mọc khoảng 5-7 ngày là có thể thu hoạch.
Vào các tháng mùa khô, do ít mưa nên cây tre hầu như không đẻ măng. Vì vậy, để tre cho măng cần phải nước tưới, phân bón định kỳ và áp dụng kỹ thuật chừa cây mẹ. Cách vài ngày, ông Năm bắt đầu dọn dẹp vườn tre, cắt tỉa cành lá.
Các gốc tre già, cây còi cọc kém phát triển được đào bỏ. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Ðể cây tre cho nhiều măng, các gốc tre cần được trồng thưa ra. Khi bắt đầu chuyển sang mùa khô, người trồng cần phải xới gốc, bón phân và tưới nước cách ngày cho vườn tre. Khi chồi măng nhú lên, lấy cỏ, rơm ủ lại để măng lớn không bị côn trùng phá hoại hay bị chai, chất lượng măng nhờ vậy cũng tốt hơn”.
Hoà Khang